Người Việt Nam lạc quan nhất châu Á về tương lai kinh tế đất nước
Báo cáo "Châu Á: Các thị trường cần theo dõi năm 2023" do công ty toàn cầu về dự báo xu hướng WGSN công bố ngày 6-6 cho thấy người Việt Nam lạc quan nhất về tương lai kinh tế của đất nước trong các quốc gia châu Á.
Báo cáo chỉ ra năm thị trường trọng điểm ở châu Á - Thái Bình Dương có tiềm năng tăng trưởng cho các thương hiệu và nhà bán lẻ trong năm 2023, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và Ấn Độ.
Trong đó, Việt Nam được coi là thị trường tăng trưởng trọng điểm của khu vực và lạc quan nhất về tương lai kinh tế của đất nước, với khoảng 70% người trẻ thế hệ Millennials tỏ ra lạc quan về tăng trưởng tích cực.
Báo cáo đánh giá Việt Nam nổi lên như điểm đến ưa thích của các công ty đa quốc gia vì ít xảy ra tình trạng gián đoạn sản xuất trong thời kỳ đại dịch. Các công ty công nghệ trong nước và dòng vốn đầu tư vào công nghệ sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ của khu vực.
Báo cáo cũng dự đoán cùng với những cải tiến về cơ sở hạ tầng logistics thúc đẩy thương mại điện tử ước đạt 49 tỉ USD vào năm 2025, Việt Nam là nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng GDP thực dự kiến là 6,2%.
5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vượt mốc hơn 2 tỉ USD
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, theo ước tính, tháng 5-2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 165.000 tấn, trị giá 396 triệu USD, tăng 0,9% về lượng nhưng giảm 0,7% về trị giá so với tháng 4-2023. Tuy nhiên, so với tháng 5-2022 tăng 15,7% về lượng và tăng 21,8% về trị giá.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 882.000 tấn, trị giá 2,02 tỉ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 5-2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.399 USD/tấn, tăng 5,3% so với tháng 5-2022.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta ước đạt mức 2.295 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khoảng 7,2 triệu tấn trái cây cần tiêu thụ trong 7 tháng cuối năm
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng trái cây cả nước trong quý 2 ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460.000 tấn, sầu riêng 300.000 tấn, vải thiều 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm ngàn tấn dứa, xoài, cam, thanh long... cũng vào vụ thu hoạch.
Theo ngành nông nghiệp, sản lượng dự kiến năm nay của cả nước là 12,4 triệu tấn trái cây các loại. Từ đầu năm đến nay tiêu thụ được khoảng 40% sản lượng, và từ nay đến cuối năm dự kiến thu hoạch trên dưới 7,2 triệu tấn trái cây các loại.
Như vậy, với nguồn cung trái cây trong nước ngày càng dồi dào, đặc biệt vào thời điểm các tháng giữa và cuối năm, áp lực đặt ra cho khâu tiêu thụ là rất lớn.
Cả nước vẫn có hơn 24.600 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ
Cục Thú y cho biết hiện cả nước có trên 70% cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động. Hiện cả nước có tới 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, trong đó chỉ có 7.362 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Nhiều địa phương như Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương… có trên 1.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong khi đó, cũng có địa phương báo cáo không có cơ sở giết mổ nhỏ lẻ như Đà Nẵng, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Phước, Cần Thơ.
Theo Cục Thú y, hiện cả nước có 433 cơ sở giết mổ động vật tập trung đang hoạt động, có công suất giết mổ từ 50 con heo, 200 con gia cầm trở lên/ngày; trong đó có 45 cơ sở có dây chuyền giết mổ công nghiệp.
Số lượng cơ sở giết mổ động vật tập trung còn ít bởi cơ sở giết mổ này có giá thành sản phẩm cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường (khoảng 20-30%).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận