Trước 30-6, phải trình dự án phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Ngoài 2 tỉ USD vốn vay nước ngoài, ngân sách trung ương kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ bố trí 43.000 tỉ đồng cho các dự án để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cho biết trước ngày 30-1, các bộ này ý kiến gửi Bộ Tài chính về dự thảo kết luận cuộc họp với các bộ và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long về huy động vốn vay cho đầu tư phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Góp ý là cơ sở Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng về các công việc cần triển khai để thúc đẩy các thủ tục huy động vốn cho đầu tư phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo kết luận cuộc họp giữa các bộ và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra cuối năm 2022, việc xây dựng đề xuất dự án, lựa chọn hình thức huy động vốn vay cần tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, góp phần thiết thực vào đầu tư phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc lựa chọn dự án, xây dựng dự án và huy động vốn vay phải đảm bảo nguyên tắc chỉ vay vốn cho các dự án đầu tư thực sự cần thiết, hiệu quả theo đúng quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại nghị quyết số 07 năm 2016.
Kiên quyết không sử dụng vốn vay cho các mục đích và dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế - xã hội thấp hoặc không rõ ràng.
Các dự án sử dụng vốn vay phải phù hợp với quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 287 năm 2022.
Đảm bảo khả năng cân đối vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Khẩn trương hoàn thành đề xuất dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30-6.
Bố trí đủ vốn đối ứng để thực hiện dự án trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo trong trường hợp thời gian thực hiện dự án kéo dài sau năm 2025.
Tin tức tiêu thụ điện ngày Tết: thấp hơn công suất lắp đặt điện tái tạo
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong những ngày nghỉ Tết, công suất tiêu thụ điện cao nhất của toàn hệ thống điện quốc gia chỉ ở mức khoảng 24.300 MW/ngày. Trong đó, mức tiêu thụ điện trên cả nước giảm 30,3% so với ngày thường của tuần trước Tết, thấp hơn dịp Tết năm ngoái khoảng 9,2%.
Theo EVN, công suất tiêu thụ điện toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa còn khoảng 15.500 MW, giờ thấp điểm đêm chỉ còn khoảng 13.600 MW, tương ứng mức khoảng 60% so với ngày bình thường.
Trong khi đó, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo trên toàn quốc vào khoảng 21.000 MW (bao gồm gần 16.200 MW điện mặt trời và gần 4.000 MW điện gió), chiếm tỉ lệ 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống điện (khoảng 77.800 MW).
Như vậy, chỉ riêng về nguồn năng lượng tái tạo đã có công suất lắp đặt cao hơn nhiều so với công suất tiêu thụ điện toàn hệ thống trong các giờ thấp điểm của ngày Tết.
Đáng chú ý, EVN cho rằng do mức tiêu thụ điện giảm thấp, nhiều loại hình nguồn điện buộc phải giảm phát để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.
Tặng 100 căn nhà cho mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách và hộ nghèo
Tập đoàn FPT vừa khánh thành thêm 50 căn nhà tình nghĩa tặng cho các hộ nghèo tại TP.HCM nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. 50 căn nhà được khánh thành dịp này thuộc các xã Hòa Phú, Phước Vĩnh An, Tân Thạnh Tây, Tây Thạnh Đông, Phú Hòa Đông, An Phú của huyện Củ Chi.
Đến nay, FPT đã hoàn thiện 100 căn nhà trong dự án Nhà Hạnh phúc dành tặng mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách và hộ nghèo. Tổng số tiền FPT tài trợ cho toàn bộ dự án là 6 tỉ đồng.
Bà Trương Thanh Thanh, giám đốc trách nhiệm xã hội FPT, chủ tịch Quỹ Hy vọng, chia sẻ: "Những căn nhà được trao trong dịp này hy vọng sẽ là món quà nhỏ bé mà Tập đoàn FPT có thể giúp đỡ cho bà con đón xuân bình an.
Màu xanh từ những căn nhà chính là hạt giống gieo nên những mầm xanh hy vọng. Chúc cho tất cả bà con sức khỏe, hạnh phúc và an lành trong năm mới".
Tin tức COVID-19: 12 ca mới
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.377 ca COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.483 ca nhiễm).
Số bệnh nhân khỏi bệnh được công bố trong ngày: 7 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.612.433 ca
Số bệnh nhân đang thở oxy là 2 ca.
Ngày 26-1 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Trong ngày 26-1 có 192 liều vắc xin COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.058.416 liều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận