Hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 tại Ý thu hút nhiều sự chú ý hơn khi có sự xuất hiện của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Vùng biển Caribê cũng thành tâm điểm chú ý khi những khí tài tối tân nhất của Mỹ và Nga cùng lúc có mặt tại Cuba.
Ukraine được G7 cho vay 50 tỉ USD từ tài sản Nga bị đóng băng
Theo Hãng tin Reuters, các nhà lãnh đạo của nhóm G7 đã đồng ý về một thỏa thuận phác thảo ngày 13-6 nhằm cung cấp khoản vay 50 tỉ USD cho Ukraine.
Khoản tiền này được lấy từ lợi nhuận của số tài sản trị giá 300 tỉ USD của Nga nhưng bị các nước đóng băng. Một nửa trong số này sẽ đến từ Liên minh châu Âu (EU), nơi có phần lớn số tài sản bị đóng băng nói trên.
Các chi tiết kỹ thuật sẽ được hoàn thiện trong vài tuần tới và dự kiến sẽ được chuyển cho Ukraine vào cuối năm nay. "Đây là một cam kết rõ ràng sẽ khuyến khích người Ukraine làm những gì họ cần để bảo vệ độc lập và chủ quyền của mình", Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết.
Mục đích của thỏa thuận là đảm bảo nó có thể có hiệu lực trong nhiều năm, bất kể ai nắm quyền ở mỗi thành viên G7.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova trước đó cùng ngày tuyên bố Nga coi những động thái như trên là tội ác, đồng thời cảnh báo về phản ứng của Nga với EU. Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko, trong khi đó, gọi đây là một "chiến thắng lớn" của Ukraine tại hội nghị G7.
Mỹ và Ukraine ký thỏa thuận an ninh 10 năm
Cũng trong ngày 13-6, tại Ý, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký một thỏa thuận an ninh song phương 10 năm nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine.
"Các bên công nhận thỏa thuận này là cầu nối giúp Ukraine cuối cùng trở thành thành viên của liên minh NATO", một đoạn trong thỏa thuận nêu rõ.
Mỹ ký thỏa thuận an ninh 10 năm, cam kết bảo vệ Ukraine
Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang hoặc đe dọa đối với Ukraine, các quan chức hàng đầu của Mỹ và Ukraine sẽ gặp nhau trong vòng 24 giờ để tham khảo ý kiến về cách thức phản ứng, đồng thời xác định những nhu cầu phòng thủ bổ sung nào là cần thiết đối với Ukraine.
Cũng theo thỏa thuận, Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Thỏa thuận có đoạn nêu rõ: "Để đảm bảo an ninh cho Ukraine, cả hai bên đều thừa nhận rằng Ukraine cần một lực lượng quân sự đáng kể, có khả năng mạnh mẽ và đầu tư bền vững vào cơ sở công nghiệp quốc phòng phù hợp với các tiêu chuẩn của NATO".
Mỹ cam kết cung cấp trang thiết bị lâu dài, đào tạo và cố vấn, chia sẻ tình báo, đảm bảo an ninh, hỗ trợ công nghiệp quốc phòng để các lực lượng Ukraine có khả năng bảo vệ đất nước và ngăn chặn các cuộc tấn công từ bên ngoài trong tương lai.
Tổng thống Ukraine ca ngợi thỏa thuận an ninh với Mỹ
Tổng thống Ukraine Zelensky đã mô tả thỏa thuận an ninh mới được ký với Mỹ là "thỏa thuận mạnh mẽ nhất" đạt được kể từ khi đất nước ông giành độc lập vào năm 1991. "Hôm nay thực sự là một ngày lịch sử", ông Zelensky nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Biden bên lề hội nghị G7.
Nhật Bản cũng đã ký một thỏa thuận an ninh tương tự với Ukraine tại hội nghị G7 năm nay. Theo Hãng thông tấn AFP, thỏa thuận Mỹ - Ukraine tương tự như thỏa thuận giữa Mỹ với đồng minh thân cận ở Trung Đông là Israel. Washington đã cung cấp vũ khí cho Israel khi nước này chiến đấu với Hamas ở Gaza sau vụ tấn công ngày 7-10-2023.
Kiev hiện đã ký ít nhất 15 thỏa thuận tương tự trong năm qua với các nước phương Tây. Trong đó vạch ra các cam kết kéo dài nhiều năm nhằm tài trợ và tăng cường năng lực quân sự của Ukraine.
Ông Zelensky thúc giục "Kế hoạch Marshall" phiên bản Ukraine
Trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo G7 cùng ngày 13-6, Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi các nước này phê duyệt "Kế hoạch Marshall" để tái thiết Ukraine, sau những thiệt hại do chiến sự với Nga.
"Chúng ta cần một kế hoạch rõ ràng để phục hồi Ukraine. Tương tự như Kế hoạch Marshall dành cho châu Âu sau chiến tranh", ông Zelensky nhấn mạnh.
Kế hoạch Marshall là một chương trình viện trợ kinh tế trị giá hàng tỉ USD được Mỹ cung cấp cho các đồng minh châu Âu sau Thế chiến thứ hai. Kế hoạch này được ghi nhận vì đã hồi sinh các nền kinh tế Tây Âu sau tàn phá của chiến tranh. Ngân hàng Thế giới ước tính việc tái thiết Ukraine sẽ tiêu tốn gần 500 tỉ USD.
Tàu ngầm Mỹ và Nga cùng đến Cuba
Ngày 13-6, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này đã đến Cuba. Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi một tàu ngầm hạt nhân của Nga cập cảng La Habana.
"Tàu ngầm tấn công nhanh USS Helena đang ở vịnh Guantanamo của Cuba như một phần của chuyến thăm cảng định kỳ", Lầu Năm Góc nói thêm. Phía Mỹ khẳng định điểm đến và quá trình di chuyển của USS Helena "đã được lên kế hoạch trước đó".
Theo một hiệp ước giữa Mỹ và Cuba có từ năm 1903, Mỹ duy trì một căn cứ hải quân tại vịnh Guantanamo. Sau cuộc cách mạng năm 1959, Cuba đã nhiều lần phản đối sự hiện diện của Mỹ tại vịnh Guantanamo nhưng quân đội Mỹ vẫn tiếp tục đồn trú đến tận ngày nay.
FAA thừa nhận lơ là giám sát chất lượng máy bay Boeing
Người đứng đầu Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) Mike Whitaker đã thừa nhận cơ quan này giám sát lỏng lẻo chất lượng máy bay Boeing, trong cuộc điều trần ngày 13-6 tại Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ. Đây là lần đầu tiên FAA nhận trách nhiệm lơ là trong vụ cửa máy bay Boeing bị bung giữa không trung hồi tháng 1 vừa qua.
"Đáng lẽ FAA phải có tầm nhìn rõ hơn nhiều về những gì đã xảy ra tại Boeing trước ngày 5-1", ông Whitaker nói. Cách tiếp cận của FAA trước sự cố, theo người đứng đầu FAA, là "quá lỏng lẻo, quá tập trung vào kiểm tra thủ tục giấy tờ". Cơ quan này sau đó đã tăng cường thanh tra, giám sát trực tiếp tại các nhà máy của Boeing.
"Chúng tôi sẽ sử dụng toàn bộ thẩm quyền của mình để đảm bảo Boeing phải chịu trách nhiệm về bất kỳ hành vi không tuân thủ nào. Chúng tôi hiện đang có nhiều cuộc điều tra với Boeing và đang xử lý một số thông tin tố giác khác", ông Whitaker khẳng định.
Khi được hỏi liệu FAA có chia sẻ trách nhiệm hay đổ lỗi cho sự cố ngày 5-1, ông Whitaker nói: "Boeing sản xuất máy bay nên Boeing chịu trách nhiệm, nhưng chúng tôi cũng chịu trách nhiệm giám sát, vì vậy lẽ ra chúng tôi nên xử lý tốt hơn những gì đã diễn ra".
Mỹ đổ thêm tiền cho vắc xin COVID-19 dạng uống và xịt mũi
Ngày 13-6, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS) thông báo sẽ cung cấp gần 500 triệu USD cho các thử nghiệm ở giai đoạn giữa loại vắc xin COVID-19 dạng uống và xịt mũi.
Khoản tài trợ này là một phần của Project NextGen, một sáng kiến trị giá 5 tỉ USD do Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển y sinh tiên tiến (BARDA) dẫn đầu.
Theo Hãng thông tấn AFP, số tiền nói trên sẽ được trao cho ba công ty đang phát triển hai dạng mới của vắc xin COVID-19. Dự kiến mỗi công ty sẽ tìm kiếm 10.000 tình nguyện viên để thử nghiệm và so sánh hiệu quả, cùng độ an toàn của vắc xin COVID-19 dạng mới so với dạng tiêm đã được FDA cấp phép.
Bế tắc
Một di dân từ Trung Quốc đang ngồi nghỉ tạm trên tảng đá, chờ lực lượng bảo vệ biên giới Mỹ tới đưa đi. Người này vừa vượt biên từ Mexico qua Mỹ tại khu Jacumba Hot Springs, California, Mỹ hôm 4-6.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận