Sáng nay, xét xử phúc thẩm cựu chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn
TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "đưa hối lộ", "nhận hối lộ", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.
Trong số các bị cáo kháng cáo có Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu chủ tịch Công ty Tiến bộ Quốc tế - AIC). Bị cáo Nhàn bị TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm và xử phạt 16 năm tù về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và 14 năm tù về tội "đưa hối lộ". Tổng hợp hình phạt, bị cáo Nhàn phải chấp hành mức án chung cho 2 tội là 30 năm tù.
Hiện Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang bỏ trốn. Ngày 10-5-2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế.
Ngoài Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 7 bị cáo khác cũng bỏ trốn. Luật sư của những người này kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình hoặc đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm.
Kiến nghị sớm phát triển điện mặt trời mái nhà
Tin tức từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, kiến nghị bộ sớm ban hành hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát điện lên lưới.
Theo đó, phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ của khách hàng sử dụng điện (không phát điện lên lưới) được EVN đánh giá là một trong những giải pháp cần thiết để tháo gỡ khó khăn trong việc cung ứng điện năm 2023 và các năm tiếp theo, đồng thời phù hợp với Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt.
Quy hoạch điện VIII nêu rõ cần ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Trước đó, EVN đã có các văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương các giải pháp đảm bảo cung cấp điện, trong đó đề xuất phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc với mục đích tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ (không phát điện lên lưới) của khách hàng dùng điện.
Theo các chuyên gia, các tỉnh miền Bắc còn nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà, với cường độ bức xạ trung bình ngày trong năm khu vực miền Bắc khoảng 4 kWh/m2/ngày, số giờ nắng trong năm khoảng 1.500 - 1.700 giờ.
Giá thức ăn chăn nuôi giảm thêm
Tin tức cho biết ngày 20-5, trong văn bản gửi đến khách hàng, Công ty Kyodo Sojitz (Long An) từ ngày 22-5 sẽ giảm 200-400 đồng/kg thức ăn chăn nuôi (áp dụng cho đại lý, trại chăn nuôi).
Tương tự, sau khi giảm 200-400 đồng/kg thức ăn chăn nuôi vào các tháng trước, đại diện nhiều doanh nghiệp như C.P, Japfa, Á Châu... cho biết sẽ sớm áp dụng giảm giá thêm cho mặt hàng này.
Theo nhiều người chăn nuôi, với các ưu đãi trước đó và thêm mức giảm đợt này, giá thức ăn chăn nuôi được doanh nghiệp bán ra xuống còn bình quân 12.000 đồng/kg (thức ăn cho gia súc, gia cầm).
Mức giá này vẫn còn cao hơn 3.500 đồng/kg so với các năm trước, nhưng đã giảm khoảng 500-900 đồng/kg so với mức đỉnh năm 2022.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-5, đại diện Công ty Japfa Việt Nam cho biết phần lớn nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang được nhập khẩu, nhưng thời gian qua giá nguyên liệu có xu hướng giảm dần, kéo giá thức ăn chăn nuôi giảm.
"Nguyên liệu chính là bã đậu nành, bắp... đang có nguồn cung tương đối dồi dào tại nhiều quốc gia, thêm chi phí vận chuyển đã giảm so với các tháng trước. Do đó, giá thức ăn chăn nuôi khả năng còn giảm thêm", vị này nhận định.
Hoa Đà Lạt xuất khẩu 10%, 90% bán trong nước
Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng tính đến cuối tháng 4-2023, ngành hoa Đà Lạt đã sản xuất được 1,6 tỉ cành hoa, xuất khẩu đạt khoảng 160 triệu cành, so với trên 150 triệu cành cùng kỳ năm trước.
Ngoài tiêu thụ trong nước gần 90%, hơn 10% sản lượng được xuất khẩu sang Nhật Bản, Úc, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Hà Lan, Singapore, thậm chí cả Pakistan, Nga…
Tỉ lệ hoa xuất khẩu gồm: cây giống 61,7%; cúc 24,9%, cẩm chướng 4%, hồng 2,4%, cát tường 1,2%...
Ông Hoàng Trọng Hiền, giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho rằng việc duy trì xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay rất khó khăn, hầu như tất cả các quốc gia đều cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là ngành hoa.
Ngành hoa Đà Lạt, tính đến giữa năm 2023, vẫn duy trì được sản lượng xuất khẩu là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong việc bám trụ thị trường. Dự kiến hết năm 2023, ngành hoa Đà Lạt đạt mục tiêu thu về khoảng 90 triệu USD.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã quy hoạch 3 vùng sản xuất hoa công nghệ cao hơn 388ha tại TP Đà Lạt và huyện Đức Trọng. Vùng hoa này sẽ trở thành vùng hoa xuất khẩu chủ lực.
Một số tin tức đáng chú ý tuần tới
- 22 đến 23-5: Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Cộng hòa Slovenia thăm chính thức Việt Nam
- 22-5: Khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
- 23-5: Hội thảo về phòng, chống tác hại của thuốc lá và các sản phẩm có hại cho sức khỏe
- 25-5: Hội thảo khoa học "Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận