Bamboo Airways dời trụ sở về TP.HCM
Tin tức của Tuổi Trẻ Online, Hãng hàng không Bamboo Airways sẽ dời trụ sở làm việc chính từ Hà Nội vào TP.HCM từ ngày 1-4.
Đây là chuyển biến mới nhất trong quá trình hãng tái cơ cấu toàn diện, sau khi cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết vướng vào vòng lao lý.
Việc chuyển đổi trụ sở làm việc rất quan trọng với một hãng hàng không, bởi có nhiều bộ phận khác liên quan bị xáo trộn.
Nhiều nhân sự của hãng đã nghỉ việc, hoặc tạm dừng công việc khi hãng dời trụ sở làm việc.
Bamboo Airways đang "đại phẫu" để tái sinh sau giai đoạn kinh doanh thua lỗ.
Từng khai thác 30 máy bay, nhưng nay chỉ còn 8 máy bay.
Theo CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam, hãng sẽ tập trung khai thác hiệu quả các đường bay nội địa để từng bước giảm lỗ, tiến tới hòa vốn rồi có lãi.
Từ đó mở rộng mạng đường bay nội địa, rồi trở lại với các đường bay quốc tế, nhưng với mô hình kinh doanh mới và năng lực cạnh tranh quốc tế tốt hơn so với trước đây.
CEO Lương Hoài Nam cho biết dịp cao điểm hè 2024, Bamboo Airways chưa có chủ trương tăng thêm máy bay khai thác.
Xây dựng luật để tăng phân cấp, tự chủ của doanh nghiệp nhà nước khi đầu tư
Thường trực Chính phủ thống nhất với đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Tài chính xây dựng, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, ổn định về quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ Tài chính được giao tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật, đảm bảo tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.
Tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.
Chính phủ và các bộ ngành thực hiện chức năng tham mưu ban hành chính sách, thanh tra, kiểm tra, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thường trực Chính phủ cũng cơ bản thống nhất với các chính sách trong đề án xây dựng luật.
Tuy nhiên lưu ý cơ quan soạn thảo cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án đầu tư, tách bạch quy trình phê duyệt dự án đầu tư với quy trình quản lý nhà nước về đầu tư.
Công tác nhân sự cũng được yêu cầu phân cấp mạnh mẽ, tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, gắn với cơ chế kiểm soát, giám sát, kiểm tra chặt chẽ.
Tăng tỉ lệ tối đa trích lập quỹ đầu tư phát triển để bảo đảm sự chủ động cho doanh nghiệp. Quy định rõ vị trí, vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước…
Việt Nam trúng thầu 108.000 tấn gạo từ Indonesia
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa chốt hợp đồng 300.000 tấn gạo với các nhà cung cấp, Việt Nam đứng thứ 2 trong danh sách trúng thầu với 108.000 tấn gạo.
Indonesia là nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới sau Philippines. Vì tăng cường gạo nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và kiềm chế lạm phát, năm 2024, Indonesia dự kiến nhập khẩu tới 3,6 triệu tấn gạo.
Theo đó, chốt hợp đồng với Bulog, theo thứ tự, các doanh nghiệp Thái Lan trúng thầu với sản lượng nhiều nhất 117.000 tấn, đứng thứ 2 là Việt Nam 108.000 tấn, phần còn lại từ Pakistan và Myanmar.
Trong đợt thầu này, xét về giá chi phí và cước phí, gạo Myanmar cao nhất khi ở mức 626 USD/tấn, tiếp theo là Pakistan có giá 623 USD/tấn. Gạo Thái Lan đứng vị trí thứ 3, có giá từ 611,5 - 617 USD/tấn, còn Việt Nam có giá từ 609 - 616 USD/tấn, thấp nhất trong các nước dự thầu.
Đề xuất tăng trợ cấp cho lao động nữ
Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam đề xuất nhiều vấn đề nóng.
1. Tăng trợ cấp thai sản với lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo nông thôn (1,5 triệu đồng), tối đa 4 tháng vì đây là thời gian cần thiết để người mẹ hồi phục sức khỏe sau sinh con.
2. Bổ sung quy định thời gian nghỉ, mức trợ cấp cho lao động nữ mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Nếu lao động nghỉ dưỡng thai trên 14 ngày làm việc/tháng vẫn được tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội và được quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế.
3. Quy định mức trợ cấp thai sản tính trên tiền lương đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng trước khi nghỉ hưởng thai sản. Ví dụ Singapore, Trung Quốc, Hà Lan đã quy định trợ cấp bằng 100% tiền lương của lao động trước khi nghỉ việc hưởng thai sản.
4. Dự thảo cần bổ sung quy định quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho lao động nữ sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc mang thai bệnh lý nghỉ trên 14 ngày làm việc/tháng không có lương.
5. Dự thảo dùng thuật ngữ "người lao động" thay vì lao động nam, lao động nữ trong chế độ thai sản, để những người giới tính không rõ ràng như đồng tính, gay, lưỡng tính, chuyển giới có thể hưởng chế độ.
Bên cạnh đó, Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam còn đề xuất nhiều nội dung về thời gian nghỉ thai sản cho lao động mang thai hộ, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận