Bệnh nào cần phòng tránh sau mưa lũ?
Ngày 11-8, Bộ Y tế có công văn gửi các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. Trong và sau mưa bão, lũ lụt, các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ…
Để phòng bệnh, người dân cần đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn. Tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Yêu cầu niêm yết công khai giá vé vận tải dịp 2-9
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các sở giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe.
Có phương án tổ chức vận tải phù hợp, chở đúng tải trọng cho phép, đúng số người theo quy định, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải.
Niêm yết các thông tin theo quy định, đặc biệt phía trong khoang hành khách của phương tiện chở khách phải niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại của cơ quan chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng.
Các địa bàn có hiện tượng nhiều "xe dù, bến cóc", "xe trá hình tuyến cố định", xe quá tải hoạt động như Hà Nội, TP.HCM cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định. Bộ cũng yêu cầu Cục Hàng không chỉ đạo các lực lượng an ninh hàng không, cảng hàng không tăng cường công tác kiểm soát an ninh, an toàn bay.
Tăng cường nhân lực, trang thiết bị phục vụ soi chiếu an ninh an toàn, công tác trả hành lý cho hành khách, tránh ùn tắc và gây bức xúc cho hành khách. Đặc biệt chú trọng tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài.
Các hãng hàng không điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến, đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ, thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công bố công khai giá bán và mức giá vé theo quy định.
Trò chơi điện tử phải phân loại theo độ tuổi
Dự thảo nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có yêu cầu trò chơi điện tử trên mạng được phân loại theo các độ tuổi như sau:
- Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 18 tuổi trở lên (ký hiệu là 18+) là trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu có sử dụng vũ khí có tính chất bạo lực; không có hoạt động, âm thanh, hình ảnh, ngôn ngữ, lời thoại khiêu dâm.
- Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 16 tuổi trở lên (ký hiệu là 16+) là trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu có sử dụng vũ khí; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại, nhân vật mặc khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.
- Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 12 tuổi trở lên (ký hiệu là 12+) là trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu có sử dụng vũ khí nhưng hình ảnh vũ khí không nhìn được cận cảnh, rõ ràng; tiết chế âm thanh va chạm của vũ khí khi chiến đấu; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.
- Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi mọi lứa tuổi (ký hiệu 00+) là trò chơi mô phỏng dạng hoạt hình; không có hoạt động đối kháng bằng vũ khí; không có hình ảnh, âm thanh ma quái, kinh dị, bạo lực; không có hoạt động, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại, hình ảnh nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.
Tiếp tục thúc đẩy bất động sản, tháo gỡ khó khăn đề án 1 triệu căn hộ giá rẻ
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với các ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật, nhất là với Luật Đất đai (sửa đổi).
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"; tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục quy hoạch đất các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.
Thúc đẩy cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với doanh nghiệp bất động sản; chỉ đạo ngân hàng có giải pháp phù hợp để cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi hơn, vừa kiểm soát được rủi ro, tháo gỡ khó khăn, xem xét rất cụ thể để cho vay với các dự án đang dở dang/sắp hoàn thành.
Đề xuất tiếp tục tăng thời gian hoạt động phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan về việc tiếp tục hoạt động tuyến phà Cần Giờ - Vũng Tàu trong khung giờ từ 4h đến 22h.
Trước đó, sở nhận được báo cáo kết quả thực hiện thí điểm mở rộng thời gian hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa (thời gian hoạt động thí điểm từ 4h đến 22h).
Theo đơn vị khai thác, qua 6 tháng thực hiện thí điểm mở rộng thời gian hoạt động phà biển đã đảm bảo an toàn nhanh chóng và hiệu quả, được nhiều người dân đồng tình ủng hộ.
Do đó, đơn vị đề xuất tiếp tục tăng thời gian hoạt động tuyến phà từ 4h đến 22h mỗi ngày để phục vụ nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của người dân TP.HCM và TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Chính vì vậy, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị các cơ quan, đơn vị có ý kiến bằng văn bản đánh giá quá trình hoạt động thí điểm trong 6 tháng qua, cho ý kiến thống nhất hoặc không thống nhất tiếp tục tăng thời gian hoạt động tuyến phà. Sở căn cứ vào đó để xem xét quyết định khung giờ hoạt động phà trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận