28/09/2023 06:26 GMT+7

Tin tức sáng 28-9: Hơn 20 tỉ USD vốn FDI rót vào Việt Nam; Giá phân bón tăng mạnh

Một số tin tức đáng chú ý: Hơn 20 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam; Cầu Nam Lý lại đình trệ vì vướng mặt bằng; Giá phân bón tăng mạnh...

Công nhân Công ty TNHH Telstar Việt Nam, Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang (vốn đầu tư của Anh) trong dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử - Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN

Công nhân Công ty TNHH Telstar Việt Nam, Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang (vốn đầu tư của Anh) trong dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử - Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN

9 tháng, hơn 20 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20-9, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỉ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ.

Trong đó, có 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với hơn 10,23 tỉ USD, tăng 66,3% về số dự án và tăng 43,6% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, có 934 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 5,15 tỉ USD, tăng 21,5% về số lượt và giảm 37,3% về số vốn so với cùng kỳ...

Như vậy vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng. Các ngành được đầu tư nhiều gồm công nghiệp chế biến, chế tạo (hơn 14 tỉ USD), kinh doanh bất động sản (1,94 tỉ USD)...

Giá phân bón tăng mạnh

Phân bón thời gian gần đây tăng giá khiến chi phí sản xuất tăng theo đáng kể - Ảnh: KHẮC TÂM

Phân bón thời gian gần đây tăng giá khiến chi phí sản xuất tăng theo đáng kể - Ảnh: KHẮC TÂM

Hơn một tháng qua, giá phân bón các loại tăng mạnh. Trong khi đây là mùa sản xuất lúa chính của vùng ĐBSCL nên sẽ phát sinh chi phí đáng kể cho người dân.

Nông dân Nguyễn Nhật Sô (Sóc Trăng) cho biết đầu tháng 8, giá phân urê mua của đại lý theo hình thức trả sau chỉ khoảng 500.000 đồng/bao nhưng hiện đã tăng lên 630.000 đồng; phân DAP hiện giá khoảng 1.100.000 đồng, tăng trên 400.000 đồng/bao...

Đại diện Công ty TNHH Trung Long (đại lý phân bón cấp 1) cho hay sau khi Trung Quốc cấm xuất khẩu phân bón, hai loại phân phổ biến trong sản xuất nông nghiệp là urê và DAP tăng mạnh. So với 40 ngày trước, phân urê tăng trên 10% và phân DAP tăng gần 40%. 

Theo ông Nguyễn Thành Phước - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiếm 20 - 30% chi phí sản xuất lúa. Một khi phân bón tăng giá sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chi phí và lợi nhuận của người trồng lúa. Do vậy bà con cần sử dụng phân bón hợp lý để khi lúa có giảm giá vẫn đảm bảo có lời.

Sắp hoàn thành tái định cư cho người dân vùng dự án sân bay Long Thành

Mặt bằng giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành đã hoàn thành, bàn giao 100% vào tháng 8 vừa rồi - Ảnh: A LỘC

Mặt bằng giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành đã hoàn thành, bàn giao 100% vào tháng 8 vừa rồi - Ảnh: A LỘC

Ngày 27-9, UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) cho hay đã cơ bản hoàn thành xét duyệt, bố trí tái định cư cho người dân vùng dự án sân bay Long Thành.

Dự án sân bay Long Thành cần thu hồi 5.000ha đất của gần 5.600 hộ dân và nhiều tổ chức. Các ngành chức năng đã xét hồ sơ tái định cư cho hơn 5.500 hộ, trong đó có khoảng 4.500 hộ đủ tiêu chuẩn, được cấp đất tái định cư. Còn lại trên 1.000 hộ không đủ điều kiện tái định cư.

Trong số những hộ dân được cấp đất, hơn 1.600 hộ dân đã xây nhà, chuyển đến sinh sống tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Đến nay, dự án chỉ còn vài chục hộ chưa được tái định cư, các ngành chức năng đang tiếp tục xét duyệt. Dự kiến đầu tháng 10 tới sẽ hoàn thành tái định cư cho toàn bộ người dân vùng dự án.

Để tạo sinh kế ổn định cho người dân khi đến nơi ở mới, các sở ngành và huyện Long Thành đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan đào tạo nghề, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm.

Trước đó, vào tháng 8 vừa qua, Đồng Nai đã hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, hoàn thành bàn giao 100% đất (diện tích 2.532ha) cho chủ đầu tư.

Baemin sắp dừng hoạt động ở Việt Nam

Nguồn tin Tuổi Trẻ tại Baemin xác nhận công ty đang xáo trộn nhiều vị trí cấp cao, chưa kể thông tin sa thải hàng trăm nhân viên để thu hẹp quy mô hướng đến kế hoạch rời thị trường Việt Nam. Hiện một số dịch vụ của app này đã ngừng hoạt động ở một số địa phương như Bắc Ninh, Hội An, Thái Nguyên.

"Công ty gặp khó khăn khi đốt tiền khuyến mãi thu hút người dùng, giảm khuyến mãi là khách ít dùng. Mảng kinh doanh mới như mỹ phẩm bán trên online cũng gặp rất nhiều khó khăn khi đi vào thực tế" - nguồn tin này cho hay.

Baemin Việt Nam là liên doanh giữa Delivery Hero và Woowa Brothers hoạt động giao đồ ăn, mỹ phẩm làm đẹp. Đây là ứng dụng cạnh tranh trong mảng giao thức ăn với Grab, Gojek và ShopeeFood. 

Giám đốc điều hành tạm thời của Baemin Việt Nam trong thời điểm hiện tại là bà Cao Thị Ngọc Loan, thay thế ông Jinwoo Song từ chức giữa tháng 9-2023 để quay trở về Hàn Quốc.

Cầu Nam Lý lại đình trệ vì... vướng 1 hộ dân

Cầu Nam Lý được xây dựng trở lại sau 4 năm tạm dừng vì vướng mặt bằng, nhưng nay lại... vướng tiếp - Ảnh: CHÂU TUẤN

Cầu Nam Lý được xây dựng trở lại sau 4 năm tạm dừng vì vướng mặt bằng, nhưng nay lại... vướng tiếp - Ảnh: CHÂU TUẤN

Tin tức từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, sau nhiều năm đình trệ, dự án cầu Nam Lý (TP Thủ Đức) hiện đã hoàn thành thi công cọc khoan nhồi một số trụ, khối lượng thi công đạt khoảng 52% giá trị hợp đồng. Nhiều hạng mục đang được nỗ lực triển khai, mong muốn hoàn thành đúng tiến độ đề ra vào năm 2024.

Tuy nhiên, dự án này bị vướng giải phóng mặt bằng 1 hộ dân, dẫn đến các hạng mục như di chuyển đường dây điện, cáp viễn thông để thực hiện dự án đang bị đình lại. Hiện các đơn vị liên quan đang tiếp tục phối hợp, vận động hộ dân này bàn giao mặt bằng để tiếp tục triển khai thi công dự án.

Dự án xây dựng cầu Nam Lý có tổng mức đầu tư 919 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng 423 tỉ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 403 tỉ đồng và các chi phí khác. Dự án vừa tái khởi động vào tháng 3-2023 sau 4 năm đình trệ vì vướng mặt bằng.

TP.HCM hỗ trợ đưa hơn 5.700 người ăn xin về các trung tâm hỗ trợ

Người ăn xin ở TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Người ăn xin ở TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, cơ quan chức năng TP đã hỗ trợ đưa hơn 5.700 người ăn xin về các trung tâm hỗ trợ.

Cụ thể trong năm 2020 đã đưa 1.352 người ăn xin, sinh sống nơi công cộng (trong đó có 310 người có dấu hiệu khuyết tật thần kinh, tâm thần) về trung tâm bảo trợ. 

Con số này năm 2021 là 2.040 người (trong đó có 169 đối tượng có dấu hiệu khuyết tật thần kinh, tâm thần), năm 2022 có 1.259 người (trong đó có 422 đối tượng có dấu hiệu khuyết tật thần kinh, tâm thần). 

Riêng 9 tháng đầu năm 2023 có 1.071 người (trong đó có 174 người có dấu hiệu khuyết tật thần kinh, tâm thần).

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 28-9. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 28-9. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức sáng 28-9: - Ảnh 8.

Dự báo thời tiết ngày 28-9.

Dự báo thời tiết ngày 28-9.

Tin tức sáng 28-9: - Ảnh 10.

Mức đóng, hưởng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2023-2024 thế nào?Mức đóng, hưởng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2023-2024 thế nào?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa thông báo thay đổi chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2023 - 2024.

 

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên