Hôm nay 15-3, hàng triệu người Nga sẽ đi bầu tổng thống, đánh dấu cuộc bầu cử thứ 8 của nước này kể từ năm 1991. Tại Trung Đông, tình hình vẫn nóng với những cáo buộc liên quan Israel cùng các động thái mới của Mỹ.
Nước Nga bước vào cuộc bầu cử tổng thống
8h sáng theo giờ địa phương ngày 15-3 (3h cùng ngày theo giờ Hà Nội), các điểm bỏ phiếu đầu tiên tại vùng Kamchatka của nước Nga đã mở cửa để người dân đến bỏ phiếu bầu tổng thống.
Đây là cuộc bầu cử tổng thống thứ 8 của Nga kể từ năm 1991. Do nước Nga trải dải trên 9 múi giờ nên phần lớn các điểm bỏ phiếu tại thủ đô Matxcơva và miền tây sẽ mở cửa lúc 12h theo giờ Hà Nội.
Các điểm bỏ phiếu sẽ hoạt động từ 8h đến 20h trong 3 ngày từ ngày 15 đến 17-3. Tổng cộng có hơn 94.000 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Nga. Đây là lần đầu tiên Nga tiến hành một cuộc bầu cử tổng thống trong thời gian dài như vậy.
Hơn 113 triệu lá phiếu được chuẩn bị, 12.645 phóng viên của 2.458 cơ quan truyền thông đã đăng ký tham gia đưa tin về cuộc bầu cử.
Cuộc bầu cử năm nay là màn chạy đua giữa 4 ứng cử viên gồm ông Vladislav Davankov của Đảng Những con người mới, ông Leonid Slutsky của Đảng Dân chủ tự do Nga (LDPR), ông Nikolai Kharitonov của Đảng Cộng sản Nga (KPRF), và đương kim Tổng thống Vladimir Putin - người ứng cử với tư cách ứng cử viên độc lập.
Mỹ trừng phạt khu định cư của Israel
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 14-3 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai tiền đồn của Israel và 3 người định cư, với cáo buộc họ làm suy yếu sự ổn định ở Bờ Tây.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các tiền đồn được gọi là Trang trại Moshe và Trang trại Zvi từng là căn cứ cho bạo lực chống lại người Palestine.
Hồi tháng 2, Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 người đàn ông Israel mà họ cáo buộc có liên quan đến bạo lực của các nhóm định cư ở Bờ Tây.
EU gây sức ép lên Mỹ chuyện viện trợ ở Gaza
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, hôm 14-3 đã kêu gọi Mỹ nên gây áp lực nhiều hơn lên Israel để cho phép thêm viện trợ vào Gaza.
Ông Borrell, trong một cuộc họp ngắn với các phóng viên tại văn phòng EU ở Washington, nói rằng những nỗ lực gần đây, bao gồm cả của Mỹ, nhằm đưa viện trợ vào Gaza bằng đường hàng không hoặc từ tàu biển không hiệu quả bằng các tuyến đường bộ.
Trước đó, hôm 13-3, ông Borrell đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người cho biết Washington đang nỗ lực rất nhiều để đảm bảo có thêm viện trợ nhân đạo vào khu vực.
Israel lại bị tố làm chết dân thường chờ nhận cứu trợ
Theo cơ quan y tế Dải Gaza, 2 vụ tấn công của Israel ngày 14-3 đã khiến hàng chục người Palestine thiệt mạng khi họ đang chờ nhận viện trợ nhân đạo. Trong vụ việc đầu tiên, các quan chức y tế Palestine cho biết 8 người chết vì cuộc không kích vào một trung tâm phân phối viện trợ ở trại tị nạn Al-Nuseirat.
Vụ việc thứ hai khiến ít nhất 21 người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương, khi Israel nổ súng nhằm vào đám đông đang chờ xe cứu trợ tại một bùng binh phía bắc Gaza.
Quân đội Israel cho biết họ đang xem xét cả hai vụ việc. Cuộc xung đột ở Gaza đã khiến phần lớn dân số 2,3 triệu người của khu vực này phải di tản. Cảnh tượng hỗn loạn và những sự cố chết người đã xảy ra trong quá trình phân phối viện trợ, khi những người đói khát tranh giành nhu yếu phẩm.
Palestine có tân thủ tướng
Ngày 14-3, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã bổ nhiệm ông Mohammad Mustafa làm thủ tướng, với nhiệm vụ giúp cải cách chính quyền Palestine (PA), theo Hãng thông tấn nhà nước WAFA.
Với tư cách là tổng thống, ông Abbas vẫn là nhân vật quyền lực nhất trong PA. Tuy nhiên, đã có nhiều áp lực từ bên ngoài về việc chính quyền này nên cải tổ để đáp ứng kịch bản hậu xung đột tại Gaza. Reuters bình luận việc bổ nhiệm một chính phủ mới là minh chứng cho thấy ông Abbas có lắng nghe các lo ngại từ bên ngoài Palestine.
Theo WAFA, ông Mustafa được giao nhiệm vụ lãnh đạo việc cứu trợ và xây dựng lại Gaza, vốn đã bị tàn phá nặng nề sau hơn 5 tháng xung đột với Israel, đồng thời cải cách các cơ quan của PA.
Canada đánh giá rủi ro khi TikTok mở rộng thị trường
Trong tuyên bố ngày 14-3, Bộ Công nghiệp Canada xác nhận nước này đang đánh giá rủi ro an ninh quốc gia khi TikTok mở rộng hoạt động kinh doanh. Việc đánh giá đã bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái, tập trung vào kế hoạch đầu tư của TikTok.
"Chính phủ của chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến liên quan đến dự luật do các nhà lập pháp Mỹ đề xuất", một phát ngôn viên của Bộ Công nghiệp Canada nói. Tuy nhiên, người này phủ nhận động thái của Canada có liên quan đến Mỹ.
Kết quả đánh giá có thể bao gồm việc Canada yêu cầu TikTok thực hiện các biện pháp giảm thiểu, thậm chí ngăn chặn việc mở rộng của công ty này. Trước đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật yêu cầu công ty mẹ của TikTok thoái vốn tại Mỹ hoặc đối mặt lệnh cấm.
Mang bồ câu hòa bình đến lễ hội
Một công nhân Tây Ban Nha đang lắp đặt tác phẩm điêu khắc là đôi chim bồ cầu trắng, biểu tượng của hòa bình, trong quá trình chuẩn bị cho Lễ hội Fallas. Lễ hội truyền thống này được tổ chức hằng năm để tưởng nhớ Thánh Joseph tại thành phố Valencia, Tây Ban Nha.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận