Chiến sự Nga - Ukraine
* Nga đẩy mạnh tấn công, tuyên bố cuộc phản công của Ukraine thất bại. Ngày 1-8, thị trưởng Kharkov, thành phố lớn thứ 2 của Ukraine, cho biết đợt tấn công bằng máy bay không người lái tại đây làm một ký túc xá bị hư hại nặng và ít nhất 1 người bị thương.
Trong khi đó, ít nhất 6 người được xác định thiệt mạng và nhiều người bị thương trong đợt tấn công lớn của Nga ở thành phố Kryvyi Rig, quê nhà của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Nga tăng cường tấn công sau khi cáo buộc Kiev tấn công vào các khu vực bên trong nước Nga. Theo Hãng tin TASS, Ukraine đã nã pháo vào ngôi làng thuộc vùng biên giới Belgorod, phá hủy 3 ngôi nhà, sau khi tấn công bằng drone vào Matxcơva cuối tuần trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng các vụ "khủng bố" cho thấy sự tuyệt vọng của Kiev vì phản công thất bại.
Trong khi đó, Mỹ khẳng định không khuyến khích hay cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga.
* Mỹ sẽ dự đối thoại hòa bình Ukraine. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan dự kiến sẽ tham dự các cuộc đàm phán hòa bình về chiến sự ở Ukraine vào tuần tới tại Saudi Arabia, theo Đài CNN.
Nhiều nước phương Tây và các nước đang phát triển dự kiến sẽ có mặt, tuy nhiên Nga sẽ không tham dự.
Các quan chức Mỹ cho biết muốn các cuộc đàm phán xác định các nguyên tắc chung để chấm dứt chiến tranh và tiến tới tổ chức hội nghị thượng đỉnh về hòa bình vào cuối năm nay để ủng hộ các nguyên tắc đó.
Mỹ không từ bỏ việc theo dõi toàn cầu
Các cố vấn của Tổng thống Joe Biden thừa nhận đã có một số sai phạm trong việc giám sát những người không phải là công dân Mỹ trên toàn cầu, tuy nhiên cho rằng không thể từ bỏ công cụ này vì nó quá quan trọng.
Theo đó, điều khoản 702 trong Đạo luật Theo dõi tình báo nước ngoài cho phép các cơ quan tình báo như Cục Điều tra liên bang (FBI) theo dõi những người không phải công dân Mỹ ở nước ngoài mà không cần lệnh từ tòa án, bao gồm việc xâm nhập vào thư điện tử.
Việc gia hạn điều khoản này, dự kiến hết hạn vào tháng 12-2023, đang đối mặt với nhiều tranh cãi và phản đối.
Ủy ban cố vấn của Nhà Trắng cho biết chỉ có 3 trường hợp sai phạm trong số hàng triệu thông tin thu thập theo điều 702, được thiết lập năm 2008 để củng cố tình báo sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.
Công cụ này đã giúp Mỹ ngăn nhiều vụ tấn công lớn, gồm phá âm mưu đánh bom tàu điện ngầm New York năm 2009, và thu thập thông tin mật về các mạng lưới khủng bố toàn cầu, Trung Quốc và Nga.
* Ông Trump nói sắp nhận cáo trạng. Các cuộc điều tra ông Trump đi đến hồi kết. Viết trên mạng xã hội Truth của mình, cựu tổng thống Mỹ cho rằng ông sẽ nhận bản cáo trạng trong cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Jack Smith dẫn đầu về vụ bạo loạn tòa nhà Quốc hội vào ngày 6-1-2021.
Trong khi đó, theo Hãng tin AFP, các công tố viên tại thành phố Atlanta, bang Georgia, đã kết thúc việc điều tra và dự kiến vài ngày tới sẽ đưa ra cáo buộc hình sự đối với ông Trump vì can thiệp bầu cử.
Họ cho rằng nhóm của ông Trump đã làm việc với các đảng viên Cộng hòa địa phương ở Georgia và 6 bang dao động khác nhằm gửi giấy chứng nhận gian lận tới Thượng viện Mỹ để đảo ngược chiến thắng của ông Biden.
Trước đó, ông Trump đã bị truy tố về gian lận tài chính và xử lý sai các tài liệu mật ở New York và Florida.
Niger tố Pháp tính can thiệp quân sự
Ngày 31-8, chính quyền quân sự Niger cáo buộc Pháp sắp tấn công quân sự để giải thoát tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum. Sau cuộc đảo chính tuần trước, tướng Abdourahamane Tiani lên nắm quyền Niger nhưng vấp phải nhiều phản đối từ thế giới.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố sẽ hành động "tức thì và không khoan nhượng" nếu công dân và lợi ích của Pháp ở Niger bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna khẳng định Paris không tính can thiệp quân sự vào Niger dù cho rằng vẫn có thể khôi phục lại quyền lực của ông Bazoum.
* Myanmar lùi bầu cử. Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Myanmar (NDSC) quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng do bạo lực tiếp diễn. Điều này đồng nghĩa với việc nước này sẽ không tổ chức bầu cử vào tháng 8-2023 như đã hứa trước đó.
"Để tổ chức bầu cử và công bằng, mọi người đi bỏ phiếu mà không lo sợ, vẫn cần có các biện pháp an ninh cần thiết", cơ quan này giải thích ngày 31-7.
Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại Myanmar hồi tháng 2-2021 vào sau đó tiếp tục gia hạn cho đến 31-7.
* Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn ở các trường đại học hàng đầu của Anh. Tờ Guardian dẫn lời ông Steve West - chủ tịch tổ chức Universities UK đại diện cho hơn 140 đại học tại Anh, giải thích rằng các trường đại học đã tuyển sinh ồ ạt sau dịch COVID-19 và rất ít người bỏ học nên số lượng sinh viên tại các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu đã tăng mạnh. Điều này dẫn đến cạnh tranh vào các trường hàng đầu sẽ khó khăn hơn trong năm nay.
Anh đã áp dụng trở lại cuộc thi A-level, dự kiến sẽ có kết quả ngày 17-8, để xét tuyển vào các trường đại học.
Trong năm 2020 hoặc 2021, Anh chỉ xét tuyển dựa vào hệ thống đánh giá địa phương dẫn đến điểm số cao kỷ lục.
Biểu diễn trên cánh máy bay
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận