Tổng thống Ukraine đến hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 14-6 đã đến Thụy Sĩ tham dự hội nghị thượng đỉnh bàn về hòa bình ở Ukraine từ ngày 15 đến 16-6 cùng hàng chục nhà lãnh đạo thế giới, nhưng không có đại diện Nga.
"Sẽ là 2 ngày làm việc tích cực với các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới, với các quốc gia khác nhau nhưng vẫn đoàn kết vì một mục tiêu chung là đưa hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine gần hơn", ông Zelensky viết trên mạng xã hội X.
Ông Zelensky cho biết các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào các vấn đề an toàn hạt nhân, an ninh lương thực và trao trả tù nhân chiến tranh cũng như trẻ em Ukraine bị đưa đến lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Trước đó, nhà lãnh đạo Ukraine đã thực hiện nhiều chuyến công du gấp rút trong những tuần gần đây để vận động các nước ủng hộ và tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Ông Putin nói 700.000 lính Nga chiến đấu ở Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14-6 xác nhận khoảng 700.000 lính Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tăng so với con số 617.000 ông đưa cuối năm ngoái. Ông Putin cũng nhắc lại điều kiện để khởi động đàm phán hòa bình với Ukraine: Kiev rút toàn bộ quân khỏi miền đông và miền nam và từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.
Tuyên bố của ông Putin đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ và cuộc chiến Nga - Ukraine bước sang năm thứ 3.
Nga đã mở chiến dịch tấn công trên bộ lớn vào khu vực Kharkov ở đông bắc Ukraine. Ngày 14-6, Ukraine cho biết lực lượng Nga đang tập trung hỏa lực vào mặt trận Pokrovsk ở khu vực phía đông Donetsk.
EU nhất trí bắt đầu đàm phán kết nạp Ukraine, Moldova
27 quốc gia thành viên EU ngày 14-6 đã "đồng ý về nguyên tắc" về việc bắt đầu đàm phán khuôn khổ lộ trình gia nhập với Ukraine và Moldova vào ngày 25-6.
Các lãnh đạo EU đang muốn bắt đầu các cuộc đàm phán kết nạp ngay trong cuối năm nay. Tuy nhiên nguy cơ phản đối từ Hungary, quốc gia thân thiện nhất với Nga trong EU, có nguy cơ làm chệch hướng đàm phán.
Ukraine và Moldova đã nộp đơn xin gia nhập EU ngay sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga -Ukraine vào tháng 2-2022.
Lãnh đạo G7 chỉ trích Trung Quốc
Ngày 14-6, các nhà lãnh đạo nhóm G7 cảnh báo Trung Quốc ngừng gửi các thành phần vũ khí sang Nga và tuân thủ các quy tắc thương mại.
Trung Quốc là trọng tâm chính của cuộc họp trong bối cảnh mối quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và phương Tây đang xấu đi. G7 và các đồng minh cho rằng các khoản trợ cấp mạnh tay của Bắc Kinh, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng xanh và công nghệ như tấm pin mặt trời và xe điện, có nguy cơ làm hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường toàn cầu.
Ngoài ra, G7 cũng nhắm vào các hành vi "nguy hiểm" của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi lo ngại về sự leo thang quân sự giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng đang gia tăng. "Chúng tôi phản đối hành động quân sự hóa cũng như các hoạt động cưỡng ép và đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông", Hãng tin AFP dẫn tuyên bố của nhóm, trong đó sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn so với hội nghị thượng đỉnh năm ngoái ở Nhật Bản.
Mỹ trừng phạt nhóm Israel cản trở cứu trợ vào Gaza
Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với nhóm cực đoan Tsav 9 vì tấn công và cướp bóc các đoàn xe viện trợ nhân đạo vào Gaza, trong động thái mới nhất nhắm vào các đối tượng mà Washington cho rằng triển vọng hòa bình giữa người Israel và người Palestine.
Tsav 9 là một nhóm có quan hệ với lực lượng dự bị của quân đội Israel và những người định cư Do Thái ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng.
Trong khi đó, Israel đẩy mạnh tấn công vào thành phố Rafah ở Gaza ngày 14-6 trong bối cảnh các nỗ lực đàm phán ngừng bắn vẫn giậm chận.
Mỹ điều tra vật liệu titanium trên máy bay Boeing, Airbus
Các cơ quan quản lý hàng không Mỹ (FAA) ngày 14-6 xác nhận đang điều tra rủi ro về an toàn đối với vật liệu titanium sử dụng trên máy bay thương mại có xuất xứ từ một công ty Trung Quốc có nhân viên làm giả thông tin trên giấy chứng nhận.
Dù các quan chức trong ngành hàng không cho rằng vấn đề này không gây ra rủi ro an toàn ngay lập tức cho các máy bay đang hoạt động, FAA cho biết sẽ "điều tra phạm vi và tác động của vấn đề này thông qua quy trình an toàn hoạt động liên tục của chúng tôi".
Theo báo New York Times, vật liệu titanium nói trên được sử dụng trên các máy bay Boeing 737, 787 Dreamliner và Airbus A220 sản xuất từ năm 2019 đến năm 2023, tuy nhiên không rõ có bao nhiêu máy bay bị ảnh hưởng hoặc ai sở hữu chúng.
Vấn đề này xảy ra trong bối cảnh ngành hàng không bị giám sát chặt chẽ sau các vấn đề về an toàn và sản xuất gần đây của Boeing.
Thêm tàu hải quân Canada ghé Cuba
Hải quân Canada thông báo tàu tuần tra HMCS Margaret Brooke của lực lượng này đã cập cảng Havana trên đường trở về sau "một đợt triển khai thành công ở lưu vực Caribê".
Tàu "sẽ thực hiện chuyến thăm cảng tới Havana từ ngày 14 đến ngày 17-6, để ghi nhận mối quan hệ song phương lâu dài giữa Canada và Cuba".
Đây là chuyến thăm đầu tiên của hải quân Canada tới Havana kể từ năm 2016 và tới Cuba kể từ năm 2018.
Trước đó, Lầu Năm Góc cũng cho biết tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Helena của Mỹ đã tới Cuba, một ngày sau khi một tàu ngầm hạt nhân của Nga cũng cập cảng Havana.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận