
Thống đốc California Gavin Newsom (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: NBCLOSANGELES.COM
Bang California kiện chính quyền ông Trump về thuế quan
Ngày 16-4, thống đốc và tổng chưởng lý California cho biết bang này đang kiện chính quyền liên bang về các mức thuế quan thất thường của Tổng thống Donald Trump. Họ lập luận ông Trump không có quyền áp đặt các mức thuế như vậy, theo Hãng tin AFP.
Động thái này được xem là sự phản kháng mạnh mẽ nhất cho đến nay nhằm chống lại việc Washington triển khai chính sách thuế quan khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo và khiến các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ lo lắng trước viễn cảnh bất ổn kéo dài.
"Đây là bàn phản lưới nhà tệ hại nhất trong lịch sử đất nước này. Đây là một trong những hành động tự hủy hoại nghiêm trọng nhất mà chúng ta từng trải qua trong lịch sử nước Mỹ hiện đại" - Thống đốc California Gavin Newsom, thành viên Đảng Dân chủ, tuyên bố.
Với 40 triệu dân và nền kinh tế lớn, hướng ra toàn cầu (chiếm đến 14% tổng GDP của Mỹ), bang California được dự báo sẽ gánh chịu phần lớn thiệt hại kinh tế do những biến động gần đây gây ra.
Văn phòng của ông Newsom cho biết California - nơi sẽ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới nếu là một quốc gia độc lập - có thể mất hàng tỉ USD doanh thu nếu chính sách thuế quan của ông Trump thu hẹp thương mại quốc tế.
Ukraine - Mỹ đạt tiến triển đáng kể về thỏa thuận khoáng sản
Ngày 16-4, Phó thủ tướng thứ nhất của Ukraine, bà Yulia Svyrydenko, thông báo nước này và Mỹ đã đạt được "tiến triển đáng kể" trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận khoáng sản và sẽ ký bản ghi nhớ trong tương lai gần.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, bà Svyrydenko cho biết: "Các nhóm kỹ thuật của chúng tôi đã làm việc rất kỹ lưỡng với nhau về thỏa thuận này và đã có tiến triển đáng kể. Đội ngũ pháp lý của chúng tôi đã điều chỉnh một số mục trong dự thảo thỏa thuận".
Theo bà Svyrydenko, công việc liên quan đến thỏa thuận này sẽ được tiếp tục và cả hai bên đã nhất trí ký bản ghi nhớ trong thời gian tới như là giai đoạn đầu tiên để ghi nhận tiến độ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm kiếm thỏa thuận khoáng sản với Ukraine như một phần trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ông Trump cũng coi đó là cách để thu hồi hàng tỉ USD mà Mỹ đã chi để viện trợ quân sự cho Ukraine.
Shein và Temu thông báo tăng giá tại Mỹ do ảnh hưởng từ thuế quan của ông Trump
Theo Hãng tin Reuters, nền tảng thương mại điện tử Temu và hãng thời trang nhanh Shein của Trung Quốc sẽ tăng giá vào tuần tới, khi loạt thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng với việc mạnh tay với hàng nhập khẩu giá trị thấp đẩy chi phí lên cao đối với những công ty nổi tiếng nhờ mức giá bình dân.
Trong thư gần như giống nhau gửi tới khách hàng tuần này, cả hai công ty trên đều thông báo sẽ tăng giá bắt đầu từ ngày 25-4 và khuyến khích người tiêu dùng "mua sắm ngay với mức giá hôm nay".
Shein và Temu - bán đủ loại mặt hàng từ đồ chơi đến điện thoại thông minh - thời gian qua đã phát triển nhanh chóng tại Mỹ một phần nhờ vào chính sách miễn thuế "de minimis", cho phép hàng hóa có giá trị dưới 800 USD được nhập khẩu mà không phải chịu thuế, từ đó giúp các công ty này duy trì mức giá thấp.

Ảnh minh họa cho thấy ứng dụng Temu và Shein - Ảnh: REUTERS
Mỹ cân nhắc trừng phạt để ngăn DeepSeek mua công nghệ Mỹ
Ngày 16-4, báo New York Times (Mỹ) đưa tin chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn Công ty DeepSeek của Trung Quốc mua công nghệ Mỹ, đồng thời đang xem xét khả năng cấm công dân Mỹ sử dụng dịch vụ của DeepSeek.
Việc ra mắt mô hình AI giá rẻ DeepSeek đã gây chấn động hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo toàn cầu. Chính phủ Mỹ kể từ đó đã có những động thái nhằm siết chặt hoạt động của start-up này cũng như mối liên hệ giữa họ với nhà sản xuất chip Nvidia của Mỹ.
Trong tuần này, chính quyền ông Trump đã tiến hành hạn chế việc Nvidia bán chip AI cho Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ đóng cửa văn phòng chống thông tin sai lệch từ nước ngoài
Ngày 16-4, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thông báo ông sẽ đóng cửa một văn phòng thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ vốn được lập ra để chống lại thông tin sai lệch từ nước ngoài, với lý do văn phòng này thực hiện hành vi kiểm duyệt và lãng phí tiền thuế của người dân Mỹ, theo Hãng tin Reuters.
Trong một tuyên bố, ông Rubio nói sẽ chấm dứt hoạt động của Văn phòng chống can thiệp và thao túng thông tin nước ngoài của Bộ Ngoại giao Mỹ, trước đây được biết đến với tên gọi Trung tâm Tương tác toàn cầu (GEC).
Văn phòng GEC thực chất đã ngừng hoạt động từ tháng 12-2024 dưới thời Tổng thống Joe Biden, sau khi Quốc hội Mỹ không gia hạn nhiệm vụ.
Văn phòng này sau đó được tái tổ chức và chuyển đổi thành một văn phòng ngoại giao công chúng khác mang tên R/FIMI.
GEC đã bị một số thành viên Đảng Cộng hòa chỉ trích gay gắt. Họ cho rằng văn phòng này đang lệch hướng khỏi sứ mệnh ban đầu.
Israel nói 30% diện tích Gaza đã trở thành vùng đệm
Ngày 16-4, Israel thông báo nước này đã biến 30% Dải Gaza thành vùng đệm trong bối cảnh chiến dịch quân sự không ngừng nghỉ vẫn đang được đẩy mạnh, đồng thời tuyên bố sẽ duy trì phong tỏa viện trợ nhân đạo đối với dải đất bị chiến tranh tàn phá này, theo Hãng tin AFP.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng đã ra lệnh cho các lãnh đạo an ninh và các nhà đàm phán tiếp tục nỗ lực thúc đẩy việc trả tự do cho các con tin đang bị Hamas bắt giữ ở Gaza.
Israel đã nối lại các cuộc tấn công trên không và trên bộ vào ngày 18-3, kết thúc thỏa thuận ngừng bắn kéo dài hai tháng ở Gaza. Quân đội Israel tuyên bố họ đã "giành quyền kiểm soát hoàn toàn về mặt tác chiến đối với nhiều khu vực và tuyến đường trọng yếu trên khắp Dải Gaza".
Bão cát

Xe di chuyển trong bụi dày đặc ở Doha, Qatar vào hôm 15-4. Một trận bão cát đã tấn công Doha tuần này - Ảnh: XINHUA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận