TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế sớm phân bổ vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng
Tin tức từ UBND TP.HCM ngày 19-10 cho biết đã có văn bản gửi Bộ Y tế về việc cung ứng vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP.
Theo đó, tháng 8-2023, TP nhận được 12.400 liều vắc xin 5 trong 1 do Bộ Y tế phân bổ. Đến ngày 10-10, số vắc xin này chỉ còn 3.000 liều, dự kiến sẽ hết trong 2 tuần tới.
Ngoài ra, các vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ còn số lượng rất hạn chế như: vắc xin ngừa sởi - rubella còn 2.300 liều, vắc xin ngừa sởi còn 660 liều, vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B còn 89 liều… Số lượng vắc xin này cũng chỉ đủ dùng trong 2 tuần.
Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ, chỉ đạo chương trình tiêm chủng quốc gia phân bổ vắc xin theo số lượng đã dự trù trong thời gian sớm nhất.
Trước đó vào năm 2022, chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM đã bị gián đoạn cung ứng một số vắc xin trong một khoảng thời gian nhất định, trong đó có vắc xin sởi, bạch hầu - ho gà - uốn ván và vắc xin 5 trong 1.
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 500 tỉ USD
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, đến trung tuần tháng 10, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt xấp xỉ 523 tỉ USD.
Cụ thể, từ ngày 1 đến 15-10, xuất khẩu cả nước đạt 14,2 tỉ USD. Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có 4 nhóm đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trong nửa đầu tháng 10.
Dẫn đầu là điện thoại và linh kiện với 2,55 tỉ USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến 15-10 lên 41,47 tỉ USD. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may...
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-10, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 272,74 tỉ USD, giảm hơn 24 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Về các mặt hàng, đáng chú ý, nửa đầu tháng 10 xuất khẩu rau quả thu về 349,52 triệu USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến 15-10 lên con số 4,56 tỉ USD, tăng trưởng tới 75,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm gần 2 tỉ USD.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 10 đạt 12,84 tỉ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch từ đầu năm đến 15-10 lên 250,2 tỉ USD, giảm gần 40 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 10 đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước từ đầu năm đến 15-10 đạt gần 523 tỉ USD, cán cân thương mại đạt thặng dư 22,54 tỉ USD.
Đồng bằng sông Cửu Long nguy cơ bị xâm nhập mặn từ tháng 12
Các chuyên gia khí tượng dự báo trong các tháng mùa khô 2023 - 2024, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.
Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khả năng đến sớm hơn một tháng (bắt đầu vào giữa hoặc cuối tháng 12) và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.
Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam Trần Bá Hoằng dự báo có 43.300ha cây ăn trái ở một số tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng; 66.000ha thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng sẽ thiếu nước ngọt, trong khi khoảng 38.000ha lúa tôm ở Kiên Giang, Cà Mau khả năng bị thiếu nước.
Chuyên gia khuyến cáo các địa phương cần lưu ý tích nước từ đầu mùa khô để sử dụng trong suốt mùa khô. Vụ đông xuân 2023 - 2024 cần xuống giống sớm, hết năm 2023 phải cơ bản xong; sử dụng các giống lúa ngắn ngày. Khu vực bán đảo Cà Mau cần thực hiện đắp đập tạm, nạo vét kênh mương trước khi mùa mưa kết thúc...
TP.HCM phạt 135 trường hợp gây ồn
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, năm 2022 có hơn 8.600 trường hợp gây ồn bị phản ảnh. Có 8.500 trường hợp được nhắc nhở và 135 trường hợp bị xử phạt với số tiền hơn 420 triệu đồng.
Từ cuối năm ngoái đến tháng 8 năm nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa xã hội (karaoke, quán bar, vũ trường…) và xử phạt hành chính gần 1,6 tỉ đồng, trong đó có nhiều lỗi vi phạm về tiếng ồn.
TP.HCM cũng công khai hai kênh để người dân phản ảnh khi có tiếng ồn vượt mức cho phép là Tổng đài 1022 và đường dây nóng về ô nhiễm môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường 028.38.290.568. Bên cạnh đó người dân có thể gọi qua đường dây nóng, các ứng dụng kết nối của quận, huyện, phường, xã, thị trấn nơi mình đang ở.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Cổng thông tin 1022 đã tiếp nhận hơn 11.000 phản ánh về tiếng ồn.
Bộ Y tế đề nghị làm rõ vụ 5 người nghi ngộ độc sau khi ăn lẩu
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngày 19-10 đã có văn bản gửi Sở Y tế Bắc Kạn về việc điều tra vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Theo tin báo cáo, sau khi ăn lẩu tại một quán ăn trên vỉa hè thuộc phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, 5 người có dấu hiệu hoa mắt, sắc mặt tái, khô miệng, nôn, trong đó một người bị lả đi tại chỗ.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân trên. Trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với tuyến trên là Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).
Cục này cũng yêu cầu Sở Y tế Bắc Kạn tạm thời đình chỉ quán lẩu nêu trên, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định.
Ngành y tế địa phương lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm chuyển về Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận