Sở Du lịch TP.HCM: Thủ tục visa mở nhưng chưa thoáng
Sở Du lịch TP.HCM cho biết năm 2024 ngành du lịch TP đặt mục tiêu đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế với tổng doanh thu đạt 190.000 tỉ đồng.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, TP đón hơn 4,1 triệu lượt khách, so với mục tiêu đề ra đầu năm, con số này đạt 82% kế hoạch. Tuy nhiên, du lịch quốc tế vẫn chưa phục hồi so với năm 2019.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là visa. Dù nút thắt visa đã mở khi triển khai visa điện tử ở tất cả thị trường, nhưng thực tế các hồ sơ, thủ tục liên quan đến duyệt visa vẫn còn chậm và chưa thật sự thông thoáng, gây mất khá nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục.
Theo Sở Du lịch TP, so với các nước trong khu vực, các quốc gia được Việt Nam miễn thị thực là còn quá thấp, điển hình như Indonesia miễn thị thực cho công dân khoảng 169 quốc gia và vùng lãnh thổ, Philippines miễn thị thực cho công dân khoảng 166 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Điều này dẫn đến việc lượng khách từ các thị trường trọng điểm, thị trường mới có tiềm năng vẫn mất chi phí cao, tốn nhiều thời gian để được duyệt nên dần dần chuyển sang các thị trường khác cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong lĩnh vực du lịch như Thái Lan, Singapore.
Lo mất trăm tỉ đồng vì cho vay ký quỹ cổ phiếu họ FLC
Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (ART) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023.
Tại báo cáo, kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản cho vay ký quỹ (margin) đối với mã chứng khoán GAB của Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC, số dư nợ khoản vay có giá trị hơn 114 tỉ đồng.
Giải trình, phía Chứng khoán BOS cho biết mã chứng khoán GAB trên sàn HSX đã không có giao dịch ngay sau khi cơ quan điều tra thực hiện điều tra vụ án "thao túng thị trường chứng khoán".
Sau đó, cổ phiếu GAB bị dừng giao dịch, hủy niêm yết nên không thể xử lý bán chứng khoán ký quỹ này để thu hồi nợ, đại diện BOS thông tin.
Công ty này cũng cho biết đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu khách hàng thanh toán nợ gồm cả gốc và lãi nhưng đến nay không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
TP.HCM khẩn trương mua sắm trang thiết bị ba dự án xây mới bệnh viện cửa ngõ
Ngày 18-11, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết đã có thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức tại buổi kiểm tra thực địa công trình xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP.
Tính đến tháng 11-2023, dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn đã hoàn thành khoảng 2/3 khối lượng công việc thi công xây dựng. Dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi và Thủ Đức cũng đang đảm bảo kế hoạch, tiến độ thi công đề ra.
Để đảm bảo sẵn sàng cho ba bệnh viện hoạt động, phó chủ tịch UBND TP giao Ban Dân dụng công nghiệp khẩn trương đẩy nhanh tiến độ mua sắm trang thiết bị đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí và tuân thủ chặt quy định.
Dự án xây mới Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ là nơi đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, góp phần xây dựng TP thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe hàng đầu Việt Nam và trong khu vực.
Bảo hiểm xã hội nói không "nợ" bệnh viện, vướng mắc do chính sách
Trước thông tin hàng loạt bệnh viện kiến nghị gặp khó khăn khi chưa được quyết toán bảo hiểm y tế vượt tổng mức thanh toán của các năm 2019, 2020 và 2022, với số tiền Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa chi trả lên tới hơn 7.000 tỉ đồng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có thông báo cho rằng đã "nỗ lực giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền".
Tuy nhiên theo giải thích của phía bảo hiểm, lý do chưa thanh toán cho bệnh viện số tiền kể trên do quy đinh trong nghị định 146, vướng mắc này đã được nghị định 75 có thời hạn áp dụng từ tháng 12 tới đây "gỡ".
Trước đó, nghị định 146 có hiệu lực từ 1-9-2019 quy định "tổng mức thanh toán là công cụ để kiểm soát gia tăng chi phí bảo hiểm y tế không hợp lý", nhưng thực tế chi phí y tế vượt tổng mức thanh toán này đã chi khám chữa bệnh cho người bệnh và hiện đang nợ bệnh viện lên tới trên 7.000 tỉ đồng.
Từ khi có quy định về tổng mức thanh toán, nhiều ý kiến đã đề nghị bãi bỏ và nghị định 75 có hiệu lực từ ngày 3-12 tới có hướng dẫn giải quyết khoản nợ hàng ngàn tỉ đồng này.
Đề nghị quỹ bảo hiểm y tế chi trả tiền sữa điều trị cho trẻ sinh non
Theo ông Lê Minh Trác - giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản trung ương, mỗi năm có khoảng 35.000 trẻ sinh non và nhẹ cân cần điều trị bằng sữa mẹ thanh trùng trong khi mẹ các cháu không có sữa.
Chi phí thu gom sữa mẹ hiến tặng, thanh trùng, đóng gói khoảng 1,5 triệu đồng/lít sữa mẹ, tức chi phí cho 1 trẻ sinh non, nhẹ cân cần dùng sữa mẹ điều trị là 150.000 - 300.000 đồng/ngày.
"Lợi ích khi sử dụng sữa mẹ điều trị cho các cháu sinh non, nhẹ cân rất lớn, có thể giảm tới 10 ngày điều trị so với trẻ không được dùng sữa mẹ thanh trùng. Giảm 19% trẻ nhiễm trùng huyết, giảm viêm ruột hoại tử, giảm chi phí dịch truyền..." - ông Trác cho biết.
Ước tính nếu được chấp thuận chi trả, mỗi năm khoản chi từ quỹ bảo hiểm y tế cho sữa mẹ thanh trùng khoảng 30,8 tỉ đồng, số tiền này có thể tăng dần khi số "ngân hàng sữa mẹ" tăng lên trên toàn quốc (hiện Việt Nam mới có 7 ngân hàng sữa mẹ đang hoạt động, bao phủ khoảng 30% nhu cầu điều trị bằng sữa mẹ thanh trùng cho trẻ sinh non, nhẹ cân).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận