TP.HCM họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cao tốc TP.HCM - Mộc Bài
Dự kiến tuần này lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ dự họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thẩm định dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vừa được TP.HCM đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án khoảng 20.889 tỉ đồng (9.932 tỉ đồng vốn nhà nước và 10.957 tỉ đồng vốn do nhà đầu tư BOT huy động).
Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 50km (đoạn trên địa bàn TP.HCM dài 23,7km, địa bàn tỉnh Tây Ninh dài 26,3km). Điểm đầu tại điểm giao với đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM và điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giúp kết nối vành đai 3 với đường vành đai 4. Khi hoàn thành sẽ giúp tăng cường kết nối vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông - Tây. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào năm 2024.
Cần hơn 7.100 tỉ để xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa lấy ý kiến thẩm định 6 bộ, ngành và UBND tỉnh Đồng Nai về việc nâng chi phí xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 từ khoảng 4.300 tỉ đồng lên khoảng 7.100 tỉ đồng theo đề xuất của Bộ Quốc phòng.
Trong đề xuất nâng, Bộ Quốc phòng cho biết dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa giai đoạn 1, được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), có vốn đầu tư ban đầu khoảng 4.310 tỉ đồng, gồm 183 triệu USD (khoảng 4.200 tỉ đồng) do USAID tài trợ, và nguồn vốn đối ứng trong nước khoảng 110 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2019-2025.
Việc nâng chi phí xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa lần này đã được USAID và Quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc phòng) nhất trí thông qua.
USAID đã có thư gửi Quân chủng Phòng không Không quân tăng tổng vốn đóng góp từ 183 triệu USD lên 300 triệu USD (tương đương khoảng 7.086 tỉ đồng).
Mục tiêu ban đầu của dự án là xử lý triệt để 150.000m3 đất/trầm tích nhiễm dioxin có nồng độ lớn hơn 1.200 ppt xuống dưới ngưỡng 100 ppt. Trong đó, cô lập, chôn lấp 150.000m3 đất/trầm tích bị ô nhiễm dioxin có nồng độ dưới 1.200 ppt; xử lý toàn bộ nước thải và nước mặt nhiễm dioxin vượt ngưỡng cho phép.
Việc điều chỉnh tăng chi phí thực hiện dự án, theo Bộ Quốc phòng, sẽ nâng mục tiêu xử lý đất/trầm tích nhiễm dioxin và kéo dài thời gian thực hiện dự án. Theo đó, dự án sẽ nâng mục tiêu xử lý lên mức khoảng 440.000m3 đất/trầm tích nhiễm chất độc da cam/dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa.
Trong đó, xử lý triệt để 160.000m3 đất/trầm tích bị nhiễm dioxin lớn hơn 1.200 ppt; cô lập, chôn lấp 280.000m3 đất/trầm tích bị ô nhiễm dioxin có nồng độ dưới 1.200 ppt; xử lý toàn bộ nước mặt, nước thải ô nhiễm dioxin vượt ngưỡng cho phép; đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực xử lý chất độc hại cho Việt Nam.
Giá trứng, giá tôm cùng giảm
Thông tin từ nhiều người nuôi phía Nam, giá trứng gà công nghiệp bán ra tại chuồng hiện từ 1.500 - 1.650 đồng/quả, chỉ bằng phân nửa so với mức giá cao năm ngoái.
Với giá thành sản xuất trứng đang ở mức cao với khoảng 1.700 - 1.800 đồng/quả, nhiều người nuôi đang bị thua lỗ kéo dài bởi giá trứng bán ra ở mức thấp trong nhiều tháng qua.
Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, ông Trương Chí Thiện - tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM), cho biết kênh tiêu thụ chế biến bánh, suất ăn công nghiệp, trường học... lâu nay chiếm lượng tiêu thụ lớn (khoảng 40%) nhưng gần đây số lượng đặt hàng đang giảm nhiều so với trước đó, trong khi nguồn cung trứng hiện còn tương đối dồi dào. Cung vượt cầu dẫn đến giá trứng bán ra ở mức thấp kéo dài.
Trong khi đó, ghi nhận tại nhiều tỉnh thành phía Nam và miền Trung, giá tôm được người nuôi bán ra hiện giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 2 tháng, và giảm 30-35% so với mức giá tốt của đầu năm.
Cụ thể, tôm sú loại 20-30 con/kg được thương lái mua với giá phổ biến 255.000 đồng/kg; tôm sú 60 con/kg giá 95.000 - 130.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg hiện có giá dao động 66.000 - 73.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 70-80 con/kg giá còn 76.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 50-60 con/kg giá 86.000 đồng/kg...
Với giá thành chăn nuôi tăng mạnh (do giá con giống, vật tư, thức ăn... neo cao), nhiều người nuôi cho biết đang có nguy cơ bị thua lỗ nặng nếu tôm nuôi không đạt năng suất.
Với diễn biến về giá như hiện nay, không ít hộ nuôi chỉ nuôi cầm chừng, đồng thời dự báo nhiều khả năng sẽ có một đợt treo ao trong thời gian tới nếu tình hình không cải thiện.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), nguyên nhân khiến giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng liên tục giảm trong thời gian qua là do xuất khẩu giảm mạnh, lượng hàng tồn kho lớn nhưng chưa có đơn hàng mới, công ty chế biến tôm xuất khẩu thu mua cầm chừng...
TP.HCM nhận 6.000 lọ thuốc điều trị bệnh tay chân miệng độ nặng
Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế mới đây đã cấp giấy chứng nhận xuất xưởng cho 6.000 lọ thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG) do một công ty dược nhập khẩu cho TP.HCM để điều trị bệnh tay chân miệng độ nặng, nguy kịch.
Các bệnh viện chuyên khoa nhi của thành phố đã tiếp cận được nguồn thuốc IVIG mới nhập khẩu này và khẩn trương thực hiện các thủ tục để mua thuốc, đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung ứng thuốc cho công tác điều trị bệnh tay chân miệng.
Thuốc IVIG được xem là một trong những thuốc điều trị hỗ trợ hiệu quả đối với những trường hợp mắc tay chân miệng nặng, giảm tỉ lệ chuyển độ cũng như giảm tỉ lệ biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng ở trẻ.
Tại Việt Nam, chế phẩm Immunoglobulin chưa được sản xuất trong nước mà phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài.
Tin tức COVID-19: Ca mắc mới giảm sâu, chỉ còn 1 ca nặng
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 ngày qua cả nước ghi nhận 780 ca mắc COVID-19. Đây là tuần có số ca mắc thấp nhất trong hơn 2 tháng qua.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận 11.620.047 ca COVID-19, trong đó 10.639.970 ca khỏi, 43.206 ca tử vong.
Trong tuần, ca COVID-19 nặng cũng giảm mạnh, hiện chỉ còn 1 trường hợp phải thở máy. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn mới về phòng chống dịch COVID-19, theo đó nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch trong bệnh viện, chú trọng vào phát hiện, cách ly sớm trường hợp nghi mắc và tăng cường tiêm vắc xin phòng bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận