Đề xuất 10 nhóm đối tượng được Nhà nước đóng BHYT
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo thông tư hướng dẫn lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) do bộ này quản lý. Trong đó đề xuất 10 nhóm đối tượng được Nhà nước đóng BHYT, gồm:
Người có công với cách mạng; Thân nhân của người có công với cách mạng; Người phục vụ người có công với cách mạng; Cựu chiến binh; Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc; Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định của pháp luật về BHXH;
Người thuộc diện hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật và trợ giúp xã hội; Trẻ em dưới 6 tuổi; Người thuộc hộ gia đình nghèo; Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;
Người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo và một số đối tượng khác; Người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở.
Bạn đọc có thể xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Chính phủ vừa ban hành nghị định số 90/2024/NĐ-CP, theo đó bổ sung các chất vào danh mục II "Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền".
Cụ thể, bổ sung 14 chất ma túy vào danh mục IIC. Các chất và muối có thể tồn tại của chất này gồm: 3-Chloromethcathinone (3-CMC); 2-Methyl-AP-237; 3-Methylmethcathinone (3-MMC); ADB-4en-PINACA; ADB-FUBIATA; ADB-INACA; Alpha-PiHP; Butonitazene; Etazene; Etonitazepyne; MDMB-BUTINACA; MDMB-INACA; N,N-Dimethylpentylone; Protonitazene.
Đồng thời, nghị định cũng bổ sung chất Bromazolam vào danh mục III "Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền".
Nghị định có hiệu lực từ ngày 17-7-2024.
TP.HCM tính toán dời điểm lấy nước thô để tránh ô nhiễm
Trong kế hoạch về thực hiện chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm TP.HCM giai đoạn 2024 - 2025, TP giao Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV Sawaco và Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn lên kế hoạch di dời điểm khai thác nước thô tại Hòa Phú (huyện Củ Chi) về phía thượng nguồn. Điểm mới cách điểm khai thác hiện tại khoảng 15 - 20km và xa ngã ba sông Thị Tính - sông Sài Gòn.
Việc này nhằm hạn chế tối đa các ảnh hưởng ô nhiễm nước thải sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp từ phía Bình Dương đổ vào sông Thị Tính rồi hòa vào sông Sài Gòn.
Hiện nay TP.HCM lấy nước thô tại hai điểm là Hòa Phú (thuộc sông Sài Gòn) và Hóa An (sông Đồng Nai) để xử lý và cấp nước sạch sinh hoạt cho hơn 10 triệu dân.
Trước sự phát triển công nghiệp, giao thông vận tải thủy cùng với biến đổi khí hậu khiến nguồn nước thô đối mặt với các nguy cơ ô nhiễm. Do đó việc chủ động ứng phó sẽ đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục cho người dân.
Thay đổi giao nhận hàng hóa xuất nhập tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn
Tin tức từ Sở Công Thương Lạng Sơn, từ ngày 1-8, phương thức giao nhận xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) và Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) có sự thay đổi.
Cụ thể, các lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089, lối thông quan Cốc Nam - Lũng Nghịu khu vực mốc 1104-1105 chính thức thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.
Do vậy, các xe vận tải hàng hóa xuất cảnh phải có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ như giấy phép vận tải, giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, biển số xe, phiếu gửi hàng, tờ khai hải quan đối với hàng hóa, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba và giấy tờ khác…
Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đề nghị sở công thương các tỉnh thành thông báo đến các doanh nghiệp, thương nhân, chủ hàng, đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe xuất khẩu, đơn vị có nhu cầu giao thương qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn.
Sở đề nghị các doanh nghiệp, thương nhân, chủ hàng, đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe xuất khẩu… chủ động nắm thông tin, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hợp lệ để thực hiện xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu; chấp hành kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của lực lượng chức năng tại cửa khẩu; tuân thủ quy định giao nhận hàng hóa...
TP.HCM báo động tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì, cận thị
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM mới đây nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học "Thực trạng các bệnh tật học đường phổ biến và các yếu tố liên quan năm học 2023 - 2024 trên địa bàn TP".
Nghiên cứu được thực hiện trên 1.230 học sinh từ mầm non đến THPT tại 8 cơ sở giáo dục được chọn ngẫu nhiên.
Các học sinh tham gia nghiên cứu được khám và phát hiện các bệnh tật học đường phổ biến gồm: thừa cân - béo phì, tật khúc xạ, sâu răng và cong vẹo cột sống.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi lần lượt là 8,5% và 7%. Tỉ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi và gầy còm lần lượt là 1,9%, 3,8% và 0,9%.
Đối với trẻ từ 5-19 tuổi, tỉ lệ thừa cân và béo phì lần lượt là 22% và 20%, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm lần lượt là 3,3% và 2,9%.
Tỉ lệ mắc tật khúc xạ là 54%, tỉ lệ học sinh bị sâu răng chiếm 55%, tỉ lệ cong vẹo cột sống là 8%.
Kết quả nghiên cứu này cung cấp những số liệu chính xác, kịp thời, giúp các nhà quản lý chương trình sức khỏe hoạch định chính sách và thực hiện các chương trình bảo vệ, chăm sóc, và nâng cao sức khỏe học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận