Kiểm kê đất đai cả nước từ ngày 1-8-2024
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23-7-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai năm 2024.
Việc kiểm kê nhằm lượng hóa thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất đai; đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; làm cơ sở cho việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh và của các cấp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Nội dung kiểm kê đất đai năm 2024 bao gồm: diện tích các loại đất theo quy định và đối tượng đang quản lý, sử dụng đất quy định tại điều 6, điều 7 của Luật Đất đai năm 2024; tình hình quản lý, sử dụng đất sân golf; cảng hàng không, sân bay; khu vực sạt lở, bồi đắp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và các chuyên đề khác...
Việc kiểm kê đất đai năm 2024 phải đánh giá được thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất; tình hình biến động đất đai trong 5 năm qua của từng địa phương và cả nước, nhất là việc quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất; làm rõ nguyên nhân hạn chế, tồn tại; đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý, sử dụng đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Việc kiểm kê đất đai trên phạm vi cả nước từ ngày 1-8-2024. Tổng kết, công bố kết quả kiểm kê đất đai năm 2024 hoàn thành trước 30-9-2025.
FLC bị cưỡng chế hơn 822 tỉ đồng tiền thuế
Tập đoàn FLC vừa công bố thông tin về việc nhận được quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn từ Cục Thuế TP Hà Nội.
Theo thông báo từ cơ quan thuế, FLC đã không chấp hành nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo các thông báo nợ thuế của Cục Thuế Hà Nội, Chi cục Thuế TP Hạ Long, Chi cục Thuế TP Sầm Sơn - Quảng Xương, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình.
Số tiền bị cưỡng chế gần 822 tỉ đồng. Nếu FLC sử dụng hóa đơn kể từ ngày 16-7-2024 thì được coi là sử dụng hóa đơn không hợp pháp, trừ trường hợp doanh nghiệp nộp thuế sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh, thông báo từ cơ quan thuế cho hay.
Mới đây, Cục Thuế Hà Nội cũng đã cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với FLCHomes, để thi hành thông báo tiền thuế nợ của Chi cục Thuế quận Long Biên do doanh nghiệp này có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế là hơn 97,2 tỉ đồng.
Lộ diện 20 cổ đông nắm 81% vốn của OCB
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Theo danh sách này, OCB có 20 cổ đông nắm 1,66 tỉ cổ phiếu OCB, tương ứng gần 18% vốn điều lệ của ngân hàng.
OCB có tất cả 3 cổ đông ngoại là Aozora Bank (15%), Portal Global Limited (3,02%) và Pyn Elite Fund (2,4%). Trong đó, Aozora Bank là cổ đông tổ chức chiến lược nắm giữ nhiều cổ phiếu OCB nhất, đạt 308,2 triệu.
Với nhóm nhà đầu tư cá nhân, ông Trịnh Văn Tuấn - chủ tịch OCB - cùng người có liên quan, nắm giữ tổng cộng 19,9% vốn điều lệ.
Về phía nhà đầu tư tổ chức trong nước, báo cáo cho biết ngoài Văn phòng Thành ủy nắm 3,65% vốn, còn có một số doanh nghiệp khác gồm: Tổng công ty Bến Thành - TNHH MTV (4,96%), Công ty cổ phần đầu tư Bình An House (4,7%), Công ty cổ phần Greenwave Capital (4,4%), Công ty cổ phần đầu tư HVR (hơn 3,85%), Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tây Ninh (3,24%)…
Theo quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1-7 vừa qua, các ngân hàng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ.
Nhân viên y tế tuyến công lập TP.HCM phải luân chuyển tuyến dưới từ 2-12 tháng
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với nhân viên y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn TP năm 2024. Theo đó, các đơn vị tuyến TP, tuyến huyện sẽ cử nhân viên y tế luân phiên xuống tuyến dưới đảm bảo chỉ tiêu về số lượng nhân viên y tế và chất lượng chuyển giao.
Điều này nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, phòng bệnh, tăng cường sự tiếp cận của người dân với dịch vụ y tế, góp phần giảm tải cho các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến TP.
Theo kế hoạch, nhân viên y tế thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn tại tuyến dưới với thời gian tối thiểu là 2 tháng, tối đa là 12 tháng. Nhân viên y tế có thể được cử đi luân phiên có thời hạn theo nhiều đợt, ở nhiều nơi theo yêu cầu của tuyến dưới.
Các trường hợp nhân viên y tế được miễn chế độ luân phiên gồm: phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nhân viên y tế đã có thời gian công tác ở vùng sâu, vùng xa, nhân viên y tế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (là con độc nhất trong gia đình có bố, mẹ già), người trực tiếp chăm sóc bố, mẹ già, nhân viên y tế là nam quá 55 tuổi, nữ quá 50 tuổi…
Sử dụng đồ uống có đường tăng nhanh ở Việt Nam
Thông tin được đưa ra tại hội thảo "Cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại đặc biệt là chính sách thuế", do Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) tổ chức ngày 24-7.
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai - phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), tiêu thụ đồ uống có đường bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 là 35,31 lít/người, năm 2016 tăng lên 46,59 lít và năm 2020 tăng lên tới 52,09 lít.
Năm 2013, tỉ lệ học sinh Việt Nam từ 13 - 17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên ít nhất 1 lần/ngày là 31,1%. Tỉ lệ này tăng lên 33,9% vào năm 2019. Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày.
Theo bà Trương Tuyết Mai, tiêu thụ đường là nguyên nhân chính làm tăng tỉ lệ béo phì trên toàn cầu và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống. Ngoài ra, sử dụng thường xuyên đồ uống có đường cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa như bệnh đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, tăng huyết áp…
TS Hoàng Thị Mỹ Hạnh (Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế) cho biết Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị để có thể giảm mức tiêu thụ đường trong đồ uống có đường và chặn đứng mức gia tăng đại dịch béo phì và đái tháo đường, các quốc gia cần thực hiện kết hợp 3 nhóm giải pháp gồm: áp thuế với đồ uống có đường; hạn chế quảng cáo đồ uống có đường đối với trẻ em; giáo dục, truyền thông trang bị kiến thức, kỹ năng.
Bà Hạnh nêu khuyến nghị Việt Nam cần luật hóa áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và có lộ trình với các chính sách khác, nhằm tạo môi trường thuận lợi giảm tiêu dùng đồ uống có đường ở trẻ em và ở các khu vực/vùng miền có mức tiêu thụ cao…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận