Mỹ nói trừng phạt Iran sẽ có trong vài ngày
Ngày 16-4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo sẽ có các biện pháp trừng phạt Iran "trong những ngày tới" sau cuộc tấn công chưa từng có của Iran nhằm vào Israel cuối tuần trước. Bà chỉ trích các hành động của Iran "đe dọa sự ổn định của khu vực và có thể gây ra tác động lan tỏa về kinh tế".
Mỹ và EU trừng phạt bổ sung Iran sau vụ tấn công Israel - Nguồn: AFP
Bà Yellen cho biết Bộ Tài chính Mỹ sẽ hợp tác hành động với các đồng minh và sẽ cân nhắc "tất cả các phương án nhằm ngăn chặn hoạt động tài trợ khủng bố". Trước đó, chính quyền Mỹ đã sử dụng các công cụ kinh tế để ngăn các hoạt động của Iran, nhắm vào các chương trình máy bay không người lái và tên lửa của nước này cũng như việc tài trợ cho các nhóm như phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết Washington đang nhắm vào khả năng xuất khẩu dầu của Iran và hơn nữa. Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói rằng Mỹ đang lên kế hoạch trừng phạt bổ sung chương trình tên lửa và máy bay không người lái của Iran trong những ngày tới và hy vọng các đồng minh của họ sẽ làm theo.
Sau nửa năm nổ ra xung đột giữa Israel và Hamas ở Gaza, bạo lực đã lan ra khu vực gây ra bởi các lực lượng ủy nhiệm của Iran và các đồng minh. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Tehran đánh vào Israel cuối tuần trước để trả đũa vụ tấn công chết người vào lãnh sự quán Iran ở Damascus ngày 1-4.
EU họp khẩn về Iran
Phát biểu sau cuộc họp khẩn của ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu ngày 16-4, nhà ngoại giao hàng đầu châu Âu Josep Borrell tuyên bố Brussels đã bắt đầu hành động để mở rộng trừng phạt Iran.
Theo đó, EU sẽ xem xét các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn Iran cung cấp vũ khí, bao gồm cả máy bay không người lái, cho Nga và các nhóm ủy nhiệm ở Trung Đông. Một số nước đề cập đến việc bổ sung Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách đen khủng bố của EU.
Cuộc họp khẩn của các ngoại trưởng EU diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày của các nhà lãnh đạo khối tại Brussels, trong đó dự kiến sẽ tập trung vào sự leo thang nguy hiểm ở Trung Đông.
Israel diệt chỉ huy Hezbollah ở Lebanon
Ngày 16-4, Israel cho biết đã không kích miền nam Lebanon, giết chết 2 chỉ huy và 1 thành viên của nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn. Nhóm này đã lập tức phóng tên lửa để trả đũa. Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực leo thang sau đợt tấn công của Iran vào Israel cuối tuần qua.
Theo quân đội Israel, lực lượng này đã tiêu diệt Ismail Yusef Baz, chỉ huy khu vực ven biển của Hezbollah, và chỉ huy Mohammed Shehoury của đơn vị tên lửa thuộc Lực lượng Radwan của Hezbollah ở khu vực miền trung và miền tây Lebanon.
Tòa cảnh cáo ông Trump không dọa nạt bồi thẩm đoàn
Tại phiên tòa xử cáo buộc cựu tổng thống Mỹ Donald Trump che giấu khoản tiền bịt miệng diễn viên khiêu dâm trong chiến dịch tranh cử 2016, thẩm phán đã cảnh báo ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa không dọa các bồi thẩm đoàn.
Trong phiên tòa đầu tiên ngày 16-4, việc lựa chọn bồi thẩm đoàn diễn ra nhanh chóng hơn dự kiến với 7 thành viên đã được lựa chọn. Bồi thẩm đoàn sẽ bao gồm 12 người và 6 người thay thế. Thẩm phán Juan Mercan kỳ vọng phiên tranh luận sẽ bắt đầu ngay tuần sau thay vì mất vài tuần như dự kiến.
"Tôi sẽ không để bất kỳ bồi thẩm đoàn nào bị dọa trong phòng xử án này", ông Mercan đưa ra cảnh báo cứng rắn khi ông Trump liên tục nói và có nhiều động tác về phía bồi thẩm đoàn trong quá trình thẩm vấn. Bên ngoài phòng xử án, ông Trump tiếp tục chỉ trích thẩm phán, cho biết "mọi chuyên gia pháp lý và mọi học giả pháp lý đều nói rằng phiên tòa này là một sự ô nhục".
Cuộc bỏ phiếu quyết định an ninh khu vực của Solomon
Người dân đảo quốc Solomon bắt đầu bỏ phiếu ngày 17-4 trong cuộc bầu cử có thể định hình lại an ninh khu vực, với việc lựa chọn nước này sẽ siết chặt mối quan hệ với Trung Quốc hay không. Thủ tướng Manasseh Sogavare đã cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ với Bắc Kinh nếu ông tái đắc cử, trong khi các đối thủ của ông muốn giảm bớt ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi đảo quốc Thái Bình Dương này cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 2019 và ủng hộ nguyên tắc "một Trung Quốc" của Bắc Kinh. Nước này ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc vào năm 2022, khiến Úc và Mỹ lo ngại đây là bước đầu tiên để Trung Quốc lập một căn cứ quân sự lâu dài ở Nam Thái Bình Dương.
Anh thông qua luật cấm giới trẻ hút thuốc
Hạ viện Anh ngày 16-4 đã thông qua dự luật ngăn chặn giới trẻ hút thuốc, một chính sách tranh cử quan trọng của Thủ tướng Rishi Sunak trước thềm cuộc bầu cử vào năm sau.
Theo đó, luật mới sẽ cấm bán thuốc lá cho người sinh sau ngày 1-1-2009 và mỗi năm sẽ nâng độ tuổi hút thuốc lá thêm 1 năm cho đến khi áp dụng với toàn bộ dân số, theo Hãng tin AFP. Đây được xem là một trong số những kế hoạch cấm thuốc lá nghiêm ngặt nhất trên thế giới hiện nay.
Chính phủ cho biết chính sách này sẽ loại bỏ dần việc hút thuốc ở những người trẻ tuổi gần như hoàn toàn vào đầu năm 2040. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại luật mới có nguy cơ tạo ra thị trường chợ đen và gây ra thách thức không thể quản lý.
Theo thống kê chính thức, khoảng 6,4 triệu người tại Anh, tương đương 13% dân số trưởng thành của nước này, hút thuốc lá. Hút thuốc lá là tác nhân gây ra 1/4 số ca tử vong do ung thư, với 64.000 trường hợp tử vong mỗi năm ở Anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận