Sân bay Long Thành sắp cần 14.000 lao động
Ngày 27-5, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) và Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược chuẩn bị nguồn lực cho sân bay Long Thành.
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ cần khoảng 14.000 lao động với trình độ học vấn và tay nghề khác nhau.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu khai thác khi sân bay đi vào hoạt động cần phải chuẩn bị nguồn lực lớn, với đội ngũ nhân lực có tay nghề cao, trang thiết bị hàng không hiện đại.
Bên cạnh nguồn lực hiện nay, ACV và SAGS đã nghiên cứu, tìm kiếm và đánh giá các đơn vị, cơ sở đào tạo có năng lực và kinh nghiệm tại Đồng Nai nhằm phát triển thêm nguồn nhân lực tại chỗ.
Theo đó, các lĩnh vực hợp tác gồm: đào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không; gia công, sản xuất vật tư, linh kiện phụ tùng để phục vụ công tác bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, trang thiết bị hàng không; xây dựng khu phức hợp với các công năng, phục vụ cho đào tạo, bảo dưỡng sửa chữa, khu vực làm việc cho cán bộ, chuyên gia công tác tại sân bay.
Hà Nội, ca mắc sốt xuất huyết giảm nhẹ, ca bệnh tay chân miệng tăng
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, trong tuần qua trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 23 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 18 ca so với tuần trước đó.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 690 ca mắc sốt xuất huyết, chưa có ca tử vong.
Trong khi số ca mắc sốt xuất huyết, thủy đậu giảm thì số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn thành phố ghi nhận gia tăng với 76 trường hợp mắc, tăng 8 trường hợp so với tuần trước đó.
Đối với bệnh thủy đậu, Hà Nội có 23 ca mắc trong tuần, giảm 3 trường hợp so với tuần trước, không có ca tử vong, cộng dồn từ đầu năm đến nay là 587 trường hợp.
Ngoài ra, bệnh ho gà ghi nhận 2 trường hợp, tương đương so với tuần trước. Các bệnh liên cầu lợn, uốn ván, não mô cầu, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản không ghi nhận ca mắc trong tuần.
Giá mua điện khí tối đa gần 2.600 đồng/kWh
Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định phê duyệt khung giá phát điện nhà máy nhiệt điện tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí hóa lỏng.
Cụ thể, khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) năm 2024 là 0 - 2.590,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Trong đó, mức giá trần là 2.590,85 đồng/kWh. Tỉ giá áp dụng là 24.520 đồng/USD.
Theo quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424MW (23 dự án). Trong đó, tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900MW (10 dự án), tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng LNG là 22.524MW (13 dự án).
Tính đến nay, hầu hết các dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư vẫn chưa có nhiều tiến triển, nhiều dự án vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư.
‘Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá’
Đây là chủ đề được Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn phát động trong Ngày Thế giới năm nay 31-5.
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá, Bộ Y tế cũng kêu gọi, phát động chiến dịch truyền thông ngăn ngừa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ trẻ em và sức khỏe cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỉ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định sử dụng sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra các gánh nặng bệnh tật và kinh tế, không chỉ cho bản thân người sử dụng mà còn cho cả gia đình và xã hội.
Chiến dịch truyền thông nhân tuần lễ phòng chống tác hại thuốc lá năm nay tập trung vào nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử, khuyến khích các bậc phụ huynh, nhà trường và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ.
Nhà trường tăng cường giáo dục và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trang bị cho học sinh kiến thức cần thiết tự bảo vệ bản thân trước cám dỗ. Các bậc phụ huynh hãy quan tâm, nói chuyện với con em mình về những nguy cơ của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, giúp các em hiểu rõ và tự chủ trong việc nói không với các sản phẩm này.
TP.HCM cứu sống một bệnh nhi nguy kịch do cúm A/H1 chủng đại dịch
Ngày 27-5, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, đơn vị này vừa cứu chữa thành công một bệnh nhi 3 tuổi bị viêm phổi nặng do nhiễm cúm A/H1.
Bệnh nhi là bé gái H.A. (ngụ quận 8, TP.HCM) sốt cao liên tục 3 ngày, ho và tiêu chảy nhiều lần. Đến ngày thứ 4, bé nhập viện tại bệnh viện địa phương với chẩn đoán viêm phổi, suy hô hấp diễn tiến nhanh, được đặt nội khí quản, thở máy.
Kết quả xét nghiệm PCR dịch hút phế quản ghi nhận tác nhân cúm A/H1 của chủng đại dịch 2009 (hay còn gọi là cúm A/H1N1, cúm mùa). Các bác sĩ hội chẩn và chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng li bì tím tái, SpO2 (nồng độ oxy máu) khoảng 80-82%.
Bé được chẩn đoán viêm phổi và suy hô hấp cấp tiến triển nặng do cúm A/H1. Diễn tiến bệnh của bệnh nhi phức tạp, nhiễm trùng nặng, viêm phổi bội nhiễm, bạch cầu tăng cao, các bác sĩ buộc phải đổi kháng sinh, điều chỉnh thông số ECMO, hỗ trợ chức năng các cơ quan. Sau gần 3 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, được cai ECMO, máy thở và dần tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm A/H1N1 chủng đại dịch 2009 là một trong các bệnh cúm mùa hiện nay. Tuy không nguy hiểm như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, những người nhiễm cúm A/H1N1 hay vi rút cúm mùa khác cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận