Kiến nghị sớm nâng mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân
Liên quan đề xuất của cử tri TP.HCM về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh trong văn bản góp ý sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cho biết đang rà soát, đánh giá Luật Thuế thu nhập cá nhân để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Trong văn bản vừa trình Quốc hội về việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, cử tri TP.HCM đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh, với lý do mức giảm trừ đã quá lạc hậu so với thực tiễn đời sống và mức độ phát triển của xã hội. Ngoài ra, các cử tri cũng đề xuất giảm bậc tính thuế thu nhập cá nhân từ 7 xuống 5 bậc.
Trước đó, nghị quyết kỳ họp Quốc hội vừa được ban hành cuối tháng 6 cũng yêu cầu Chính phủ nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, cho rằng cần sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh chứ không đợi đến khi sửa luật bởi mức giảm trừ đang quá thấp. Trong đó, mức với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng) không đủ chi phí tối thiểu gồm: học hành, ăn ở, đi lại cho một đứa trẻ ở TP.
Mức giảm trừ 11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế cũng không phù hợp khi mặt bằng giá tăng cao, chưa kể bậc thuế quá dày là gánh nặng cho người nộp thuế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ chủ trì họp về điều hành xuất khẩu gạo
Theo kế hoạch dự kiến ngày 4-8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ chủ trì cuộc họp về điều hành xuất khẩu gạo tại Cần Thơ.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động của nhiều yếu tố. Trong đó, Bộ Công Thương đánh giá các vấn đề sẽ có ảnh hưởng đến thương mại lương thực như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước như Ấn Độ, UAE, Nga; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực; diễn biến địa chính trị còn tiếp diễn, như việc Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen…
Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đề nghị sớm có báo cáo về tình hình thóc, gạo tồn kho, ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; thực hiện nghiêm quy định của nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo, thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, đảm bảo cân đối xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước.
Các đơn vị cũng được yêu cầu theo dõi sát diễn biến thị trường thương mại gạo toàn cầu, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo, đề xuất giải pháp phù hợp.
Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn heo nhập lậu
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện yêu cầu triển khai các biện pháp ngăn chặn heo nhập lậu vào Việt Nam.
Theo công điện, vừa qua một số cơ quan truyền thông phản ánh có tình trạng buôn bán, vận chuyển heo trái phép vào Việt Nam, nhất là từ Campuchia, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, gia tăng nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh trên đàn heo trong nước; không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm...
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam, tăng cường kiểm tra, kiểm soát... để ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép heo vào Việt Nam.
Khi phát hiện trường hợp nhập khẩu heo bất hợp pháp, phải tái xuất hoặc tiêu hủy ngay và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.
Thủ tướng cũng yêu cầu nhiều bộ ngành... tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ hành vi vận chuyển, buôn bán heo nhập lậu...
Tai nạn giao thông tăng đột biến, làm 563 người chết trong một tháng
Theo tin tức từ Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 1 tháng qua (tính từ ngày 15-6-2023 đến ngày 14-7-2023), toàn quốc xảy ra 958 vụ tai nạn giao thông, làm chết 563 người và làm bị thương 646 người. So với tháng cùng kỳ năm 2022 tăng 103 vụ, tăng 73 người chết và 71 người bị thương.
Trong đó, đường bộ xảy ra 952 vụ, làm chết 558 người, bị thương 646 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 118 vụ, tăng 83 người chết và tăng 75 người bị thương.
Tính chung 7 tháng năm 2023 (từ ngày 15-12-2022 đến 14-7-2023), toàn quốc xảy ra 5.928 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.428 người, bị thương 4.117 người. Trong số này, đường bộ xảy ra 5.858 vụ, làm chết 3.379 người, bị thương 4.104 người.
Về hàng không, theo số liệu thống kê, 7 tháng qua xảy ra 1 vụ tai nạn, 53 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (trong đó 9 sự cố do con người)...
Đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận cấm xe tải nặng
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết sẽ cấm xe tải nặng trên đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận) để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường này.
Cụ thể, đường Thích Quảng Đức (đoạn từ đường Phan Đăng Lưu đến đường Nguyễn Kiệm) cấm toàn bộ xe tải có khối lượng chở lớn hơn 2,5 tấn. Thời gian cấm kể từ ngày 5-8.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đề nghị Công an TP.HCM, UBND quận Phú Nhuận chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý tài xế đi vào đường cấm, giờ cấm, dừng đỗ xe sai quy định khiến nguy cơ tai nạn giao thông gia tăng.
TP.HCM xóa 3 điểm đen tai nạn giao thông, xuất hiện 3 điểm đen mới
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa công bố đã xóa dứt 3 điểm đen tai nạn giao thông trên địa bàn TP. Cụ thể gồm nút giao thông An Sương (quận 12, huyện Hóc Môn), đường Ba Tháng Hai (đoạn từ đường Lê Đại Hành đến đường Tạ Uyên, quận 11), giao lộ Thoại Ngọc Hầu - Lũy Bán Bích (quận Tân Phú).
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM lại phát sinh 3 điểm đen mới, gồm đường Kinh Dương Vương (đoạn từ số nhà 466 đến 486, thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân), giao lộ Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), trước số nhà 834 Lê Đức Thọ (phường 15, quận Gò Vấp). Đây đều là những điểm luôn đông đúc xe cộ, giao thông phức tạp.
Sở đã có văn bản đề nghị Ban An toàn giao thông TP.HCM, Công an TP.HCM, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình. Đồng thời cập nhật kịp thời đề xuất bổ sung giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông tại các điểm đen phát sinh mới và các điểm đen còn lại trên địa bàn.
Cả nước còn 27 tỉnh chưa có trung tâm cấp cứu 115
Bộ Y tế cho biết hiện nay mới chỉ có 11 tỉnh, thành phố thành lập được trung tâm cấp cứu độc lập với hai chức năng vừa là tổng đài 115 điều phối, vừa thực hiện cấp cứu hiện trường và vận chuyển cứu thương.
Ở tuyến tỉnh hiện nay có 18 tỉnh, thành phố đang giao cho bệnh viện đa khoa tỉnh làm đầu mối cấp cứu 115; 7 tỉnh, thành phố giao đầu mối cấp cứu 115 cho trung tâm cấp cứu 115 tư nhân. Tuy nhiên vẫn còn 27 tỉnh chưa có trung tâm cấp cứu 115.
Ngoài ra, hiện có 17/53 tỉnh không đảm bảo số xe cứu thương trên đầu dân như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO (cứ mỗi 100.000 dân cần có 1 xe cứu thương). Trong đó có những thành phố lớn đông dân như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Đà Nẵng, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong đó Hà Nội, nơi có trung tâm cấp cứu ngoài bệnh viện có quy mô lớn nhất trên toàn quốc, chỉ có 21 xe cứu thương để đáp ứng nhu cầu cho 8 triệu dân, tức là thiếu khoảng 60 xe so với khuyến cáo. TP.HCM chỉ có 44 xe, cũng thiếu so với khuyến cáo...
Tin tức COVID-19: 43 ca mới, cao nhất 1 tuần qua
Bộ Y tế cho biết ca mắc mới COVID-19 tăng vọt lên 43, cao nhất trong 1 tuần qua. Hôm nay có 4 bệnh nhân khỏi, 2 trường hợp thở oxy.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.621.883 ca nhiễm, trong đó 10.640.335 ca khỏi, 43.206 bệnh nhân tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận