Năm 2023 dự đoán giá phân bón vẫn neo ở mức cao
Trong những tháng gần đây, tin tức cho biết giá phân bón đã có dấu hiệu giảm nhưng theo dự đoán của nhiều chuyên gia phân bón và tài chính thì khả năng trong thời gian tới, giá phân bón vẫn neo ở mức cao, vì phụ thuộc nhiều vào giá gas, đặc biệt là giá xăng dầu thế giới, và ảnh hưởng cuộc chiến Nga - Ukraine.
Còn về nguồn cung phân bón trong nước thì năm 2023 có nguồn đủ, dồi dào. Với phân urê, nguồn cung tự sản xuất lên tới 2,5 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ urê trong nước chỉ ở ngưỡng 1,6-1,8 triệu tấn/năm.
Phân bón chứa lân và phân tổng hợp NPK, công suất sản xuất trong nước cũng vượt xa nhu cầu. Riêng phân bón DAP, hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 40% và toàn bộ lượng phân kali để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) cũng đưa ra ba kịch bản dự báo cho thị trường phân bón thế giới trong năm 2023: nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ giảm và đạt hơn 194 triệu tấn vào năm 2026; hoặc sẽ đạt hơn 202 triệu tấn và kịch bản thứ 3 sẽ đạt hơn 211 triệu tấn trong năm 2026.
Tuy nhiên, trong cả ba kịch bản này, IFA cũng cho rằng rất ít khả năng giá phân bón sẽ giảm xuống thấp hơn vào năm 2023.
Xuất khẩu lá tre, lá chuối, lá khoai mì... thu về hàng trăm tỉ đồng
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong năm 2022, nhiều loại lá của Việt Nam như lá tre, lá khoai mì, lá chuối, lá khoai lang, lá chanh… được xuất khẩu và thu về trên 8 triệu USD (hơn 188 tỉ đồng).
Trong đó, lá tre có giá trị xuất khẩu cao nhất với 2 triệu USD; tiếp đến là lá khoai mì với 1,8 triệu USD; lá chuối mang về 1 triệu USD; các loại lá có giá trị xuất khẩu thấp hơn là lá khoai lang, lá chanh...
Nhiều doanh nghiệp cho biết các loại lá tre, lá khoai mì, lá chuối... được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay khu vực đông người dân gốc châu Á sinh sống ở Mỹ, nơi nhiều gia đình vẫn thích dùng lá để gói các loại bánh truyền thống như một văn hóa.
Theo đó, các sản phẩm lá xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn an toàn, quy chuẩn về kích cỡ, chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng tươi, hoặc cấp đông sau khi được đóng gói và hút chân không.
Giá khoai mì tăng nhờ nhu cầu từ Trung Quốc
Theo Hiệp hội Sắn (khoai mì) Việt Nam, giá chào bán tinh bột sắn xuất khẩu của các nhà máy hiện ở mức 455-485 USD/tấn (giá FOB, cảng TP.HCM) - (giá tại cửa khẩu của bên xuất hàng/chưa bao gồm phí bảo hiểm và phí chuyển hàng tới cảng của bên nhập), tăng 10 USD so với tuần trước, và tăng hơn 30 USD so với cuối tháng 12-2022.
Giá khoai mì lát xuất khẩu sang Hàn Quốc ở mức 330 USD/tấn, sang Trung Quốc ở mức 280 USD/tấn (FOB, cảng Quy Nhơn), tăng 20 USD so với tuần trước đó, và tăng trên dưới 40 USD so với cuối tháng 12-2022.
Tương tự, giá lá khoai mì nguyên liệu trong nước cũng đang tăng so với cuối năm 2022. Cụ thể, tại Tây Ninh, giá sắn nguyên liệu (trữ bột 30%) hiện ở mức 3.150 - 3.250 đồng/kg, tăng 300 - 450 đồng/kg; tại Gia Lai và Đắk Lắk, giá từ 2.600 - 2.700 đồng/kg, tăng nhẹ so với cuối năm ngoái.
Nhiều doanh nghiệp cho biết giá lá khoai mì tăng phần lớn là do nguồn cung đang giảm nhưng nhu cầu tại một số quốc gia lại tăng, chủ yếu ở thị trường Trung Quốc.
Năm 2022, nhờ giá ổn định, xuất khẩu lá khoai mì và các sản phẩm từ lá khoai mì đạt 3,25 triệu tấn, trị giá 1,4 tỉ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 19,7% về trị giá so với năm 2021.
Rà soát nhà, đất tài sản công sử dụng vào mục đích liên doanh liên kết
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, các bộ ngành và địa phương cần chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm và đầy đủ các quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công và các nghị định hướng dẫn.
Đặc biệt trong việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Gồm: lập, thẩm định, phê duyệt đề án, tổ chức thực hiện theo đề án đã được phê duyệt; xác định giá trị tài sản để đưa vào liên doanh, liên kết, xác định giá cho thuê tài sản công…
Chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức thuộc phạm vi quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Chú trọng vào kiểm tra việc sử dụng tài sản công là nhà, đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, thanh tra, chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và chấm dứt ngay các trường hợp kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định của pháp luật.
Các bộ ngành, địa phương cũng được yêu cầu phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng thực hiện giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
TP.HCM nghiên cứu biến rác đã chôn lấp thành nguyên liệu
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho biết đang nghiên cứu và trình TP phê duyệt phương án tận dụng rác sinh hoạt đã chôn lấp tại các bãi rác cũ (đóng cửa) để xử lý, tái chế thành nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất khác.
Hiện TP.HCM có ba bãi chôn lấp rác đã ngưng tiếp nhận rác với tổng diện tích khoảng 118ha, đó là các bãi Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), Gò Cát (quận Bình Tân) và Phước Hiệp (Củ Chi).
Các bãi chôn lấp rác này đang chứa hơn 25 triệu tấn rác. Song song đó, hiện nay TP còn có Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh đang tiếp nhận và xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh với khối lượng hơn 6.000 tấn/ngày và bãi chôn lấp số 3 Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, huyện Củ Chi (bãi dự phòng của TP) hiện tiếp nhận và xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh với khối lượng khoảng 1.200 tấn/ngày.
Đây là lượng rác trơ sau quá trình phân loại của Nhà máy Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa chuyển về.
Tình hình hoạt động các bến khách ngang sông
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa tổ chức họp về đánh giá tình hình hoạt động và đề xuất biện pháp chấn chỉnh hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn TP.
Động thái này để siết chặt tình hình hoạt động của các bến khách ngang sông nhằm đảm bảo các bến này hoạt động an toàn, không xảy ra các tai nạn ngoài ý muốn.
Tin tức sáng 5-2 trên sông Đồng Nai, đoạn giao giữa P.Long Bình Tân (TP Biên Hòa, Đồng Nai) và TP Thủ Đức (TP.HCM) đã xảy ra vụ va chạm giữa thuyền chở khách với sà lan trên sông Đồng Nai khiến một người tử vong.
Với vụ việc này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản khẳng định thuyền từ phía Đồng Nai sang TP.HCM chưa được công bố hoạt động bến khách ngang sông theo quy định.
Tin tức COVID-19: Có 19 ca mới
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.610 ca COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.485 ca nhiễm).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 5 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.614.598 ca.
Số bệnh nhân đang thở oxy là 2 ca. Ngày 7-2 ghi nhận 0 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Trong ngày 7-2 có 4.446 liều vắc xin COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.210.057 liều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận