Việt Nam chi gần 1 tỉ USD nhập khẩu ô tô
Tin tức từ thống kê mới công bố của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã nhập khẩu gần 44.000 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 929,4 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng và giá trị xe đều giảm lần lượt là 19,4% và 23,5%.
Đáng chú ý, ở thị trường nhập khẩu, Indonesia dẫn đầu với 19.900 xe, kim ngạch đạt 286,8 triệu USD. Tiếp theo là Thái Lan với 13.406 xe, kim ngạch đạt 266,5 triệu USD.
Trung Quốc đứng thứ 3 với 8.848 xe, kim ngạch 268,92 triệu USD. Trong 3 thị trường chủ lực, lượng xe nhập từ Thái Lan giảm sâu trong khi từ thị trường Trung Quốc đang tăng về số lượng lẫn giá trị.
Nhiều thương hiệu xe Trung Quốc đang tiến hành mở bán hàng loạt mẫu xe mới tại thị trường Việt Nam.
Các doanh nghiệp kinh doanh ô tô lo ngại làn sóng ô tô Trung Quốc sẽ ồ ạt vào thị trường Việt với những thương hiệu như BYD, Omoda và Jaecoo, thị trường thêm cạnh tranh khốc liệt.
Hãng xe điện lớn nhất thế giới BYD sẽ mở 15 trên tổng số 30 showroom trên toàn quốc khi hãng xe này dự kiến ra mắt trong tháng 6-2024.
BYD không phải là doanh nghiệp xe điện Trung Quốc duy nhất, mẫu xe điện Wuling Hongguang ra thị trường với 4 phiên bản cùng mức giá dao động từ 239-279 triệu đồng.
Theo các chuyên gia, việc cạnh tranh giữa các hãng xe Trung Quốc và các "đối thủ" trong và ngoài nước sẽ tiếp tục làm cho thị trường ô tô Việt Nam trở nên đa dạng hơn về lựa chọn và giá cả.
Trước làn sóng nhập khẩu ô tô, vẫn cần thêm cơ chế ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước để tăng sức cạnh tranh.
Giá USD tự do lại vọt lên, tiến gần ngưỡng 26.000 đồng
Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD áp dụng cho ngày 14-5 là 24.269 đồng, tăng 3 đồng so với hôm trước.
Giá USD tại các ngân hàng thương mại cùng điều chỉnh theo tỉ giá trung tâm. Như ở Vietcombank, hai chiều mua vào bán ra đều tăng 3 đồng, lên mức 25.152 - 25.482 đồng.
Trong khi đó, giá USD tự do tăng mạnh tới 80 đồng chiều mua vào và 70 đồng bán ra, lần lượt được niêm yết 25.750 - 25.820 đồng.
Trong một báo cáo vừa công bố, chuyên gia Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng trước bối cảnh Fed vẫn duy trì lãi suất và đợt giảm lãi suất sớm nhất chỉ có thể xuất hiện vào cuối năm, sức mạnh đồng USD duy trì ở ngưỡng cao.
Điều này đồng nghĩa áp lực tỉ giá với tiền đồng cũng như nhiều nước khác vẫn sẽ tiếp tục hiện hữu.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất thấp là nguyên nhân chính và chủ yếu khiến áp lực tỉ giá luôn thường trực khi sức mạnh USD vẫn ở ngưỡng cao, theo VCBS.
Đề xuất chính sách cho ngành công nghiệp hóa dược 8 tỉ USD
Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Việt Nam được tổ chức IQVIAIQVIA xếp vào nhóm các thị trường dược phẩm mới nổi (Pharmerging Markets), là nhóm 17 nước có mức tăng trưởng thị trường dược phẩm cao nhất thế giới.
Đến năm 2023, quy mô thị trường dược phẩm trong nước ước đạt khoảng 8 tỉ đô la, với mức chi tiêu thuốc bình quân vào khoảng 80 USD/người/năm, dự kiến đến năm 2030 mức chi tiêu thuốc bình quân của người Việt Nam đạt khoảng 300 USD/người/năm.
Tuy nhiên, quy mô sản lượng của các cơ sở sản xuất hóa dược rất nhỏ bé, gần như không đáng kể so với ngành dược nói chung.
Do vậy giá thành cao, ít lãi, thiếu đầu tư cho việc nâng cao chất lượng, nên phần lớn những cơ sở sản xuất hóa dược đều giảm sút, không phát triển được.
Hiện ngành công nghiệp bào chế dược đã có bước phát triển khá tốt, đáp ứng được 50% nhu cầu thuốc trong nước.
Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu còn phụ thuộc nhập khẩu, chiếm tới 90% giá trị.
Vì vậy theo phân loại của UNIDO, công nghiệp dược của Việt Nam được xếp loại ở mức 3/5, còn theo phân loại của WHO thì ngành được xếp ở cấp độ 3/4.
Theo bộ này, để thúc đẩy ngành công nghiệp hóa dược của Việt Nam, một trong những kinh nghiệm quan trọng đó là đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển; xây dựng các khu công nghiệp dược tập trung và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện hệ thống pháp lý và cơ chế quản lý…
TP.HCM cấm xe vào làn ô tô trên đường Lê Lợi 13 ngày
Tin tức từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM, sở này thông báo cấm các loại xe đi vào phần đường dành cho ô tô trên đường Lê Lợi, quận 1 trong 13 ngày.
Đây là phương án tổ chức giao thông phục vụ Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM năm 2024.
Cụ thể, kể từ ngày 17 đến ngày 29-5, cấm các loại xe đi vào phần đường dành cho ô tô trên đường Lê Lợi (đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Hàm Nghi). Theo đó, người đi đường chuyển hướng vào phần đường hỗn hợp trên đường Lê Lợi (theo hai hướng lưu thông).
Sở Giao thông vận tải TP.HCM yêu cầu người điều khiển phương tiện giao thông phải chấp hành theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và hệ thống báo hiệu đường bộ.
Khánh thành Trung tâm hợp tác với WHO nhằm ứng phó đại dịch, quản lý bệnh truyền nhiễm
Ngày 14-5, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội), Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khánh thành Trung tâm hợp tác với WHO về chuẩn bị, ứng phó với đại dịch và quản lý lâm sàng các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
Ông Trần Văn Thuấn, thứ trưởng Bộ Y tế, cho hay Bộ Y tế đánh giá cao việc WHO phê duyệt Trung tâm hợp tác với WHO về chuẩn bị, ứng phó với đại dịch và quản lý lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, đặt tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Trung tâm sẽ là một bộ phận trong hệ thống hợp tác quốc tế nhằm triển khai, thực hiện các chương trình y tế toàn cầu..., cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường giám sát dựa trên sự kiện tại bệnh viện (HEBS) nhằm ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi.
Trung tâm sẽ phát triển các mô đun về đào tạo để tăng cường năng lực về lâm sàng, chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm (bao gồm cả COVID-19) cho nhân viên y tế trong nước và khu vực,...
Lãnh đạo Bộ Y tế tin tưởng sự hỗ trợ chặt chẽ của WHO, Việt Nam sẽ tăng cường các biện pháp chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trong tương lai trên cơ sở kiến thức và kinh nghiệm từ những ứng phó với đại dịch trước đây.
TS Saia Ma'u Piukala - giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương - nói: "Việc chỉ định Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương mang lại tầm nhìn và sự công nhận từ các quốc gia và các đối tác quốc tế. Đồng thời mở ra cơ hội tốt hơn cho bệnh viện trong việc trao đổi thông tin và phát triển hợp tác kỹ thuật với các tổ chức khác, đặc biệt ở cấp quốc tế".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận