Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chiếm sự chú ý của truyền thông thế giới, với các phát biểu và tuyên bố chung nhắm vào Mỹ. Quan hệ Nga - Trung Quốc cũng trở thành từ khóa hot trên nhiều báo đài ở cả hai nước.
Tổng thống Putin nói Nga và Trung Quốc "mãi là anh em"
Trong buổi hòa nhạc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nga và Trung Quốc tối 16-5, Tổng thống Nga Putin đã khiến cả khán phòng tại Bắc Kinh tràn ngập tiếng vỗ tay khi mô tả quan hệ hai nước. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhiều quan chức khác cũng có mặt tại buổi lễ.
"Sự kiện này được dành riêng để kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Có một bài hát nổi tiếng từ thời đó, được sáng tác cách đây 75 năm, nhưng vẫn được hát cho đến ngày nay và trong đó có một câu khá nổi tiếng: Nga và Trung Quốc mãi mãi là anh em", ông Putin nói.
Tổng thống Nga kế đó nhấn mạnh: "Tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ tiếp tục củng cố tinh thần anh em trong quan hệ đối tác hài hòa giữa Nga và Trung Quốc".
Những người có mặt đã nhiệt liệt vỗ tay khi nghe bài phát biểu bằng tiếng Nga và sau đó là bản dịch tiếng Trung, theo Hãng thông tấn Tass.
Tuyên bố Nga - Trung Quốc chỉ trích Mỹ
Tuyên bố chung được công bố sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 16-5 đầy những chỉ trích Mỹ. Hai nước đồng thời cam kết sẽ "làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong hợp tác vì kỷ nguyên mới".
Bản tuyên bố chung dài tới 30 trang, trong đó nhấn mạnh Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, công nghệ thông tin.
Hai bên nhấn mạnh quan hệ Nga - Trung Quốc đã phát triển đến cấp độ hợp tác liên quốc gia cao hơn so với những hình thức liên kết quân sự - chính trị như thời Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên mối quan hệ đó không mang bản chất liên minh theo khối hay nhằm mục tiêu đối đầu và nhắm vào bên thứ ba nào.
Mặc dù vậy, theo liệt kê của Tass, nhiều điểm trong tuyên bố này đã nêu đích danh Mỹ để chỉ trích.
Chẳng hạn, phản đối "nỗ lực bá quyền của Mỹ" ở Đông Bắc Á, phản đối các hành động khiêu khích của Mỹ và đồng minh đối với Triều Tiên, phản đối các nước bên ngoài khu vực Biển Đông can thiệp vào tranh chấp ở khu vực,...
Tuyên bố chung cũng lên án việc các nước tịch thu hoặc đóng băng tài sản của nước khác, kêu gọi Mỹ và NATO có trách nhiệm với Afghanistan, đồng thời bày tỏ quan ngại về hoạt động xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Mỹ: Tuyên bố Nga - Trung chẳng có gì mới!
Theo Hãng tin Reuters, trong cuộc họp báo ngày 16-5, khi được hỏi về tuyên bố chung giữa Nga và Trung Quốc, đại diện Nhà Trắng thẳng thắn nói rằng "chẳng có gì mới" trong văn bản này.
Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc giúp Nga củng cố nền công nghiệp quốc phòng, gọi đây là hành động "có vấn đề" và sẽ phản ứng khi cần thiết.
Trước đó, tại một cuộc họp báo ở trụ sở NATO ngày 16-5, chủ tịch ủy ban quân sự của NATO Rob Bauer cho rằng Nga đang nâng cao năng lực công nghiệp quốc phòng nhanh hơn so với châu Âu và Bắc Mỹ.
Liên Hiệp Quốc nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024
Theo báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2024 và 2,8% trong năm 2025, tăng nhẹ so với dự báo hồi đầu năm là 2,4% cho năm 2024 và 2,7% đối với năm 2025.
Liên Hiệp Quốc nâng dự báo kinh tế thế giới nhờ triển vọng kinh tế lạc quan hơn tại Mỹ, quốc gia có thể đạt mức tăng trưởng 2,3% trong năm nay, và một số nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Brazil, Ấn Độ và Nga.
Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2024, tăng nhẹ so với mức 4,7% trong dự báo hồi tháng 1 năm nay. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế tại Liên minh châu Âu (EU) từ 1,2% xuống còn 1%.
Triều Tiên phủ nhận chuyển vũ khí cho Nga
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 17-5, bà Kim Yo Jong - quan chức cấp cao đồng thời là em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - đã bác bỏ chuyện nước này trao đổi vũ khí với Nga.
Gọi thông tin trên là "thứ lý thuyết ngớ ngẩn nhất", bà Kim Yo Jong cho rằng niềm tin đó xuất phát từ các định kiến và sự hư cấu. Do đó, những cáo buộc thất thiệt như vậy không đáng phải giải thích quá nhiều.
Trước đó, ngày 16-5, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với hai cá nhân Nga và ba công ty Nga, vì đã tạo điều kiện cho việc chuyển giao vũ khí giữa Nga và Triều Tiên, bao gồm cả tên lửa đạn đạo để sử dụng ở Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller khẳng định Nga đã sử dụng hơn 40 tên lửa đạn đạo do Triều Tiên sản xuất để tấn công Ukraine và nhận một cơ số đạn dược khác từ Bình Nhưỡng. Việc nhập khẩu vũ khí từ Triều Tiên, theo ông Miller, là trái với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Israel và Thổ Nhĩ Kỳ hục hặc lớn
Ngày 16-5, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich tuyên bố Tel Aviv sẽ hủy bỏ hiệp định thương mại tự do với Thổ Nhĩ Kỳ và áp thuế 100% đối với các hàng nhập khẩu từ nước này. Ông cũng cho biết đề xuất sẽ được trình lên nội các để phê duyệt.
Động thái của Israel được cho là nhằm trả đũa một quyết định vào đầu tháng này của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Chính quyền Ankara khi đó thông báo sẽ ngừng xuất khẩu sang Israel trong thời gian diễn ra cuộc chiến Israel - Hamas, với lý do "thảm kịch nhân đạo ngày càng tồi tệ" ở Gaza. Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các công ty có 3 tháng để hoàn thành các đơn đặt hàng hiện có qua nước thứ ba.
Trong tuyên bố ngày 16-5, ông Smotrich mô tả quyết định của ông Erdogan là một hành động tẩy chay kinh tế, đồng thời vi phạm nghiêm trọng các hiệp định thương mại quốc tế mà Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết. Israel sẽ không thay đổi quyết định khi ông Erdogan vẫn còn nắm quyền.
Các bộ tài chính, kinh tế và ngoại giao Israel sẽ phối hợp để tăng cường năng lực sản xuất của Israel, đồng thời đa dạng hóa nguồn nhập khẩu để giảm sự phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuba kêu gọi Mỹ đưa khỏi danh sách nước tài trợ khủng bố
Ngày 16-5 (giờ địa phương), Chính phủ Cuba nhắc lại yêu cầu đưa nước này ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố do Bộ Ngoại giao Mỹ đơn phương soạn thảo.
Bộ Ngoại giao Cuba khẳng định việc đưa Cuba vào danh sách trên là hành động bất công và không chỉ người dân Cuba mà nhiều chính phủ, các tổ chức chính trị, xã hội và tôn giáo ở chính nước Mỹ đều phản đối.
Tuyên bố nhấn mạnh Cuba không tài trợ cho khủng bố nhưng đã là nạn nhân của khủng bố, bao gồm cả chủ nghĩa khủng bố cấp nhà nước.
Trước đó, ngay sau khi có thông tin Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Cuba ra khỏi danh sách những quốc gia không hợp tác đầy đủ với các nỗ lực chống khủng bố của Washington, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã yêu cầu Mỹ loại Cuba khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố.
Tình yêu của cha
Một người cha đang chơi đùa với con gái bên cạnh khu lều dành cho người Palestine sơ tán ở trại tị nạn Nuseirat, phía bắc thành phố Deir al-Balah, Gaza.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận