Doanh nghiệp FDI xuất siêu hơn 14 tỉ USD trong 4 tháng
Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 4 (từ 16 đến 30-4) đạt 10,45 tỉ USD, tăng 9,4%, tương ứng tăng 898 triệu USD so với kỳ 1 của tháng.
Tính chung 4 tháng đầu năm, doanh nghiệp FDI xuất khẩu 79,1 tỉ USD, giảm 12,4% (tương ứng giảm 11,19 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nhóm hàng xuất khẩu nổi bật của doanh nghiệp FDI như điện thoại các loại và linh kiện đạt 17,17 tỉ USD, chiếm 99,4% kim ngạch nhóm hàng này của cả nước.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,73 tỉ USD, chiếm 98,16%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,22 tỉ USD, chiếm 92,54%...
Như vậy, 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 144,02 tỉ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 25,68 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước. 4 tháng qua, cán cân thương mại của doanh nghiệp FDI đạt thặng dư lớn với con số xuất siêu 14,18 tỉ USD.
Yêu cầu Facebook, YouTube, TikTok... gỡ bỏ hàng ngàn bài viết, video độc hại
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký báo cáo Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Theo đó, bộ đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm…
Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (YouTube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục ngàn nội dung vi phạm.
Gỡ bỏ các hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em. Gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; ngăn chặn các kênh YouTube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam…
Kết quả từ 1-1 đến 29-3, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 1.096 bài viết có nội dung thông tin xấu độc (tỉ lệ 93%); Google đã gỡ 1.670 video vi phạm trên YouTube (tỉ lệ 93%). TikTok gỡ 323 link vi phạm, khóa 47 tài khoản, kênh thường xuyên đăng tải nội dung xấu độc (tỉ lệ 91%).
Ngoài ra, bộ thực hiện vận hành cổng tingia.gov.vn tiếp nhận hơn 5.500 phản ánh. Trong đó, có 1.642 tin có thể kiểm chứng; 880 tin phản ánh về tin xấu độc; 962 tin báo tin sai, tin không đúng nội dung phản ánh, không đúng thẩm quyền xử lý; 933 tin báo về lừa đảo tài chính qua mạng.
TP.HCM: Để lấn chiếm vỉa hè, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa trình UBND dự thảo triển khai thực hiện chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ TP.HCM.
Trong đó yêu cầu Sở Nội vụ TP.HCM nghiên cứu, đề xuất xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó được giao quản lý tại các đơn vị, chính quyền để xảy ra hành vi vi phạm quy định pháp luật về sử dụng lòng đường, vỉa hè không đảm bảo an toàn giao thông.
Trước khi trình dự thảo, Sở Giao thông vận tải TP đã gửi các đơn vị liên quan góp ý dự thảo. Tuy nhiên, đến nay sở mới nhận được văn bản góp ý của 29/32 sở ngành, quận huyện về vấn đề nói trên. Các đơn vị chưa góp ý bao gồm Công an TP.HCM, UBND quận Tân Bình, UBND huyện Cần Giờ.
Để đạt được mục tiêu về đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè, TP.HCM cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý trật tự đô thị như quy định mới về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trong thời gian tới, bao gồm tiêu chí về quỹ đất, không gian dành cho giao thông công cộng, bãi giữ xe, quy định chức năng ở kết hợp với kinh doanh của hộ dân.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần khai thác hiệu quả của hệ thống hạ tầng đô thị như quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè để đảm bảo quyền ưu tiên cho người đi bộ. Đồng thời tổ chức các tuyến đường kiểu mẫu về trật tự đô thị, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình rào chắn chiếm dụng lòng đường, vỉa hè...
Phạt 24 triệu, tước bằng lái xe vi phạm nồng độ cồn, không nhường xe ưu tiên
Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4, Phòng hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông vừa lập biên bản xử lý lái xe vi phạm không nhường đường cho xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ và vi phạm nồng độ cồn.
Theo đó, khoảng 15h42 ngày 13-5, tại km38 +100 cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, khi đang thực hiện tuần tra kiểm soát lưu động trên tuyến, lực lượng cảnh sát giao thông phát tín hiệu ưu tiên để các phương tiện đang di chuyển cùng chiều phía trước nhường đường bên phải cho xe ưu tiên thì ô tô tải biển số 20C-167.xx đang di chuyển phía trước không chịu nhường đường.
Cảnh sát giao thông đã dùng loa để yêu cầu phương tiện chấp hành, tuy nhiên lái xe vẫn không chịu nhường đường. Chạy được khoảng 1km, lái xe này mới nhường đường cho xe ưu tiên.
Tổ công tác đã dừng xe 20C-167.xx để kiểm soát. Lái xe Tạ Văn T. (sinh năm 1975, trú tại Phú Bình, Thái Nguyên) xuất trình đủ giấy tờ liên quan. Kiểm tra nồng độ cồn, phát hiện lái xe vi phạm mức 0,320 miligam/lít khí thở. Lái xe T. trình bày bật đài trong xe công suất lớn, không để ý bên ngoài. Tước khi lái xe, ông này đã uống 2 cốc bia hơi.
Tổ công tác lập biên bản với lái xe về 2 hành vi vi phạm "không nhường đường xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ" và "điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở". Với vi phạm trên, lái xe bị tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước giấy phép lái xe 17 tháng và phạt tiền đến 24 triệu đồng.
COVID-19 đã giảm nhưng có bền vững?
Sau nhiều ngày tăng liên tiếp, từ 1 tuần trở lại đây số ca mắc COVID-19 giảm, ngày 13-5 đã xuống dưới mốc 2.000 ca và có dấu hiệu thoái trào của cả đợt dịch (bắt đầu từ tháng 4 đến nay),
Cụ thể là những ngày gần đây số mắc liên tục giảm, mốc cao nhất trong tuần gần đây thấp hơn hẳn mốc cao nhất trong tuần trước đó, số ca nặng cũng giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng COVID-19 vẫn chưa ổn định và vẫn có nguy cơ xuất hiện đợt dịch mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận