Hôm 10-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Nhà Trắng.
Trọng tâm của cuộc gặp là giải quyết mâu thuẫn về thương mại giữa hai bên và phương án phản ứng trước "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine.
Gần như cạn kiệt biện pháp trừng phạt Nga
Trả lời trang EURATIV, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell khẳng định EU tập trung vào hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine. Theo ông Borrell, hiện nay châu Âu gần như không còn nhiều phương án trừng phạt Nga.
"Xét từ góc độ các lệnh trừng phạt, hiện nay không còn nhiều điều để làm nữa, nhưng chúng ta có thể tiếp tục tăng cường hỗ trợ tài chính và quân sự", ông Borrell nói.
Trong một năm từ lúc Nga đưa quân tới Ukraine, EU đã thông qua 10 vòng trừng phạt nhắm vào Nga. Các động thái này nhằm gây áp lực kinh tế lên Nga, với mục đích gây khó khăn cho Matxcơva trong việc huy động tài chính cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Khi được hỏi về các bước đi tiềm năng tiếp theo, ông Borrell cũng thừa nhận sau một năm, "chúng ta đang tiến tới nấc thang cuối cùng" trong quá trình gây áp lực kinh tế.
* Mỹ và EU tìm tiếng nói chung về thương mại. Tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen thảo luận về hợp tác trong vấn đề kinh tế.
Mỹ và EU đang căng thẳng khi Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của chính quyền Mỹ có thể gây bất lợi cho các công ty năng lượng và xe hơi của EU khi Washington trợ cấp các công ty "sản xuất tại Mỹ" (made in America).
Phía EU cho biết đang thúc đẩy kế hoạch khuyến khích sản xuất của riêng mình, đơn cử là Kế hoạch công nghiệp thỏa thuận xanh.
Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết ông Biden và bà von der Leyen đang muốn đảm bảo hai chương trình của Mỹ và EU có thể bổ sung cho nhau.
* Mỹ, EU giải quyết khác biệt về Trung Quốc. Theo AFP, một trong những vấn đề quan trọng khác của Mỹ và EU là cách tiếp cận với Trung Quốc, quốc gia có chính sách thương mại và đối ngoại vốn bị cho đang ngày càng quyết đoán.
Trước cuộc gặp giữa ông Biden và bà von der Leyen, Nhà Trắng cho biết "những thách thức do Trung Quốc đặt ra" là trọng tâm của cuộc trao đổi này.
Washington được biết đang thúc giục châu Âu có quan điểm cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, không chỉ về ngoại giao mà còn về kinh tế. Tuy nhiên, EU vẫn tránh việc bất hòa với Trung Quốc.
Bà Elvire Fabry, một nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu Institut Jacques Delors (trụ sở ở Paris, Pháp), cho rằng đây là dịp để bà von der Leyen nêu lập trường của EU: hợp tác với Mỹ nhưng không trong tư thế của người đi sau, đặc biệt trong vấn đề Trung Quốc.
Trung Quốc nói hoạt động ở Biển Đông gần đây là hợp lý và bình thường
Đáp lại một số cáo buộc từ phía Philippines gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông là đúng đắn và bình thường.
Philippines liên tục tố cáo Trung Quốc có hành vi và thái độ "bắt nạt" Philippines ở Biển Đông.
Hôm 10-3, Hãng tin AFP cho biết tàu Trung Quốc xua đuổi máy bay Philippines ở khu vực gần quần đảo Trường Sa. Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng Philippines và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Theo tường thuật của AFP, chiếc máy bay Philippines đã chở theo phóng viên bay qua khu vực Trường Sa. Phía Trung Quốc đã phát tín hiệu yêu cầu máy bay này "lập tức rời khỏi".
* Bỉ cấm nhân viên cài TikTok trên thiết bị công. Hôm 10-3, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tuyên bố các quan chức liên bang nước này không được sử dụng TikTok trên điện thoại.
"Chúng ta không nên ngây thơ: TikTok là một doanh nghiệp Trung Quốc hiện có nghĩa vụ hợp tác với tình báo Trung Quốc", ông De Croo nói.
Đây là quốc gia mới nhất ban hành biện pháp chống lại TikTok. Một số chính phủ ở châu Âu trước đó cũng đã kiểm soát việc sử dụng TikTok trên các thiết bị công, với lý do lo ngại về an ninh dữ liệu.
* Mỹ cáo buộc Nga gây bất ổn ở Moldova. Hôm 10-3, Mỹ khẳng định sẽ giúp đỡ Moldova chống lại "nỗ lực gây bất ổn" của Nga. Washington cho biết sẽ chia sẻ thông tin và cung cấp hỗ trợ cho quốc gia Đông Âu này.
Theo Reuters, phía Mỹ đồng ý với Tổng thống Moldova Maia Sandu rằng hiện nay Nga không phải mối đe dọa quân sự.
Tuy nhiên Washington chia sẻ mối lo ngại của bà Sandu về việc "Nga đang cố gắng gây bất ổn" cho tình hình Moldova nhằm "dựng lên một chính quyền thân Nga hơn", ông John Kirby, phát ngôn viên an ninh quốc gia của Nhà Trắng, nói.
"Trong lúc Moldova tiếp tục hội nhập với châu Âu, chúng tôi tin rằng Nga đang theo đuổi các phương án nhằm làm suy yếu chính quyền Moldova, nhiều khả năng với mục tiêu sau cùng là nhìn thấy một chính quyền thân thiện với Nga hơn", ông Kirby cáo buộc.
Hồi tháng trước, Nga tuyên bố vẫn mở cửa cho hợp tác với Moldova. Matxcơva cũng đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng họ tìm cách gây bất ổn cho Moldova.
* Cựu thủ tướng Anh đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam. Ngày 10-3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc tiếp cựu thủ tướng Anh Tony Blair tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Hà Nội.
Ông Blair hiện là chủ tịch Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) và đang có chuyến thăm Việt Nam.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Anh.
Ông đánh giá cao những đóng góp của ông Blair trong nhiệm kỳ thủ tướng Vương quốc Anh (1997 - 2007) đối với quan hệ giữa hai nước.
Chia sẻ các ý kiến của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, ông Blair bày tỏ vui mừng thăm lại Việt Nam và chứng kiến những thay đổi ấn tượng về kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Cựu thủ tướng Anh nhận định Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng, thu hút, và là đối tác quan trọng của Anh tại khu vực. Cá nhân ông Blair sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp để quan hệ Việt Nam - Anh phát triển hơn nữa trên mọi lĩnh vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận