
Tổng thống Mỹ Donald Trump bước xuống từ chuyên cơ Air Force One hạ cánh ở West Palm Beach, Florida ngày 16-2 - Ảnh: REUTERS
Ông Trump nói sẽ "rất sớm" gặp ông Putin
Ngày 16-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông tin rằng cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề chấm dứt xung đột ở Ukraine sẽ diễn ra trong thời gian "rất sớm".
Ông khẳng định đang nỗ lực hết sức để đạt được hòa bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky muốn ngừng chiến.
Ông Trump tin sẽ gặp Tổng thống Nga Putin tại Saudi Arabia?
Bình luận của ông được đưa ra khi Washington và Matxcơva đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán ban đầu tại Saudi Arabia trong những ngày tới.
Cùng ngày, Hãng tin Reuters dẫn tờ Kommersant của Nga cho biết các cuộc đàm phán về Ukraine với sự tham gia của phái đoàn nước này dự kiến sẽ diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, bắt đầu vào ngày 18-3. Thông tin được tờ báo trích dẫn các nguồn tin không nêu tên.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định không gạt châu Âu và Ukraine khỏi đàm phán với Nga
Giảm bớt lo ngại từ châu Âu về việc bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán ban đầu giữa Nga và Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 16-2 khẳng định Ukraine và châu Âu sẽ là một phần của bất kỳ "cuộc đàm phán thực sự" nào nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài CBS, ông Rubio cho biết quá trình đàm phán vẫn chưa thực sự bắt đầu và nếu các cuộc đàm phán tiến triển, Ukraine và các nước châu Âu sẽ được đưa vào vòng thảo luận.
Trước đó trong cùng ngày, Reuters đưa tin các quan chức Mỹ đã gửi cho giới chức châu Âu một bảng các câu hỏi, trong đó có nội dung về số lượng binh sĩ có thể đóng góp để thực thi thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Nhắc lại cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin vào tuần trước, ông Rubio nhấn mạnh nhà lãnh đạo Nga đã bày tỏ quan tâm đến hòa bình, trong khi tổng thống Mỹ bày tỏ mong muốn chấn dứt xung đột theo cách bền vững và bảo vệ chủ quyền của Ukraine.
"Rõ ràng phải có hành động tiếp theo, vì vậy vài tuần và vài ngày tới sẽ quyết định xem điều này có nghiêm túc hay không. Cuối cùng thì một cuộc gọi điện thoại không thể tạo ra hòa bình", ông Rubio giải thích.
Ông khẳng định: "Cuối cùng, sẽ đến thời điểm - nếu đó là các cuộc đàm phán thực sự, và chúng ta vẫn chưa đạt đến điểm đó - nhưng nếu điều đó xảy ra, Ukraine sẽ phải tham gia, và châu Âu cũng phải tham gia vì họ đang áp lệnh trừng phạt đối với ông Putin và Nga. Nhưng chúng ta chưa đến giai đoạn đó".
Đặc phái viên về Trung Đông của Mỹ, ông Steve Witkoff và cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz dự kiến sẽ rời Mỹ đến Saudi Arabia vào tối 16-2 (giờ Mỹ).
Ông Rubio cho biết ông vốn dĩ có kế hoạch đến nước này do lịch trình công du chính thức đã sắp xếp từ trước. Ông cũng cho biết thành phần của phái đoàn Nga vẫn chưa được hoàn tất.
Pháp chủ trì hội nghị khẩn của châu Âu về Ukraine
Hãng tin Reuters đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 17-2 với các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Anh Kier Starmer.
Phủ tổng thống Pháp cho biết ông Macron đã kêu gọi "các cuộc thảo luận tham vấn" và sẽ giải quyết sự thay đổi hỗn loạn trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Ukraine, cùng những rủi ro đi kèm đối với an ninh của lục địa châu Âu.
Những người tham dự hội nghị bao gồm: Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Tổng thư ký NATO Mark Rutte, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa.
Trước đó vào hôm 15-2, đặc phái viên của ông Trump về Ukraine - ông Keith Kellogg - tiếp tục gây chấn động khi tuyên bố châu Âu sẽ không có ghế trong đàm phán hòa bình ở Ukraine, ngay cả khi Washington đã gửi một bảng câu hỏi cho các nước châu Âu về việc các quốc gia này có thể đóng góp gì cho các đảm bảo an ninh từ Kiev.
Hamas bày tỏ thiện chí trong việc dàn xếp chính trị tại Gaza

Người Palestine cư ngụ trong khu nhà đổ nát vì cuộc tấn công của Israel ở Rafah, phía nam Dải Gaza. Ảnh chụp ngày 16-2-2025 - Ảnh: REUTERS
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 16-2, người phát ngôn của Hamas Hazem Qasim tuyên bố rằng phong trào của Palestine sẵn sàng tìm hiểu mọi phương án dàn xếp chính trị và hành chính tại Dải Gaza mà không có sự tham gia của nhóm này, để loại bỏ cái cớ của thế lực chiếm đóng nhằm tiếp tục chiến tranh và cũng để khởi xướng một quá trình tái thiết thực sự cho Dải Gaza.
Trong các tuyên bố độc quyền với chương trình truyền hình trên kênh MBC Masr, ông Qasim lưu ý rằng: "Hamas đã thể hiện sự linh hoạt đáng kể về vấn đề này trong các cuộc họp với các quan chức Ai Cập".
Ông Qasim đưa ra tuyên bố trên sau khi Israel và phong trào Hamas hoàn tất đợt trao đổi tù nhân - con tin thứ 6 theo thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập, Qatar và Mỹ làm trung gian, có hiệu lực vào ngày 19-1.
Trước đó vào ngày 15-2, một nguồn tin Ai Cập thân cận với các cuộc đàm phán ngừng bắn Gaza phát biểu với kênh truyền hình Al-Qahera News rằng Hamas sẽ không tham gia vào việc quản lý Dải Gaza trong giai đoạn sắp tới.
Theo nguồn tin này, Ai Cập đang đẩy mạnh nỗ lực thành lập một ủy ban tạm thời để giám sát công tác cứu trợ và tái thiết tại Dải Gaza.
Động thái này của Hamas phù hợp với lập trường cứng rắn của Israel và Mỹ, vốn kiên quyết phản đối sự hiện diện của tổ chức này tại dải đất ven Địa Trung Hải.
Những tuyên bố gần đây của Hamas được đưa ra khi phong trào Palestine này tái khẳng định cam kết tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, đồng thời yêu cầu các bên trung gian gây sức ép buộc Israel phải chấm dứt hành vi vi phạm thỏa thuận.
Thông tin sa thải gây náo loạn Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ
Ngày 16-2, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết Tổng thống Trump và tỉ phú Elon Musk đã sa thải chưa đến 50 nhân viên tại Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia (NNSA), thay vì 325 người như các nguồn tin của Reuters tiết lộ trước đó.
"Các nhân viên này đang trong thời gian thử việc và chủ yếu giữ các vai trò hành chính và văn thư", người phát ngôn Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, đồng thời nhấn mạnh NNSA sẽ tiếp tục bảo vệ an ninh quốc gia, phát triển và quản lý vũ khí hạt nhân cũng như công tác chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
NNSA sử dụng khoảng 2.000 nhân viên và hoạt động trên toàn cầu để bảo vệ các vật liệu hạt nhân nguy hiểm.
Một nguồn tin từ NNSA cho biết các quản lý đã nhận được yêu cầu thông báo sa thải với các nhân sự vào tối 13-2, nhưng sau đó lại nhận được email thông báo ngừng các hành động sa thải vào ngày 14-2.
Một nguồn tin khác của NNSA cho biết việc này đã khiến các nhân viên và quản lý của cơ quan này mất tập trung vào công việc an ninh quốc gia quan trọng của họ.
Sắc màu Venice

Những chiếc thuyền rực rỡ trên kênh đào Grand trong lễ hội hóa trang Venice, Ý vào ngày 16-2 - Ảnh: AFP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận