TP.HCM yêu cầu tạm ngưng đào đường, vỉa hè đón Tết dương lịch 2024
Tin tức từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho hay cơ quan này vừa có thông báo yêu cầu các đơn vị liên quan tạm ngưng thi công các công trình có tổ chức đào đường, vỉa hè trong thời gian từ ngày 31-12 đến hết ngày 1-1-2024.
Yêu cầu này nhằm đảm bảo an toàn trật tự giao thông và vệ sinh môi trường, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TP trong dịp Tết dương lịch 2024.
Chủ đầu tư tất cả các công trình trên đường bộ được yêu cầu có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương tái lập toàn bộ các đoạn đang thi công, xong trước 30-12. Các công trình có rào chắn chiếm dụng mặt đường đang khai thác được phép tồn tại nhưng phải thu dọn hàng rào công trường, vệ sinh dọn dẹp sạch sẽ.
Loạt rủi ro thị trường chứng khoán có thể đối mặt
Với việc mặt bằng lãi suất trong quý 4-2023 thậm chí đã rơi xuống thấp hơn so với giai đoạn COVID-19, chuyên gia Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024. Đồng thời chỉ ra loạt rủi ro nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phải đối mặt.
Thứ nhất là yếu tố rủi ro xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ tạm ngưng trong bối cảnh sức mua (trong nước và thế giới), nhu cầu vốn của nền kinh tế Việt Nam chưa cải thiện đáng kể.
Thứ hai, giá cả hàng hóa bật tăng trở lại đi cùng xu hướng mạnh lên của đồng USD kéo theo lạm phát cao hơn. Thứ ba, căng thẳng địa chính trị trên thế giới tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam.
Về dài hạn, VCBS cho rằng Việt Nam vẫn sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, tiếp tục duy trì sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Xu hướng của VN-Index kể từ giai đoạn dịch thường đồng pha với xu hướng biến động của mặt bằng lãi suất. Do vậy VCBS dự báo mức cao nhất của chỉ số VN-Index có thể đạt được trong năm 2024 là vùng 1.300 điểm.
Lãi suất thấp, khả năng trả nợ "đại gia" bất động sản cải thiện năm 2024
Trong báo cáo triển vọng 2024 vừa công bố, VIS Rating nhận định triển vọng tín dụng ở Việt Nam sẽ cải thiện trong năm tới. Điều này được thúc đẩy nhờ môi trường kinh doanh và nhu cầu trong nước được cải thiện, chi phí huy động vốn ở mức thấp và tỉ lệ chậm trả nợ gốc, lãi phát sinh mới giảm bớt.
Cũng theo VIS Rating, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau bao gồm cắt giảm thuế, gia hạn nộp thuế, thúc đẩy đầu tư công vào cơ sở hạ tầng này nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024.
VIS Rating kỳ vọng lãi suất trong nước sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại. Điều này sẽ giảm chi phí huy động vốn của doanh nghiệp và tổ chức phát hành trái phiếu, đồng thời hỗ trợ nhu cầu tái cấp vốn của doanh nghiệp.
Đơn vị nghiên cứu cho rằng khả năng trả nợ của các doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành bất động sản sẽ dần cải thiện, tốc độ hình thành các khoản nợ quá hạn mới và giá trị trái phiếu chậm trả nợ gốc, lãi phát sinh mới sẽ chậm lại trong năm 2024.
Đầu máy, toa xe đường sắt trên 40 tuổi được hoạt động đến hết năm 2030
Chính phủ vừa ban hành nghị định cho phép đầu máy, toa xe đường sắt trên 40 tuổi được tiếp tục hoạt động đến hết năm 2030. Nghị định có hiệu lực từ 30-1-2024, sẽ tháo gỡ việc thiếu hụt đầu máy, toa xe của ngành đường sắt.
Theo nghị định 65 trước đó, đầu máy, toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị có niên hạn không quá 40 năm; toa xe chở hàng có niên hạn không quá 45 năm.
Nếu thực hiện quy định niên hạn theo nghị định số 65/2018 và nghị định số 01/2022, đến 2025 toàn ngành đường sắt thiếu 38 đầu máy phục vụ vận tải, các năm tiếp theo số lượng đầu máy thiếu sẽ tiếp tục tăng lên.
Để đầu tư thay thế khoảng 60 đầu máy và hơn 500 toa xe hết niên hạn trong những năm tới cần khoảng 8.000 tỉ đồng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gặp khó khăn về nguồn lực.
Hà Nội: Báo cáo trả lương thưởng Tết trước 10-1-2024
Liên đoàn Lao động TP Hà Nội yêu cầu công đoàn các cấp trên địa bàn báo cáo tình hình trả lương, thưởng Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trước ngày 10-1-2024.
Liên đoàn thành phố cũng đề nghị công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp xây dựng phương án thưởng Tết theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, đề nghị chủ sử dụng lao động thông báo sớm kế hoạch trả lương thưởng Tết 2024 và trợ cấp, hỗ trợ người lao động như tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu, xe về quê ăn Tết…
Theo báo cáo tiền lương của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Tết Quý Mão 2023, tiền lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp năm 2022 là 8,25 triệu đồng/tháng, tăng 6% so với năm 2021.
Năm 2023, do Tết dương lịch và Tết âm lịch khá gần nhau, các doanh nghiệp chủ yếu thưởng Tết âm lịch. Do vậy, thưởng Tết dương lịch giảm, bằng 91% so với cùng kỳ năm trước. Thưởng Tết âm lịch tăng 11% so với Tết âm lịch năm 2022, bình quân 6,86 triệu đồng/người.
80% người dân mắc bệnh răng miệng
Tại hội nghị khoa học và triển lãm nha khoa VNU DEC 2023 có chủ đề "Kết nối nha khoa" lần thứ nhất đang diễn ra tại Trường đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội từ 14 đến 16-12, GS.TS Trịnh Đình Hải, trưởng khoa răng hàm mặt Trường đại học Y dược, cho biết kết quả điều tra gần đây có 80% người dân mắc bệnh răng miệng: sâu răng, viêm lợi, viêm quanh răng...
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến mất răng sớm, đau răng hoặc các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe khác.
Tại hội nghị lần này, các chuyên gia răng hàm mặt đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp và các trường y dược trong nước đã báo cáo các chuyên đề về điều trị nội nha, chỉnh nha, implant, xử lý tình trạng mòn răng nặng, thẩm mỹ răng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận