Hơn 96% học sinh, sinh viên tại TP.HCM tham gia bảo hiểm y tế
Ngày 25-9, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi đến các đơn vị liên quan về việc thực hiện công tác bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội thành phố, trong năm học 2022-2023 toàn thành phố có 96,55% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, chưa đạt mục tiêu 100% theo đúng chỉ đạo của UBND TP.
Nhiều cơ sở giáo dục, đặc biệt là khối đại học, cao đẳng, trung cấp nghề có tỉ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT còn thấp so với tỉ lệ bình quân chung của cả thành phố. Nguyên nhân do một bộ phận học sinh, sinh viên và phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa của việc tham gia BHYT, nhất là các em sinh viên năm thứ hai trở lên.
Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục không thông báo số tiền đóng BHYT vào các khoản thu đầu năm học, chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho học sinh, sinh viên.
UBND TP.HCM yêu cầu Bảo hiểm xã hội thành phố chủ trì, phối hợp sở, ban ngành tăng tuyên truyền phổ biến Luật BHYT. Sở Giáo dục và đào tạo chủ động đưa số tiền BHYT vào khoản thu hằng năm tại các trường, đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.
TP.HCM thu hồi đất hoang làm trường học
Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch TP Phan Văn Mãi tại buổi làm việc, nghe báo cáo tiến độ và giải pháp thực hiện công trình 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo chủ tịch UBND TP.HCM, thực hiện 4.500 phòng học là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục của TP. Tuy nhiên kết quả thực hiện còn chậm, còn nhiều vướng mắc về cơ chế, quy hoạch đô thị, quỹ đất dành cho giáo dục, vốn đầu tư công.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn chỉnh đề án hoàn thành 4.500 phòng học trong tháng 10. Sở Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí vốn để tăng thêm phòng học, đề xuất các chính sách ưu đãi về đất, thuế, thủ tục hành chính để huy động xã hội hóa phát triển mạng lưới trường lớp.
Các sở ngành cũng cần nghiên cứu thêm biện pháp tạo quỹ đất cho giáo dục như di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bỏ hoang, bố trí quỹ đất tại khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học.
Các địa phương cũng ưu tiên dành quỹ đất công hiện có để xây dựng trường học, kể cả việc xin chủ trương hoán đổi, đấu giá quyền sử dụng đất sau khi đã tạo lại quỹ đất để xây dựng trường học.
Khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không tăng 300%
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong 9 tháng năm 2023, các cảng hàng không trên cả nước đón 89 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, sản lượng hành khách quốc tế tăng 266,8%, đạt 23,7 triệu lượt khách và khách nội địa giảm 3,6%, đạt 65,2 triệu khách.
Các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 44,1 triệu lượt khách, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng hành khách quốc tế tăng 300,2%, đạt 11,5 triệu lượt, còn khách nội địa giảm 3,6%, đạt 32,6 triệu lượt.
10 thị trường quốc tế có số khách vận chuyển nhiều nhất đến Việt Nam gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc), Úc và Ấn Độ.
Thêm 2 ca mắc đậu mùa khỉ sau đúng 1 năm
Hôm qua 25-9, Bộ Y tế xác nhận ghi nhận 2 ca mắc đậu mùa khỉ tại Bình Dương và Đồng Nai, đây là 2 ca bệnh ghi nhận sau đúng 1 năm (tháng 10-2022 Việt Nam đã điều trị cho 2 bệnh nhân đậu mùa khỉ, lây bệnh trong quá trình du lịch tại Dubai).
Trong 2 bệnh nhân mới có 1 người tạm trú tại TP.HCM, hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.HCM đã triển khai điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý, lập danh sách gồm 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân (trong đó có 1 người cư trú tại tỉnh Bình Dương đã có kết quả xét nghiệm dương tính với đậu mùa khỉ).
Như vậy, tính đến nay Việt Nam đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Những người tiếp xúc gần với ca bệnh đang cư trú tại thành phố đã được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày; hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ nhà trọ và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân. Hiện những người này sức khỏe ổn định, không có triệu chứng bất thường.
4 mặt hàng nông sản xuất khẩu trên 1 tỉ USD
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Việt Nam có 4 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 mặt hàng này đạt 11,89 tỉ USD và chiếm tới 88% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Trong đó, có 3 mặt hàng nông sản đạt trị giá xuất khẩu cao nhất trong 10 năm, bao gồm rau quả, cà phê và gạo, hạt điều. Cụ thể, rau quả đạt 3,49 tỉ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm trước và cao gấp 4,99 lần so với năm 2013 (đạt 0,7 tỉ USD).
Ngoài rau quả, tính đến hết tháng 8, xuất khẩu gạo cũng đã đạt 5,85 triệu tấn và 3,17 tỉ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 36,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, mặt hàng hạt điều đạt hơn 2,2 tỉ USD, cà phê đạt hơn 2,9 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận