Kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI bình quân hơn 1 tỉ USD/ngày
Tin tức từ dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan ghi nhận 15 ngày đầu tháng 1-2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt bình quân hơn 1 tỉ USD/ngày.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 20,49 tỉ USD, tăng 0,9% (tương ứng tăng 174 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2023; trong khi đó doanh nghiệp trong nước là 9,3 tỉ USD, tăng 12,7% (tương ứng tăng 1,05 tỉ USD).
Như vậy, bình quân mỗi ngày kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt gần 1,4 tỉ USD.
Về xuất khẩu, kim ngạch của doanh nghiệp FDI đạt hơn 11 tỉ USD, tăng 1,6% (tương ứng tăng 174 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 72,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Chiều ngược lại, nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 9,48 tỉ USD, tăng 0,2% (tương ứng tăng 16 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 64,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Việt Nam xuất khẩu giày dép đạt hơn 20 tỉ USD, đứng thứ 2 thế giới
Theo tin tức từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hết năm 2023, xuất khẩu mặt hàng giày dép mang về hơn 20,2 tỉ USD, giảm 15,3% so với năm 2022.
Như vậy 26 năm liên tiếp (tính từ năm 1998), giày dép xuất khẩu luôn nằm trong "câu lạc bộ tỉ đô" và nằm trong nhóm có kim ngạch cao.
Sản lượng xuất khẩu giày dép của Việt Nam chỉ đứng sau thị trường Trung Quốc. Năm 2020, Việt Nam là nước xuất khẩu giày vải lớn nhất thế giới về giá trị, vượt xa Trung Quốc.
Hiện Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới và có mặt ở 150 thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…
Mỹ, Trung Quốc và Bỉ là 3 thị trường lớn nhất của giày dép Việt Nam. Trong năm 2023, Mỹ đã chi hơn 7,1 tỉ USD nhập khẩu giày dép từ Việt Nam; tiếp đến là Trung Quốc với trị giá xuất khẩu sang nước láng giềng đạt 1,8 tỉ USD; đứng thứ 3 là thị trường Bỉ với hơn 1,2 tỉ USD.
Thép vào đà tăng giá ngay đầu năm 2024
Trong tháng đầu tiên năm 2024, các doanh nghiệp thép có hai lần điều chỉnh giá theo mức tăng.
Cụ thể, Thép Hòa Phát đồng loạt nâng 200.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 ở miền Bắc, Trung và Nam. Sau điều chỉnh, giá thép cuộn CB240 của Hòa Phát ở cả 3 miền đều lên mức 14,3 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức cũng nâng 200.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 tại miền Bắc, lên mức 14,2 triệu đồng/tấn. Thép Việt Ý tăng 195.000 - 200.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240, lên mức giá 14,3 triệu đồng/tấn...
Theo các doanh nghiệp, giá thép trong nước lại được điều chỉnh tăng lần thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm 2024, chủ yếu thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tăng từ 100.000 - 210.000 đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và chủng loại.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhìn nhận giá thép nối dài mạch tăng giá từ đầu quý 3-2023 đến nay. Lý do giá thép có xu hướng đi lên vì giá nguyên vật liệu tăng.
Các nhà máy phải điều chỉnh giá thép tăng lên nhằm bù lại một phần giá tăng nguyên vật liệu, mặc dù nhu cầu vẫn ở mức thấp.
Saigon Co.op lập liên doanh với công ty Hàn Quốc phát triển logistics
Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn CJ (CJ Group) để cùng xây dựng hệ sinh thái chung về dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa (logistics), triển khai hệ thống nhà kho theo tiêu chuẩn tự động hóa.
Hai bên cùng nghiên cứu phát triển và khai thác kho Saigon Co.op hướng Tây TP.HCM - Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3.
Dự án dự kiến đi vào hoạt động tháng 7-2024 nhằm giảm áp lực hàng hóa, rủi ro tại kho hướng Đông, hỗ trợ phân phối hàng hóa đến các siêu thị, cửa hàng trong chiến lược tái quy hoạch của nhà bán lẻ.
Ngoài ra, liên doanh giữa hai doanh nghiệp Việt - Hàn cũng sẽ hướng đến những dự án mới, bao gồm những ý tưởng sáng tạo mới, mô hình hợp tác kinh doanh mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận