15/10/2024 06:05 GMT+7

Tin tức sáng 15-10: Đề xuất giảm 15-30% tiền thuê đất năm 2024

Tin tức đáng chú ý: Đề xuất mới về giảm tiền thuê đất năm 2024; TP.HCM bãi bỏ quy định không xét duyệt đi nước ngoài với cán bộ đang bị kỷ luật khiển trách trở lên; Mỗi năm thế giới có khoảng 19 - 23 triệu tấn nhựa thải ra sông, biển...

Tin tức sáng 15-10: Đề xuất giảm 15-30% tiền thuê đất năm 2024 - Ảnh 1.

Đề xuất mới về giảm tiền thuê đất năm 2024

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về việc giảm tiền thuê đất năm 2024.

Theo dự thảo tờ trình, quy định này áp dụng với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất, dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm.

Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc nhóm được miễn, giảm tiền thuê đất, và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (luật và các văn bản hướng dẫn chi tiết luật) và pháp luật khác có liên quan.

Về mức giảm tiền thuê đất, tại dự thảo tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án.

- Phương án 1: Giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người thuê đất như trên.

- Phương án 2: Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người thuê đất như trên.

Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây

Bộ Tài chính cho hay dự kiến trình Chính phủ đề xuất phương án 2 để phù hợp với tình hình diễn biến mới về kinh tế - xã hội của cả nước, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại.

Tăng trưởng GDP quý 3 của cả nước có thể giảm 0,35%, quý 4 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.

Đối với phương án 1 do Bộ Tài chính đề xuất trong kịch bản không có bão số 3.

Dự thảo tờ trình cũng cho biết giảm tiền thuê đất sẽ giảm thu ngân sách nhà nước từ 2.000 tỉ đồng (tính theo phương án giảm 15% tiền thuê đất) đến 4.000 tỉ đồng (tính theo phương án giảm 30% tiền thuê đất).

TP.HCM bãi bỏ quy định không xét duyệt đi nước ngoài với cán bộ đang bị kỷ luật

UBND TP.HCM vừa có quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy chế quản lý và xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi nước ngoài.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25-10-2024. Theo quyết định, UBND TP.HCM đã bãi bỏ khoản 1 điều 6 Quy chế quản lý và xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi nước ngoài ban hành kèm theo quyết định 14/2022 của UBND TP.HCM.

Trước đó, khoản 1 điều 6 quy chế quản lý và xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi nước ngoài là: "Không xét duyệt đi nước ngoài về việc công đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên".

Quyết định này cũng sửa đổi, bổ sung điều 8 về thẩm quyền xét duyệt, quyết định cử, cho phép cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi nước ngoài.

Tin tức sáng 15-10: Đề xuất giảm 15-30% tiền thuê đất năm 2024 - Ảnh 2.

Chuyên gia quốc tế thăm khám cho trẻ dị tật bẩm sinh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - Ảnh: BVCC

Chuyên gia quốc tế khám và điều trị cho 120 trẻ bị dị tật bẩm sinh và bệnh lý xương khớp

Sáu chuyên gia nhi khoa Mỹ, Tây Ban Nha, Trung Quốc đang có đợt khám sàng lọc và điều trị dị tật bẩm sinh và bệnh lý cơ xương khớp cho 120 trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội.

Chương trình kéo dài đến ngày 22-10, là cơ hội để các bác sĩ Việt Nam cập nhật kiến thức chuyên môn trong điều trị và phẫu thuật các dị tật phức tạp như liệt đám rối thần kinh cánh tay, các biến dạng chi trên và dị tật cơ xương khớp... Điều trị các dị tật này không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao mà còn yêu cầu sự tỉ mỉ, am hiểu sâu về giải phẫu.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Đức, trưởng khoa chấn thương - chỉnh hình chi trên và chi dưới, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nhiều trẻ dị tật ảnh hưởng đến sự phát triển và cuộc sống của các em. Sự hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế giúp bệnh viện nâng cao khả năng điều trị, đặc biệt là các ca bệnh phức tạp.

Mỗi năm có khoảng 19 - 23 triệu tấn nhựa thải ra sông, biển

Tối 14-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin rác thải nhựa đang là một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt và lĩnh vực y tế không ngoại lệ.

Ước tính toàn thế giới có khoảng 19 - 23 triệu tấn nhựa bị thải ra hồ, sông và biển hằng năm. Sau khi thải bỏ, chất thải nhựa sẽ phân thành những mảnh nhỏ hơn, tồn tại trong nhiều thế kỷ. Các hạt nhựa có đường kính nhỏ khoảng 5mm len lỏi vào thức ăn, nước và không khí.

Khoảng 40% trong số hơn 448 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm trên thế giới là loại dùng một lần, phần lớn được sử dụng làm bao bì và sẽ được loại bỏ trong vòng vài phút sau khi mua. Chúng có ở khắp mọi nơi và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.

Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt gây hại cho sức khỏe con người và đa dạng sinh học, đồng thời gây ô nhiễm hệ sinh thái nghiêm trọng.

Sự gia tăng sản xuất nhựa đã vượt xa khả năng theo kịp của quản lý chất thải, đó là lý do tại sao các đại dương đang bị tấn công.

Nếu chúng ta không thay đổi cách sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa, lượng rác thải nhựa xâm nhập vào hệ sinh thái dưới nước có thể tăng gấp 3 lần.

Tin tức sáng 15-10: Đề xuất giảm 15-30% tiền thuê đất năm 2024 - Ảnh 3.

Tin tức đáng chú ý trên Tuổi Trẻ nhật báo ngày 15-10. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao

Tin tức sáng 15-10: Đề xuất giảm 15-30% tiền thuê đất năm 2024 - Ảnh 5.

Tin tức thời tiết hôm nay 15-10 - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tin tức sáng 15-10: Đề xuất giảm 15-30% tiền thuê đất năm 2024 - Ảnh 6.

Tin tức sáng 15-10: - Ảnh 1.Tin tức thể thao sáng 14-10: Tuyển Anh trở lại mạch thắng; Runner Kenya phá kỷ lục marathon thế giới

Tuyển Anh đánh bại Phần Lan tại UEFA Nations League; HLV Deschamps lên tiếng về quan hệ với Mbappe... là những tin tức thể thao đáng chú ý sáng 14-10.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên