Bộ Tài chính đề xuất xem lại mức tăng lương hưu, trợ cấp
Trong công văn vừa gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về đánh giá tác động của cải cách tiền lương mới từ ngày 1-7 đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ Tài chính cho biết tổng kinh phí chi trả lương hưu, trợ cấp theo như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị là hơn 17.200 tỉ đồng, gấp 2,3 lần nguồn kinh phí được Quốc hội phê duyệt, vượt khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, tính toán lại các phương án điều chỉnh cụ thể.
Bộ Tài chính lưu ý ngân sách trung ương khó khăn, nguồn bố trí điều chỉnh lương hưu và một số chính sách trợ cấp, an sinh xã hội rất hạn chế. Trong khi đó, một số địa phương vẫn tiếp tục dư nguồn cải cách tiền lương lớn.
Để chủ động kinh phí và giảm áp lực cho ngân sách trung ương, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương và nguồn cải cách tiền lương của các địa phương còn dư để thực hiện tăng lương từ 1-7 tới.
Nợ trái phiếu phải trả năm 2024 sẽ lớn hơn 279.000 tỉ đồng
Trong báo cáo vừa công bố, đội ngũ phân tích Chứng khoán KBSV cập nhật về tình hình phát hành và đáo hạn trái phiếu. Cụ thể, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp suy giảm trong tháng 2 với tổng giá trị phát hành chỉ đạt 1.165 tỉ đồng, giảm 46% so với tháng trước.
Đơn vị này cho rằng khối lượng phát hành sẽ khởi sắc hơn vào nửa cuối năm, khi mà kinh tế ấm lên, thị trường bất động sản hồi phục và theo đó các nút thắt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần được gỡ bỏ.
Về áp lực trả nợ, KBSV ước tính cả năm 2024 có khoảng 279.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó hơn 115.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản (chiếm 41,4%), tiếp theo là nhóm tổ chức tài chính với hơn 81.000 tỉ đồng (chiếm 29%).
Riêng trong tháng 3, ước tính sẽ có khoảng 23.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó nhóm bất động sản chiếm 63%, thương mại dịch vụ chiếm 10% và nhóm xây dựng chiếm 9%.
Giá bán USD 'chợ đen' tiếp tục rơi
Tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 14-3 là 23.967 đồng, tăng 10 đồng so với phiên trước đó. Vietcombank cũng tăng giá bán USD 50 đồng, lên 24.870 đồng. Tuy nhiên, giá bán USD tự do đã hạ nhiệt 3 phiên liên tiếp, còn 25.360 - 25.440 đồng hai chiều mua và bán.
Diễn biến này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước dồn dập hút tín phiếu từ 11-3. Đến ngày 14-3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở, với tổng khối lượng gần 15.000 tỉ đồng, kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,4%/năm. Lũy kế khối lượng hút ròng đạt 60.000 tỉ đồng.
Vừa qua với việc duy trì lãi suất thấp, đồng VND bớt hấp dẫn, cùng với giá vàng tăng, việc nắm giữ USD có lợi thế hơn. Do đó Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để hạ áp lực tỉ giá, kìm hãm dòng tiền đầu cơ trên thị trường.
Bệnh viện Thống Nhất tầm soát bệnh thận miễn phí cho 10.000 người trẻ
Ngày 14-3, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) tổ chức kỷ niệm Ngày Thận học thế giới và triển khai chương trình tầm soát bệnh thận miễn phí cho 10.000 người trẻ trong cộng đồng.
Chương trình diễn ra trong khoảng 1 năm, chủ yếu dành cho người trẻ tuổi ở các khu dân cư, công nhân các khu công nghiệp, đặc biệt là những người chưa có bảo hiểm y tế, không có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Thông tin cụ thể về chương trình tầm soát và cách thức đăng ký sẽ được bệnh viện phổ biến cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Hiện nay người trẻ có nguy cơ mắc bệnh thận cao, thường do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, như ăn nhiều đạm động vật, ít uống nước, sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận