Ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất gửi tiết kiệm
Biểu lãi suất gửi tiết kiệm tiền đồng Việt Nam trong tháng 11 tại nhiều ngân hàng lại tiếp tục hạ nhiệt thêm từ 0,1 - 0,3% tùy từng kỳ hạn khác nhau, chạm mức đáy của giai đoạn COVID-19.
Tại Techcombank, từ ngày 6-11, khách hàng gửi dưới 1 tỉ đồng, kỳ hạn 12 - 36 tháng lãi suất chỉ còn 5,15%/năm. Còn gửi 6 tháng đến dưới 1 năm thì lãi suất 4,65 - 4,7%/năm. Thấp nhất là kỳ hạn 1 tháng với 3,25%/năm.
Từ ngày 8-11, BaoViet Bank cũng áp dụng lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12 - 13 tháng 5,9%/năm thay cho mức trên 6%.
Một loạt nhà băng khác cũng vừa điều chỉnh hạ lãi suất như NCB, SHB, Nam A Bank, Bac A Bank...
Bảng cập nhật lãi suất huy động đến ngày 6-11 của WiGroup - một đơn vị chuyên thống kê dữ liệu - cho thấy với kỳ hạn 1 tháng, ngân hàng có mức lãi cao nhất là Nam A Bank với 4,65%. Kỳ hạn 3 tháng lãi cao nhất đạt 4,75% tại BaoViet Bank. Với kỳ hạn dài hơn như 6 tháng, Ocean Bank trả lãi cao nhất với 5,7%/năm.
Như vậy với kỳ hạn 6 tháng trở xuống, gần như đã không còn lãi suất 6%/năm. Nếu muốn nhận lãi cao hơn, khách hàng phải chọn các kỳ hạn dài quá 12 tháng tại một số ngân hàng.
Trong khi đó, lãi suất cho vay tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những tháng cuối năm nay nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đã giảm nhanh trong thời gian qua, theo bộ phận nghiên cứu VNDirect.
TP.HCM lên kế hoạch xây 7 nhà máy xử lý nước thải
UBND TP.HCM vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND TP về nguồn vốn và phương thức đầu tư cho 7 nhà máy xử lý nước thải đô thị. Phương án đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách (trường hợp đề xuất đầu tư công) và danh mục dự án kêu gọi đầu tư của thành phố trong thời gian tới.
TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện liên quan rà soát quỹ đất, tổ chức cắm mốc ranh đất. Đồng thời đề xuất việc triển khai công tác bồi thường, thu hồi đất tại các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị theo quy hoạch. Việc này nhằm chuẩn bị sẵn quỹ đất kêu gọi đầu tư các dự án.
Các sở ngành và đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của UBND TP về quy hoạch thoát nước và tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý nước thải theo hình thức PPP.
Hà Nội thí điểm vé điện tử liên thông cho vận tải công cộng
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội sẽ triển khai thí điểm hệ thống vé liên thông đa phương thức cho vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố dự kiến từ ngày 15-11 tới.
Theo đó, hành khách đi lại bằng vé lượt, vé tháng 1 tuyến và vé tháng liên tuyến trên 24 tuyến xe buýt thí điểm, gồm các tuyến buýt: buýt nhanh - BRT; 02; 08; 21; 32; 58; 64; 65; 74; 103; 142; 143; 146; 157; 159; buýt điện E01; E02; E03; E04; E05; E06; E07; E08; E09 sẽ được sử dụng vé thanh toán điện tử.
Hành khách có thể đăng ký vé, mua vé, thanh toán online (qua website, qua app mobile) hoặc trực tiếp tại các quầy vé sẽ được thông báo khi triển khai dịch vụ. Hệ thống chấp nhận nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, QR code…
Trong thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục thí điểm hệ thống vé điện tử kết nối liên thông với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.
Yêu cầu nghiên cứu nhiều loại hình điện mặt trời áp mái
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan việc xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tại nhà dân và cơ quan công sở.
Theo đó, yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ ngành liên quan trình Thủ tướng chương trình, hồ sơ xây dựng nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp.
Cần làm rõ việc lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp hoặc mái các công trình xây dựng nào có thể phát triển được điện mặt trời; loại tự sản tự tiêu không liên kết lưới điện; loại có liên kết với lưới điện thì phải đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải và phân phối…
Mục tiêu nhằm đảm bảo khuyến khích phát triển loại hình này cũng như phương án phát triển nguồn điện đã nêu trong quy hoạch điện 8.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc các bộ để khuyến khích phát triển, trong đó có tính tới vấn đề giá, thuế; các giải pháp kỹ thuật đưa điện mặt trời áp mái lên hệ thống điện quốc gia phải đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Du khách Việt đi Philippines tăng nhanh
Bà Gwendolyn Batoon - phụ trách phát triển thị trường ASEAN thuộc Tổng cục Du lịch Philippines, cho biết lượng khách Việt đi Philippines du lịch, giao thương... tăng mạnh từ sau dịch đến nay, với mức tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm.
10 tháng đầu năm 2023 đã có gần 57.600 lượt khách Việt đến Philippines, đưa Việt Nam là thị trường khách lớn thứ 14 của quốc gia này. Đây là con số hồi phục cao hơn trước dịch COVID-19 khi cả năm 2019 quốc gia này chỉ đón khoảng 67.000 lượt khách Việt.
Tình hình còn khả quan hơn từ tháng 12-2023 khi đường bay thẳng Đà Nẵng - Manila của Hãng bay Cebu Pacific Air (Philippines) được khởi động, đưa các chuyến bay giữa hai quốc gia phủ đủ ba thành phố lớn sau Hà Nội và TP.HCM.
"Đường bay thẳng mới này sẽ kết nối điểm đến mới là đảo Siargao, hòn đảo được tạp chí du lịch quốc tế bình chọn là hòn đảo đẹp nhất thế giới", bà Gwendolyn Batoon cho biết.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh hỗ trợ Cần Giờ chạy thận đến hết năm 2024
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM về chương trình nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ. Theo đó, Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ chính thức chạy thận nhân tạo từ tháng 10-2023 dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Tại đây hiện có 5 hệ thống máy chạy thận nhân tạo (trong đó 1 máy dành cho người bệnh có bệnh truyền nhiễm), đáp ứng cơ bản cho 16 người bệnh có địa chỉ cư trú tại huyện Cần Giờ.
Tuy nhiên, để đáp ứng tất cả 41 người bệnh sinh sống tại huyện Cần Giờ và địa phương lân cận, về lâu dài và ổn định cần 10-12 hệ thống máy chạy thận.
Nhằm đảm bảo chạy thận nhân tạo cho người bệnh không bị gián đoạn, ngành y tế đã rà soát các đơn vị trực thuộc để điều phối hệ thống máy chạy thận hỗ trợ. Bệnh viện Lê Văn Thịnh đảm bảo hoạt động hỗ trợ cho Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ cho đến hết tháng 12-2024 và dự kiến chuyển giao kỹ thuật từ tháng 1-2025.
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội TP thống nhất bảo đảm người bệnh chạy thận nhân tạo được chi trả và hưởng đầy đủ các chính sách, chế độ bảo hiểm y tế theo các quy định hiện hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận