Gói tín dụng 120.000 tỉ, sau 1 năm mới cho vay 640 tỉ
Trong báo cáo vừa gửi đến Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết đến nay đã có 3 ngân hàng cho các chủ đầu tư vay vốn làm nhà ở xã hội theo chương trình vay ưu đãi 120.000 tỉ đồng.
Trước đó, theo nghị quyết 33 ngày 11-3-2023 của Chính phủ, các ngân hàng thương mại nhà nước Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank sẽ tham gia chương trình vay ưu đãi 120.000 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi vay trung bình liên ngân hàng.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại mới có 3 ngân hàng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay vốn, với số tiền đã giải ngân cho các dự án nhà ở xã hội tại 7 tỉnh, thành phố khoảng 640 tỉ đồng, chưa đến 1% của gói.
Trong khi đó nhu cầu vay vốn của các chủ đầu tư nhà ở xã hội rất lớn. Bộ Xây dựng cho biết hiện có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỉ đồng.
Nguồn tiền mặt cạn kiệt, đại gia bất động sản chậm trả nợ trái phiếu
Trong báo cáo vừa công bố về trái phiếu doanh nghiệp, Visrating cho biết tỉ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường cuối tháng 4-2024 ở mức 15%, không thay đổi so với tháng trước đó. Hơn một nửa lượng trái phiếu chậm trả gốc/lãi đến từ nhóm ngành bất động sản dân cư, với tỉ lệ chậm trả gốc lãi của ngành này là 30%.
Cũng theo báo cáo, trong tháng 5-2024, 28 mã trái phiếu thuộc 24 tổ chức phát hành trị giá 15.000 tỉ đồng sẽ đáo hạn. Trong đó, Visrating ước tính khoảng 4.700 tỉ đồng, tương đương 30% có nguy cơ chậm trả nợ đến hạn trong tháng 5-2024.
Trong số trái phiếu có rủi ro cao nêu trên, có khoảng 4.000 tỉ đồng do CTCP đầu tư xây dựng Trung Nam, CTCP dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn và CTCP đầu tư Ngôi Sao Gia Định phát hành đã chậm trả lãi trong năm 2023.
Visrating đánh giá các tổ chức phát hành này có khả năng cao sẽ chậm trả nợ gốc đến hạn do dòng tiền yếu và nguồn tiền mặt cạn kiệt. 700 tỉ đồng trái phiếu còn lại có rủi ro cao chậm trả lần đầu hầu hết của các tổ chức phát hành nhóm ngành bất động sản dân cư.
Báo cáo cũng lưu ý rằng các tổ chức phát hành này có biên lợi nhuận EBITDA (lợi nhuận trước lãi suất) trung bình trong 3 năm qua thấp hơn 10% hoặc thậm chí bị âm và nguồn tiền để trả nợ đến hạn ở mức cạn kiệt.
Trong 12 tháng tới, khoảng 19% lượng trái phiếu đang lưu hành với tổng trị giá là 221.000 tỉ đồng sẽ đáo hạn. Visrating ước tính 10% trong số này có rủi ro chậm trả lần đầu cao, tập trung chính ở các ngành bất động sản dân cư.
Giá muối chỉ còn 900 - 1.200 đồng/kg
Thông tin từ nhiều diêm dân (người làm muối) tại huyện Cần Giờ, TP.HCM, hiện giá muối cuối vụ bán ra khoảng 900 - 1.200 đồng/kg tùy loại, giảm khoảng 1.500 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm giá tốt của niên vụ 2022 - 2023.
Ông Hồ Ngọc Thiện - trưởng Phòng kinh tế huyện Cần Giờ - cho biết giá muối giảm có thể do sản lượng tăng mạnh vì mùa nắng kéo dài, ít bị mưa trái mùa. Ngoài ra, giá muối nhập khẩu giảm so với năm ngoái cũng kéo giá muối sản xuất tại địa phương giảm theo.
Cụ thể, với diện tích sản xuất khoảng 1.500ha, sản lượng muối niên vụ 2023 - 2024 của Cần Giờ ước đạt trên dưới 120.000 tấn, tăng 35.000 tấn so với niên vụ trước. Hiện nhiều người sản xuất muối cho biết đang chọn trữ hàng để chờ giá lên.
Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế kêu gọi hiến tạng cứu người
Ngày 19-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và các đại biểu đã đăng ký hiến tặng mô, tạng, đồng thời kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành tình nguyện đăng ký hiến tạng cứu người.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sau đó cũng có thư gửi cán bộ ngành y tế kêu gọi đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời.
"Chúng ta hãy cùng nhau chung tay hồi sinh những mảnh đời đang mòn mỏi từng ngày chờ được ghép mô, tạng. Chúng ta hãy lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của việc đăng ký hiến mô, tạng tới mọi người trong cộng đồng.
Tôi tin tưởng rằng mọi nỗ lực, lòng nhân ái và tâm huyết của mỗi cán bộ y tế là một phần quan trọng góp phần xây dựng nền y học Việt Nam và tô đậm thêm truyền thống 'tương thân tương ái' của dân tộc", Bộ trưởng Bộ Y tế viết.
Để đăng ký hiến mô, tạng, người dân có thể điền thông tin vào rồi gửi Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (địa chỉ: phòng 230, nhà C2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 40 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hoặc trực tiếp đăng ký tại phòng 230, nhà C2, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) hoặc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Bên cạnh đó, khi có người thân qua đời, chết não, gia đình có nguyện vọng hiến tặng mô tạng của người đó, có thể liên hệ đường dây nóng 0915060550 của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia.
TP.HCM sẽ phân loại rác thành 3 loại từ cuối năm nay
Hiện nay công tác phân loại rác tại nguồn ở TP đang được triển khai thực hiện theo quyết định số 09 UBND TP.HCM ban hành năm 2021. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt được phân làm 2 nhóm: nhóm chất thải có thể tái chế, và nhóm chất thải còn lại.
Tuy nhiên theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành 3 nhóm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Luật này quy định thời hạn chậm nhất các tỉnh, thành phố phải chuyển đổi là 31-12-2024.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết sẽ phối hợp các quận, huyện xây dựng đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trình UBND TP.HCM ban hành làm cơ sở. Từ đó hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân thực hiện, bắt đầu từ ngày 31-12-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận