Giá bán USD ở ngân hàng lập kỷ lục mới, vượt mốc 25.000 đồng
Tin tức cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỉ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD, áp dụng cho ngày 2-4 là 24.005 đồng. Theo đó, biên độ dao động cho phép ở các ngân hàng thương mại là 22.805 - 25.205 đồng.
Ghi nhận Tuổi Trẻ Online, giá USD tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh.
Như tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá USD đang được niêm yết mua vào bán ra ở mức 24.680 - 25.050 đồng, tăng 80 đồng so với ngày hôm trước.
Tại Eximbank, giá USD tăng mạnh tới 130 đồng lên 24.690 - 25.080 đồng. Mỗi USD tại VietinBank còn lên mức 24.725 - 25.145 đồng lần lượt chiều mua vào - bán ra.
Xu hướng tăng mạnh cũng diễn ra trên thị trường tự do. Giá USD 'chợ đen' tăng khoảng 40 đồng. Giá mua vào - bán ra phổ biến ở mức 25.420 đồng và 25.520 đồng.
Nhu cầu tín dụng vẫn thấp
Tin tức từ bộ phận nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) vừa công bố báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 1-2024.
Theo các chuyên gia của UOB, với việc GDP thực tế của Việt Nam tăng 5,66% so với cùng kỳ trong quý 1, thì đây là kết quả quý 1 tốt nhất từ năm 2020 đến năm 2023.
Tuy vậy, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng khá mờ nhạt, với tổng tăng trưởng tín dụng đạt 0,26% tính đến ngày 25-3, tụt lại so với tốc độ 1,99% cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu tín dụng thấp là do nhiều nguyên nhân và có thể phải cần một thời gian để trở lại trạng thái bình thường.
Trong đó, có yếu tố là do số lượng doanh nghiệp thoái vốn trong năm 2023.
Tuy nhiên, chuyên gia UOB cho biết thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm công cụ để triển khai quản lý thanh khoản của hệ thống.
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi gần đây, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, sẽ tạo khuôn khổ cho các khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước.
Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Indonesia tăng mạnh
Tin tức từ Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết hàng hóa của các doanh nghiệp TP.HCM đang từng bước khẳng định vị thế tại thị trường Indonesia với giá trị kim ngạch xuất khẩu đang gia tăng theo thời gian.
Hiện kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố sang Indonesia năm 2023 ghi nhận đạt gần 667 triệu USD, tăng 27% so với năm 2022 và dự kiến còn tăng mạnh trong năm 2024.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Indonesia là hàng thủy sản, cà phê, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, hàng dệt, may, giày dép các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, sắt thép các loại…
Đặc biệt, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu sang thị trường nước này.
Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như nông sản, dệt may, thực phẩm, đồ uống… mới chỉ đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu khiêm tốn.
Do vậy, trong thời gian tới, ITPC sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng lãnh sự quán nước Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM tổ chức các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu và kết nối giao thương cho doanh nghiệp hai nước.
Khuyến nghị hàm lượng natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn
Dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và kết quả rà soát, ý kiến chuyên gia, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra khuyến nghị hàm lượng natri tối đa trên 100g thực phẩm cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam.
Khuyến nghị này thực hiện đối với 11 nhóm thực phẩm chính và 46 tiểu nhóm thực phẩm phù hợp với danh mục quản lý và các sản phẩm có tại thị trường Việt Nam.
Theo Cục Y tế dự phòng, natri rất cần thiết đối với cơ thể người nhưng ăn thừa natri lại gây tác hại cho sức khỏe.
Tiêu thụ thừa natri là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ (như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim), làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và những rối loạn sức khỏe khác.
Các nghiên cứu cho thấy xu hướng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, bao gói sẵn của người dân Việt Nam ngày càng tăng cao, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên.
Việc đưa ra các khuyến cáo hàm lượng natri tối đa trong 100g thực phẩm là hết sức cần thiết nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất áp dụng các biện pháp giảm natri trong công thức chế biến, thay thế natri bằng gia vị khác trong thực phẩm góp phần cung cấp cho cộng đồng sản phẩm thực phẩm ít natri hơn.
TP.HCM lên kế hoạch phòng bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần
Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về xây dựng kế hoạch thực hiện phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần tại TP giai đoạn 2024 - 2025 (lần 2).
Sở này cho biết, trong thời gian qua, ngành y tế TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động trong lĩnh vực y tế dự phòng và khám chữa bệnh nhằm chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân TP và khu vực phía Nam.
Dù vậy công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do các vấn đề sức khỏe mới đã phát sinh.
Đó là già hóa dân số, gánh nặng bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh cao huyết áp và đái tháo đường, mức sinh thấp, các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi…
Bên cạnh đó người dân vẫn chưa nhận thức và thực hành dự phòng một cách chủ động do việc tiếp cận thông tin về giáo dục sức khỏe còn hạn chế và còn phụ thuộc quá nhiều vào việc khám chữa bệnh, dẫn đến hậu quả là người bệnh phải sống chung với bệnh tật, quá tải bệnh viện và gia tăng chi phí y tế.
Do đó kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2024 - 2025 của Sở Y tế TP.HCM là nhằm tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị, hạn chế gia tăng tỉ lệ người mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận