6 tháng kiến nghị xử lý tài chính hơn 40.000 tỉ đồng
Tin tức từ thanh tra Bộ Tài chính cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, thanh tra bộ và các đơn vị có chức năng đã thực hiện 31.092 cuộc thanh tra, kiểm tra, vượt so với cùng kỳ năm ngoái là 2.742 cuộc.
Tiến hành kiểm tra 363.154 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 6.653 vụ, qua đó kiến nghị xử lý tài chính 40.424 tỉ đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng thanh tra bộ đã thực hiện 13 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó kiến nghị xử lý tài chính số tiền 2.908 tỉ đồng. Các đơn vị được thanh tra đã thực nộp ngân sách nhà nước số tiền 2.727 tỉ đồng.
Ở lĩnh vực thuế đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế và tội phạm về thuế.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống thuế đã thực hiện 29.616 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 363.154 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế.
Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 37.494 tỉ đồng. Số tiền đã nộp ngân sách (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) là 6.092 tỉ đồng.
Cải thiện giao thông, không gian một số tuyến đường khu vực trung tâm TP.HCM
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa gửi đề xuất với UBND TP thí điểm đường Thái Văn Lung (quận 1) để xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường nội đô - không gian người đi bộ và bãi đỗ xe trên đường cho trung tâm TP.HCM.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải sẽ phối hợp quận 1 và các cơ quan nghiên cứu đề xuất kế hoạch cải thiện giao thông, không gian tại một số tuyến đường của nhóm chuyên gia Nhật Bản.
Đầu tiên, triển khai thí điểm thử nghiệm xã hội trên đường Thái Văn Lung (quận 1).
Từ đó xây dựng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá để đề xuất ban hành hướng dẫn chung công tác cải tạo, chỉnh trang lòng đường, vỉa hè trên cơ sở cải thiện môi trường, không gian đi bộ, kinh doanh, mua bán hàng hóa hai bên đường phố.
Dự án thí điểm cải thiện giao thông, cải tạo không gian đường phố bao gồm tiến hành cải tạo chỉnh trang lòng đường, hè phố, các công trình phụ trợ khác.
Đồng thời bố trí, sắp xếp lại phạm vi dừng đỗ xe, kinh doanh, mua bán hàng hóa hai bên đường, điều chỉnh lại tổ chức giao thông. Lắp đặt bổ sung các công trình tiện ích, hệ thống đỗ xe thông minh.
Thời gian bắt đầu triển khai từ tháng 7-2023 với tổng thời gian thực hiện là 13 tháng.
Xử lý triệt để các bến thủy sai phép
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi các đơn vị yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm 54 bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động trên địa bàn TP.HCM.
Trong đó, những bến này tập trung ở TP Thủ Đức, quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh… gây ảnh hưởng an toàn đường thủy.
Sở đề nghị Công an TP.HCM chỉ đạo đơn vị trực thuộc, công an địa phương tăng cường kiểm tra hành vi neo đậu, xếp dỡ hàng hóa hoặc đón, trả khách sai quy định.
Đồng thời phối hợp cưỡng chế trường hợp nào vi phạm nhiều lần, cố tình không tháo dỡ.
Nếu quá trình kiểm tra phát hiện, lực lượng kiên quyết phạt chủ phương tiện thủy, người điều khiển.
Đặc biệt đối với trường hợp chở quá tải trọng, không đăng ký, đăng kiểm và không đủ giấy tờ chuyên môn.
200m kè Thanh Đa bị sụt lún
Liên quan đến vụ sạt lở bờ kè kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ngày 26-6, mới đây Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã thông báo khẩn cấp về tình hình và phương án sửa chữa đến các đơn vị liên quan.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, một số vị trí bờ kè đã dịch chuyển khoảng 1,8m (theo chiều ngang), 200m bờ kè bị sụt lún nghiêm trọng, có chỗ sâu khoảng 1,26m so với mặt kè hiện hữu.
Vụ việc đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến 15 hộ dân tại khu vực. Tất cả nhà dân này đều bị nứt tường, nghiêng ra phía kênh, có thể đổ ra sông bất cứ lúc nào.
Về giải pháp trước mắt, UBND quận Bình Thạnh đã tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Cảnh báo người dân, xe cộ không đi đến đoạn kè đang sạt lở này.
Về giải pháp căn cơ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM giao sở này phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức quan trắc, đánh giá nguyên nhân và độ chịu lực kè để đề xuất cách sửa chữa hiệu quả nhất.
Giá quế xuất khẩu đạt trung bình 2.992 USD/tấn
Tin tức từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 43.186 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 129,2 triệu USD, tăng 25,1% về lượng và 0,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá quế xuất khẩu trung bình 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2.992 USD/tấn, giảm 737 USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Ấn Độ, Hoa Kỳ và Bangladesh là 3 thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam chiếm 67,1%, trong đó Ấn Độ đứng đầu đạt 17.380 tấn, tăng 35,4%; Hoa Kỳ đạt 5.000 tấn, giảm 4,5%; Bangladesh đạt 4.271 tấn, tăng 60,7%.
Xuất khẩu cũng tăng ở Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan…
Giá heo hơi có thể đạt mức 70.000 đồng/kg
Tin tức khảo sát tại nhiều khu vực miền Bắc cho thấy giá heo hơi liên tục tăng những ngày gần đây. Cụ thể, tại các tỉnh thành như Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình... giá thu mua lần lượt lên mức 63.000 - 67.000 đồng/kg, tăng 1.000 - 3.000 đồng so với tháng trước.
Trong khi đó, khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, giá heo hơi lên mốc phổ biến 59.000 - 64.000 đồng/kg tùy nơi và tùy loại, tăng 1.000 - 2.000 đồng so với hơn 10 ngày trước đó, và tăng hơn 10.000 đồng so với mức thấp 2 - 3 tháng trước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá heo tăng không quá nhanh nhưng có xu hướng tăng dần đều trong thời gian qua.
"Nhu cầu tiêu thụ hiện còn chậm, lượng heo nhập về các chợ đầu mối chưa trở về mức tốt như trước đó. Tuy nhiên, do nhiều doanh nghiệp chăn nuôi dẫn dắt giá bán, kèm nguồn cung heo có xu hướng sụt giảm vì người dân ngại tái đàn góp phần kéo giá heo tăng trong thời gian qua. Khả năng giá heo hơi một số vùng có thể sớm cán mốc 70.000 đồng/kg", ông Đoán nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận