Thông tin tích hợp trong VNeID sẽ được sử dụng làm thủ tục hành chính
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công an phối hợp bộ ngành, địa phương tích hợp, xác thực, hiển thị các thông tin, giấy tờ cá nhân trên ứng dụng VNeID. Dữ liệu tích hợp này sẽ từng bước thay thế yêu cầu cung cấp các giấy tờ cá nhân trong các giao dịch, thủ tục hành chính.
Đồng thời tiếp tục hoàn thiện ứng dụng VNeID, đa dạng hóa các tiện ích và truyền thông để người dân thuận tiện tham gia sử dụng.
Bộ Công an rà soát, đánh giá việc triển khai phần mềm dịch vụ công liên thông, khắc phục các tồn tại, bảo đảm kết nối thông suốt, cập nhật, đồng bộ trạng thái hồ sơ với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương, hoàn thành trước ngày 30-6.
Hướng dẫn các bộ ngành, địa phương khai thác, trích xuất dữ liệu công dân do cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chia sẻ với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, bảo đảm đúng thẩm quyền, phạm vi khai thác dữ liệu và tuân thủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ông Hà cũng yêu cầu thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng chậm hoặc để quá hạn giải quyết hồ sơ; rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, hoàn thành trong tháng 6-2023.
Sửa Luật Đất đai 2013: Rà soát 88 luật, bộ luật chứa quy phạm pháp luật về đất đai
Ngày 22-6, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến, đơn vị này đã rà soát 88 luật, bộ luật có chứa quy phạm pháp luật về đất đai, trong đó đã chỉ ra 22 luật, bộ luật có nội dung chưa thống nhất với Luật Đất đai 2013.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức làm việc với các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là các bộ có luật còn nhiều nội dung vướng mắc, chưa thống nhất với các quy định của Luật Đất đai 2013, để thống nhất nội dung sửa đổi, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Nhà mạng bắt tay ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính số
Tập đoàn VNPT vừa hợp tác với Ngân hàng PVcomBank triển khai cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính số cho khách hàng tổ chức trên oneSME, một nền tảng thương mại điện tử hỗ trợ toàn diện chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được xây dựng và vận hành bởi VNPT.
Theo đó, hai bên sẽ kết nối nền tảng oneSME của VNPT với hệ thống của PVcomBank để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính số tới nhóm khách hàng tổ chức, mở đầu là giải pháp mở tài khoản cho khách hàng doanh nghiệp bằng eKYC (định danh điện tử).
Cảnh báo chiêu thức giả mạo ngân hàng lừa quét mã QR
Theo cảnh báo mới của VPBank, thay vì gửi link như trước (dễ nhận diện giả mạo hơn), thì hiện hình thức lừa đảo mới là người dùng nhận được mã QR code gửi qua mạng xã hội (Zalo, Facebookk, Viber...). Ngân hàng khuyến cáo để tránh bị "dính bẫy", cần nhận biết phương thức lừa đảo như sau:
- Đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi điện từ số máy bàn có dãy số gần giống với số tổng đài của ngân hàng mời chào khách hàng nâng hạn mức thẻ tín dụng/rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc một số dịch vụ tài chính khác.
- Tiếp đến, kẻ gian sẽ gửi và yêu cầu khách hàng quét mã QR Code.
- Sau khi khách hàng quét mã QR kẻ gian gửi tới, khách hàng sẽ được chuyển đến đường link website giả mạo, ở đó yêu cầu nhập các thông tin: họ tên, chứng minh nhân dân, ảnh chứng minh nhân dân/căn cước, số thẻ, mã bí mật CVV, ngày hết hạn thẻ và OTP gửi về số điện thoại khách hàng, thông tin đăng nhập user và password tài khoản ngân hàng…
Ngay sau khi khách hàng cung cấp thông tin, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm được quyền sử dụng tài khoản Internet banking hoặc thẻ tín dụng và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền.
Đang trống quy định về đào tạo cho lương y
Theo ông Đậu Xuân Cảnh - chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, hiện Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp đều không có quy định về dạy nghề cho lương y, tuy nhiên Luật Khám chữa bệnh lại yêu cầu lương y có giấy phép mới hành nghề, vì vậy đang trống mảng đào tạo cho lương y.
Ông Cảnh cho biết cả nước có khoảng 70.000 lương y là hội viên Hội Đông y Việt Nam, mới có 20% trong số này được cấp chứng chỉ hành nghề. Kể từ năm 2004 đến nay, do vướng các quy định nên chưa cấp được thêm chứng chỉ cho lương y nào.
Hội Đông y Việt Nam cũng vừa có đề nghị gửi Thủ tướng, đề nghị giao hội này chủ trì tổ chức đào tạo chuyên môn theo phương pháp truyền nghề, sau đó cấp có thẩm quyền sẽ tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ theo luật. Ông Cảnh cho biết chương trình học sẽ kéo dài 5 năm với 150 tín chỉ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận