Lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm 200.000 - 280.000 đồng/tháng từ 1-7
Theo dự thảo nghị định của Chính phủ về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, từ 1-7 lương tối thiểu vùng sẽ tăng lên mức:
- Vùng 1: 4.960.000 đồng/tháng (theo giờ tối thiểu 23.800 đồng/giờ)
- Vùng 2: 4.410.000 đồng/tháng (theo giờ tối thiểu 21.200 đồng/giờ)
- Vùng 3: 3.860.000 đồng/tháng (theo giờ tối thiểu 18.600 đồng/giờ)
- Vùng 4: 3.450.000 đồng/tháng (theo giờ tối thiểu 16.600 đồng/giờ)
Mức điều chỉnh này tăng khoảng 6%, tương đương tăng 200.000 - 280.000 đồng/tháng so với hiện hành. 100% thành viên Hội đồng Lương quốc gia thống nhất khuyến nghị Chính phủ điều chỉnh theo mức này.
Dự thảo tờ trình của Chính phủ về nâng lương tối thiểu vùng cũng cho biết từ 1-7 thực hiện chính sách cải cách tiền lương, tiền lương khu vực công sẽ tăng, do đó cần thiết điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng với người làm việc theo hợp đồng lao động.
Còn 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện
Ông Nguyễn Hữu Lân, giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết số bệnh nhân lao được phát hiện hằng năm tại nước ta mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính, tức có hơn 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.
Thông tin này được đưa ra tại buổi họp truyền thông Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3-2024, được Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tổ chức vào ngày 22-3 tại TP.HCM.
Theo ông Lân, số người mắc bệnh lao chưa được phát hiện này sẽ lây cho cộng đồng, đặc biệt là những người thân trong gia đình. Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể trong việc phòng chống lao, với ước tính khoảng 75 triệu sinh mạng đã được cứu kể từ năm 2000, bệnh lao vẫn tiếp tục gây ra khoảng 1,3 triệu ca tử vong hằng năm và ảnh hưởng đến hàng triệu người khác trên toàn thế giới.
Đến hết năm 2023, Việt Nam xếp thứ 11/30 nước có số người bệnh lao cao nhất thế giới, xếp thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ước tính năm 2023 cả nước có thêm 172.000 người mắc bệnh lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao.
Hơn nữa, trên phạm vi toàn cầu, bệnh lao đa kháng thuốc đang là mối lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe cộng đồng, với chỉ khoảng 2/5 số bệnh nhân được tiếp cận điều trị vào năm 2022.
Nông dân Tây Nguyên rầu vì điều mất mùa, giá giảm
Mùa điều 2024 nhiều nông dân trồng điều Tây Nguyên không mấy vui vẻ khi giá hạt điều hạ thấp và năng suất giảm sút do mất mùa. Nhận thấy vụ thu hoạch không khả quan, nhiều hộ trồng điều tự thu hái thay vì thuê người làm như các năm.
Ghi nhận tại huyện Đức Cơ, Gia Lai, nhiều vườn điều đang vào mùa thu hoạch nhưng năng suất khá thấp. Đây là địa phương trồng điều lớn nhất tỉnh này với hơn 14.000ha.
Loay hoay hái điều trong vườn, ông Nguyễn Ngọc Thế cho hay vườn điều hơn 1,6ha vụ này thu hoạch chỉ khoảng 30% so với năm trước. Người nông dân này vẫn hy vọng thời gian tới giá điều sẽ tăng lên để bù đắp chút chi phí phân thuốc.
Theo bà con, năm nay thời tiết khắc nghiệt, cây điều không đậu quả như mong muốn. Ông Puih Luyet, trú huyện Ia Grai, bảo rằng năm nay bông rụng nhiều, tỉ lệ đậu quả thấp nên cả vườn điều chỉ thu được khoảng 5-6 tấn hạt, bằng 50% so với vụ trước.
Với giá thu mua hạt điều hiện ở mức 21.000 - 22.000 đồng/kg và năng suất giảm thấp, người trồng không bù đắp được chi phí phân thuốc và nhân công. Không chỉ nông dân thất thu, thương lái cũng thất bát vì nguồn cung giảm mạnh và chất lượng hạt không đảm bảo như kích thước nhỏ, nhân lép nhiều.
Tại huyện Ia Grai, cơ quan chức năng cho biết diện tích trồng điều khoảng 6.000ha, dù đa số nhà vườn mất mùa nhưng một số nhà vườn trồng bằng giống cao sản vẫn có sản lượng ổn định. Các vườn điều giảm năng suất nhiều nhất với vùng trồng lâu năm, giống cũ của đồng bào dân tộc thiểu số.
Học trò làm đêm nhạc tri ân kỷ niệm 20 năm ngày PGS Tôn Thất Bách qua đời
Kỷ niệm 20 năm ngày PGS-VS Tôn Thất Bách - nguyên giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nguyên hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội - qua đời, đêm qua 22-3, học trò các thế hệ, Đoàn thanh niên Trường đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức đêm nhạc "Thầy tôi" tri ân thầy Tôn Thất Bách và các thầy cô y khoa.
PGS Tôn Thất Bách (1946-2004) là phẫu thuật viên tim mạch, nổi danh không chỉ vì là con trai của bác sĩ - bậc danh y Tôn Thất Tùng, mà ông còn là người nối nghiệp bác sĩ Tùng theo cách xuất sắc và nhân văn, là nhà giáo tâm huyết, là người thầy có sức ảnh hưởng lớn đối với nhiều thế hệ bác sĩ và sinh viên y khoa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận