Khu vực nhân đạo ở Gaza lại bị thu hẹp
Theo Hãng tin Reuters, ngày 17-8, người phát ngôn quân đội Israel đăng tải trên X hướng dẫn người dân ở khu vực trung tâm Dải Gaza sơ tán về một khu vực nhân đạo đã được quy ước.
Trước đó một ngày, hôm 16-8, hai khu vực từng được Tel Aviv khoanh là khu vực nhân đạo thuộc thành phố Khan Younis cũng bị quân đội Israel tuyên bố là nơi nguy hiểm và người dân ở đây được khuyến khích sơ tán.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA) khẳng định lệnh sơ tán trên tác động đến khoảng 170.000 người Palestine mất nhà cửa.
Báo cáo của OCHA khẳng định: "Đây là một trong những lệnh sơ tán lớn nhất ảnh hưởng đến [Dải Gaza] cho đến nay. Lệnh sơ tán thu hẹp thứ gọi là 'khu vực nhân đạo' xuống chỉ còn 41km2, tức 11% tổng diện tích Dải Gaza".
Điều này đồng nghĩa với việc hơn 2 triệu người dân Gaza chỉ còn 41km2 đất đai để có thể sinh sống an toàn.
Tên lửa đi lạc, gia đình hơn 10 người ở Gaza thiệt mạng
Cuối ngày 17-8, cơ quan y tế Gaza khẳng định ít nhất 17 người Palestine thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương sau trận không kích của Israel vào thị trấn Zawayda tại trung tâm dải đất.
Trận không kích diễn ra ngay trước thềm chuyến công du Tel Aviv của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhằm thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao hướng đến thỏa thuận ngừng bắn, trao đổi tù nhân/con tin giữa Israel và Hamas.
Hầu hết người thiệt mạng trong cuộc tấn công tại Zawayda đều là thành viên một gia đình, bao gồm tám trẻ em và bốn phụ nữ. Quân đội Israel khẳng định cuộc tấn công nhắm vào các nhóm vũ trang Hồi giáo từng pháo kích vào lực lượng của Tel Aviv tại khu vực thị trấn trên.
Tuy nhiên, ông Abu Ahmed Hassan, người sống gần gia đình xấu số, chia sẻ: "Họ đang ngủ thì ba tên lửa bay lạc đến nhà họ. Trước nay ở đây hoàn toàn không có hoạt động quân sự nào cả!".
Phương Tây vẫn không muốn leo thang căng thẳng dù ủng hộ Ukraine đánh Kursk
Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Tomasz Siemoniak khi trả lời phỏng vấn Reuters khuya 16-8.
Khi được hỏi liệu chiến dịch tiến công của quân đội Ukraine tiến về lãnh thổ Nga ở vùng Kursk có thay đổi quan điểm của phương Tây về cách Kiev sử dụng vũ khí được viện trợ, ông Siemoniak khẳng định: "Chiến dịch này không thay đổi thái độ chống leo thang căng thẳng của phương Tây. Tôi nghĩ đối với phương Tây, đây là sự kiện thay đổi đáng kể hình ảnh của Ukraine. Kiev đã gặt hái thành quả chính trị to lớn sau chưa đầy hai tuần".
Đến nay, chính phủ các nước phương Tây không cho Ukraine sử dụng vũ khí tấn công tầm xa được viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga vì lo ngại leo thang căng thẳng.
Tuy nhiên Mỹ - đồng minh lớn nhất của Ukraine - xem chiến dịch tấn công Kursk của Kiev mang tính bảo vệ. Do đó quân đội Ukraine có quyền sử dụng trang thiết bị được Washington sản xuất tại khu vực này.
Warsaw cũng có quan điểm tương tự. Cách đây vài ngày, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tuyên bố Ukraine có toàn quyền đáp trả chiến tranh theo cách có thể làm tê liệt Matxcơva.
Ông Trump nói dễ thắng bà Harris hơn ông Biden
Ngày 17-8, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông tin đối thủ Kamala Harris dễ đánh bại hơn Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Tuyên bố này được đưa ra bất chấp việc các cuộc thăm dò cử tri lớn đều cho thấy bà Harris đang có lợi thế so với ông Trump.
Lý giải cho phát ngôn trên, ông Trump chỉ trích bà Harris "cực đoan" và "điên rồ". Ông còn nhấn mạnh việc bà Harris từng kêu gọi cấm kỹ thuật thủy lực cắt phá trong khai thác mỏ, dù đây là ngành rất quan trọng với nước Mỹ.
Ngoài ra, ông Trump tiếp tục chiến lược công kích cá nhân bà Harris. Ông trêu chọc: "Các bạn từng nghe bà ấy cười chưa? Đó là nụ cười của người điên".
Các tuyên bố trên được đưa ra trong sự kiện vận động tranh cử ở bang Pennsylvania, một trong những bang chiến địa quan trọng bậc nhất trong cuộc bầu cử tổng thống. Dự kiến bà Harris cũng sẽ vận động tranh cử tại bang này vào ngày 18-8.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia mất an toàn
Ngày 17-8, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi khẳng định tình hình an toàn quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang xuống dốc, sau khi một máy bay không người lái (drone) của Ukraine đánh bom một con đường dẫn đến cơ sở này.
IAEA cho biết khu vực bị ném bom nằm gần các ao chứa nước làm mát thiết yếu và cách đường dây điện Dniprovska chỉ 100 mét. Đây là đường dây 750 kilovolt cung cấp điện cho nhà máy duy nhất còn hoạt động.
Nhà máy Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, nằm trong lãnh thổ được thế giới công nhận của Ukraine, nhưng đã rơi vào sự quản lý của Nga sau khi chiến sự tại đây bùng nổ.
Nhà máy đã ngừng hoạt động, song Matxcơva và Kiev vẫn liên tục cáo buộc nhau gây mất an toàn cho khu vực quanh đây.
Đi bán gà
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận