Khai mạc phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng nay (19-8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 36. Phiên họp sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22-8. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự, phát biểu khai mạc và cùng các Phó chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành các nội dung phiên họp.
Sau phần phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của đoàn giám sát và thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023".
Tiếp đó, xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Vào buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7-2024.
Dự kiến mức phí phải nộp khi cấp, đổi sang căn cước
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp đổi, cấp lại căn cước.
Theo dự thảo, mức thu lệ phí khi công dân nộp hồ sơ trực tiếp như sau:
Công dân cấp đổi từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân sang căn cước theo quy định dự kiến mức phí là 30.000 đồng/căn cước.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Cấp đổi căn cước đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 24 Luật Căn cước mức lệ phí là 50.000 đồng/căn cước.
Cấp lại căn cước đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 điều 24 Luật Căn cước mức lệ phí là 70.000 đồng/căn cước.
Trường hợp công dân nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với trường hợp cấp lại căn cước, mức thu lệ phí bằng 50% mức thu lệ phí khi công dân nộp hồ sơ trực tiếp.
Trường hợp nộp đề nghị cấp đổi, cấp lại qua dịch vụ công trực tuyến (đặt lịch hẹn thời gian, địa điểm để thực hiện thủ tục), mức thu lệ phí bằng 80% mức thu lệ phí khi công dân nộp hồ sơ trực tiếp.
Mức thu lệ phí này áp dụng từ ngày thông tư có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31-12-2025.
Sẽ có nhiều mức đóng - nhiều mức hưởng bảo hiểm y tế
Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi cho biết Nhà nước khuyến khích hình thức bảo hiểm y tế bổ sung theo nguyên tắc tự nguyện, phi lợi nhuận do các tổ chức kinh doanh bảo hiểm y tế bổ sung cung cấp cho người đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc do Nhà nước thực hiện.
Với các mức đóng đa dạng này, người tham gia được chi trả các chi phí y tế nằm ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế bắt buộc, trên cơ sở thỏa thuận mức phí, phạm vi quyền lợi được hưởng và điều kiện thanh toán chi phí y tế được quy định trong hợp đồng bảo hiểm y tế bổ sung.
Dự thảo cũng bãi bỏ cụm từ "tuyến chuyên môn kỹ thuật y tế" tại khoản 1 điều 6 và sửa đổi theo hướng ban hành quy định, quy trình, hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh, chuyển người bệnh, chuyển dịch vụ cận lâm sàng, điều chuyển thuốc giữa các cơ sở y tế, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh, đánh giá chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế.
Cả nước đã ghi nhận gần 53.000 ca mắc sốt xuất huyết
Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong 1 tuần qua cả nước ghi nhận hơn 3.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 52.957 trường hợp. Trong đó, có 6 ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2023 số mắc giảm 15%, số tử vong giảm 10 ca.
Bộ Y tế cho biết thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, hiện nay một số dịch bệnh lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đang có xu hướng gia tăng, đồng thời cũng ghi nhận rải rác các trường hợp mắc một số bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi; phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng.
Tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy" tại hộ gia đình; thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…
Cải thiện quản lý kháng kháng sinh tại Việt Nam
Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa ký bản ghi nhớ phối hợp với Pfizer Việt Nam triển khai chương trình quản lý kháng kháng sinh.
Trong chương trình sẽ có các hoạt động như đào tạo y bác sĩ, nâng cao nhận thức và giám sát kháng kháng sinh, vai trò của vắc xin ngừa bệnh lý nhiễm trùng, đặc biệt là bệnh nhân nguy cơ cao.
Đề kháng kháng sinh được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là mối đe dọa lớn với sức khỏe toàn cầu. Đây là hệ quả của lạm dụng thuốc và không tuân thủ chỉ định điều trị. WHO xếp Việt Nam vào nhóm nước có tình trạng kháng kháng sinh đáng báo động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận