4 tháng đầu 2023, Hà Nội, Quảng Ninh đón hơn 14 triệu khách du lịch
Theo Sở Du lịch Hà Nội, tính chung 4 tháng đầu 2023, du lịch Hà Nội đã đón 8,14 triệu lượt khách, tăng 74% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,44 triệu lượt, tăng 18 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Khách nội địa ước đạt 6,7 triệu lượt, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 30.150 tỉ đồng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Sở Du lịch Hà Nội cũng dự tính kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5 năm nay, du lịch thành phố dự kiến đón 2,24 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế.
Lượng khách du lịch tăng mạnh trong tháng 4 nên tổng thu từ khách du lịch sẽ đạt khoảng hơn 8.500 tỉ đồng, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 5,8% so với tháng 3-2023.
Còn thông tin từ Sở Du lịch Quảng Ninh cho hay 4 tháng đầu 2023, tỉnh đón 5,95 triệu lượt khách, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 4, lượng khách đến Quảng Ninh ước đạt 1,1 triệu lượt, tăng 30% so với kế hoạch.
Tính giá điện rẻ hơn với người thuê nhà trọ
Bộ Công Thương đã có thông tư mới sửa đổi, bổ sung một số quy định về thực hiện giá bán điện. Đáng chú ý giá bán lẻ điện sinh hoạt đối với sinh viên và người lao động thuê nhà đã được quy định cụ thể.
Theo đó, trường hợp có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, thường trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).
Trường hợp cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện, áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ. Mức giá này là rẻ hơn so với cách tính hiện tại với người thuê trọ.
Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện. Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.
TP.HCM kiểm soát gắt bến khách, lái tàu thuỷ dịp lễ 30-4
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đang phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy PC08B CA TP.HCM, các đơn vị liên quan siết chặt, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong dịp lễ.
Đoàn liên ngành sẽ liên tục thanh, kiểm tra bất ngờ một số bến khách ngang sông, yêu cầu chủ bến, người khai thác bến, người lái tàu… phải đáp ứng đầy đủ điều kiện bắt buộc. Trên tàu trang bị đầy đủ phao cứu sinh, lái tàu hướng dẫn cách dùng phao cho hành khách.
Trung tâm Quản lý đường thuỷ giám sát không để tàu ngoài quản lý của bến vào đón, trả khách tại khu bến gây mất an toàn chung; theo dõi, cảnh báo cho tàu khi đi qua khu vực tĩnh không thấp, có bãi cạn, có chướng ngại vật, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
Từ 28-4 đến hết lễ, Cảng vụ Đường thuỷ nội địa TP.HCM kiểm tra điều kiện an toàn ở cầu tàu, bến thuỷ nội địa. Đặc biệt chú trọng vào các bến đưa rước khách ở địa bàn TP Thủ Đức, quận 1, quận 7, huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè…
Đối với tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông), tàu cao tốc đi TP Vũng Tàu, cảng vụ kiểm tra nồng độ cồn lái tàu, trường hợp lái tàu vi phạm thì cấm xuất bến.
Riêng đối với phà Bình Khánh, phà Cát Lái, Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM có trách nhiệm phối hợp chặt cùng PC08B xử lý kịp thời không để xảy ra ùn tắc giao thông.
Ca mắc COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng, cảnh báo kiểm soát dịp nghỉ lễ
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh thành, thông báo trong tháng 4 này nhiều bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, COVID-19, tay chân miệng gia tăng.
Riêng COVID-19 số mắc thống kê được đã vượt 3.000 ca hôm 28-4, cao gấp hàng chục lần so với giai đoạn đầu tháng 4. Các bệnh viện cũng đã ghi nhận một số bệnh nhân COVID-19 tử vong trong những ngày gần đây, trong khi từ tháng 12-2022 đến đầu tháng 4-2023 không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Tìm giải pháp quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm
Tại hội thảo tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Nhiên, phó chánh thanh tra Bộ Y tế, phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết trung bình mỗi năm cơ quan thanh tra thực phẩm các cấp phát hiện gần 30.000 trường hợp vi phạm, hàng chục ngàn sản phẩm hết hạn, không rõ nguồn gốc xuất xứ... phải tiêu hủy.
Ngoài các mối nguy ô nhiễm thực phẩm sẵn có như vi rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng... nhiễm vào thực phẩm, còn có hóa chất, kim loại nặng, thuốc trừ sâu được đưa vào thực phẩm do quá trình sản xuất gian dối hoặc nguyên liệu không đảm bảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận