Ai Cập chỉ trích Israel chiếm vùng đệm với Syria
Ngày 9-12, Ai Cập lên án mạnh mẽ việc Israel chiếm quyền kiểm soát vùng đệm phi quân sự ở Cao nguyên Golan và các vị trí lân cận khác ở khu vực giáp ranh với Syria, sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ.
Bộ binh Israel tiến vào Syria lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ - Nguồn video: AFP
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ động thái của Israel cấu thành "sự chiếm đóng đất đai của Syria và vi phạm trắng trợn chủ quyền của nước này", đồng thời vi phạm Thỏa thuận về việc rút quân được ký kết năm 1974 giữa Israel và Syria.
Theo Đài Sky News, Bộ Ngoại giao Ai Cập cáo buộc Israel "lợi dụng khoảng trống quyền lực để chiếm đóng thêm nhiều lãnh thổ của Syria và tạo ra 'sự đã rồi', vi phạm luật pháp quốc tế".
Ai Cập kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các lực lượng quốc tế có lập trường cứng rắn chống lại các cuộc tấn công của Israel vào Syria để đảm bảo chủ quyền của nước này đối với tất cả các lãnh thổ của mình.
Bộ Ngoại giao Qatar cũng lên án động thái của Israel, gọi đây là "diễn biến nguy hiểm". Nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon chỉ trích các cuộc tấn công của Israel vào Syria và việc Israel "chiếm đóng nhiều đất hơn ở Cao nguyên Golan".
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng thỏa thuận kéo dài 50 năm đã sụp đổ và quân đội Syria đã bỏ vị trí của họ trong vùng trên, khiến Israel phải tiếp quản khu vực này, coi đây là "vị trí phòng thủ tạm thời".
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz cho biết ông đã ra lệnh cho quân đội Israel hành động ngay lập tức ở Syria để thiết lập một vùng an ninh "không có vũ khí chiến lược hạng nặng và những cơ sở hạ tầng khủng bố có thể gây ra mối đe dọa cho Israel".
Các bên ở Syria bàn việc phối hợp chuyển giao quyền lực
Ngày 9-12, lực lượng nổi dậy ở Syria xác nhận người đứng đầu lực lượng này Abu Mohammed al-Jolani đã gặp Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mohammed al-Jalali để thảo luận về việc "chuyển giao quyền lực". Thông tin này được đưa ra một ngày sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ.
Theo tuyên bố được đăng tải trên kênh Telegram của lực lượng nổi dậy, ông Jolani - hiện sử dụng tên thật là Ahmed al-Sharaa - đã gặp Thủ tướng Jalali "để phối hợp công tác chuyển giao quyền lực nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ" cho người dân Syria.
Cùng ngày, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte kêu gọi chuyển giao quyền lực một cách hòa bình tại Syria và một tiến trình chính trị toàn diện do người Syria dẫn đầu.
Mỹ ráo riết tìm tung tích nhà báo Austin Tice ở Syria
Theo Hãng tin Reuters, ngày 9-12, giới chức Mỹ nỗ lực tìm kiếm thông tin về ông Austin Tice và đảm bảo việc trả tự do cho nhà báo người Mỹ này. Ông bị bắt ở Syria 12 năm trước.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đặc phái viên về các vấn đề con tin của Washington, Roger Carstens, đã có mặt tại Beirut, Lebanon. Đây là một phần nỗ lực nhằm xác định vị trí của nhà báo Austin Tice. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết các quan chức khác đang tìm kiếm thông tin từ những người ở Syria.
"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tìm Austin Tice, xác định nhà tù nơi anh ấy có thể bị giam giữ, đưa anh ấy ra ngoài, đưa anh ấy trở về nhà an toàn với gia đình" - ông Sullivan nói.
Mỹ tìm cách ngăn IS trỗi dậy và không để Syria bị chia cắt vì "có lợi ích ở đây"
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 9-12 tuyên bố Washington quyết tâm ngăn chặn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tái lập nơi trú ẩn an toàn ở Syria, cũng như nguy cơ quốc gia Trung Đông này bị chia cắt.
Phát biểu trong một sự kiện tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Blinken nhận định “IS sẽ cố gắng lợi dụng giai đoạn hiện nay để tái lập năng lực của chúng, hòng tạo ra nơi trú ẩn an toàn”, song “những cuộc tấn công chính xác” của quân đội Mỹ hồi cuối tuần qua đã minh chứng cho “quyết tâm không để kịch bản đó xảy ra”.
Đáng chú ý, Ngoại trưởng Blinken cũng khẳng định Mỹ có một loạt lợi ích “rõ ràng” ở Syria, trong đó có quyết tâm giữ cho quốc gia Trung Đông này thống nhất.
Theo ông, Washington sẽ “làm những gì có thể để tránh sự chia cắt ở Syria”, ngăn chặn “làn sóng di cư hàng loạt từ Syria” cũng như nguy cơ “xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”.
Thái Lan thành công bước đầu trong việc ngăn làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ
Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn lời người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Sasikarn Wattanachan ngày 9-12 cho biết nước này đã ghi nhận mức giảm 20% đối với hàng nhập khẩu chất lượng thấp, chủ yếu đến từ Trung Quốc, kể từ khi áp dụng các biện pháp hạn chế hàng nhập khẩu giá rẻ, vốn đang gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.
Hàng giá rẻ từ Trung Quốc được cho là đã làm đảo lộn hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Thái Lan, góp phần gây ra hàng loạt vụ đóng cửa nhà máy và mất việc làm.
Hưởng ứng lời kêu gọi hành động của các doanh nghiệp, từ tháng 7-2024, Chính phủ Thái Lan đã siết chặt các quy định và tăng cường công tác kiểm tra đối với hàng nhập khẩu giá rẻ, tập trung vào hàng nông nghiệp, hàng tiêu dùng và hàng công nghiệp. Bà Sasikarn khẳng định nhờ các biện pháp nêu trên, giá trị nhập khẩu hàng hóa chất lượng thấp và không đáp ứng được các tiêu chuẩn của Thái Lan đã giảm mạnh.
Theo số liệu chính thức, các cơ quan chức năng của Thái Lan cũng đã tịch thu 506 triệu baht hàng nhập khẩu bao gồm hàng giả, áo sơ mi, giày dép và thuốc lá điện tử.
Ngoài ra, cũng từ tháng 7-2024, Thái Lan đã bắt đầu áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với các loại hàng hóa nhập khẩu có giá trị từ 1 baht trở lên, thay vì chỉ đánh thuế VAT đối với hàng hóa có giá trị từ 1.500 baht trở lên như trước đây. Bộ Tài chính Thái Lan xác nhận đến nay đã thu được 707 triệu baht tiền thuế VAT từ các loại hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1.500 baht.
Kế hoạch xây đại sứ quán mới của Trung Quốc tại London bị bác
Ngày 9-12, kế hoạch của Trung Quốc về việc xây đại sứ quán mới tại London đã bị các quan chức địa phương bác bỏ với lý do nó có thể gây ra rủi ro an ninh cho cư dân gần đó, theo Hãng tin Reuters.
Chính phủ Trung Quốc đã mua Royal Mint Court, một địa điểm lịch sử gần Tháp London sáu năm trước, nhưng cho đến nay vẫn chưa xin được giấy phép để xây dựng một đại sứ quán lớn tại đây.
2024 là năm nóng nhất trong lịch sử
Ngày 9-12, Cơ quan giám sát khí hậu châu Âu Copernicus nhấn mạnh năm 2024 "chắc chắn" là năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay và là năm đầu tiên vượt "lằn ranh đỏ" vốn được vạch ra trong việc bảo vệ hành tinh khỏi tình trạng quá nóng đến mức nguy hiểm.
Trong bản tin hằng tháng, Copernicus nêu rõ: "Tại thời điểm này, chắc chắn rằng năm 2024 sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận".
Nắng nóng bất thường chưa từng có đã đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu lên cao trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 11-2024 và sẽ làm lu mờ các mốc nhiệt cao kỷ lục ghi nhận vào năm 2023.
Cũng theo cơ quan trên, căn cứ dữ liệu tạm thời về mức tăng gần 1,6 độ C, năm 2024 còn là năm dương lịch đầu tiên có nền nhiệt trung bình cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (từ năm 1850-1900) khi nhân loại bắt đầu sử dụng lượng lớn nhiên liệu hóa thạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận