Sáng nay, khai mạc phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Theo chương trình làm việc, sáng nay (11-6) sẽ khai mạc phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ.
Đồng thời xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí việc làm các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng với đó, cho ý kiến về dự thảo Luật thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Trong ngày 12-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Cho ý kiến về các dự thảo nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng…
Cơ quan thường trực Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp...
Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (báo cáo Quốc hội quyết nghị trong nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV)…
Bên cạnh đó, dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng cũng được xem xét, cho ý kiến tại phiên họp...
Bộ Tài chính khuyến cáo việc giả mạo văn bản, con dấu và website của bộ
Thông tin đến các cơ quan báo chí chiều 10-6, Bộ Tài chính cho biết thời gian qua liên tục nhận được thông tin về tình trạng giả mạo văn bản của Bộ Tài chính, giả mạo con dấu, chữ ký của lãnh đạo Bộ Tài chính, giả mạo website của Bộ Tài chính.
Thường gặp nhất là giả mạo giấy xác nhận ủy quyền; giả mạo bản cam kết thực hiện ủy quyền và tất toán tiền... để yêu cầu người dân chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo thông qua website giả mạo của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính khuyến cáo người dân, doanh nghiệp cần cảnh giác trước việc giả mạo, lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức của Bộ Tài chính và Bộ Tài chính để lừa đảo người dân nhằm trục lợi cá nhân.
Bộ Tài chính đề nghị người dân, doanh nghiệp nâng cao cảnh giác, thận trọng trong các giao dịch chuyển tiền đối với những người không quen biết trên mạng.
Đồng thời, khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân, doanh nghiệp cần tố giác với cơ quan chức năng để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Hiện nay Bộ Tài chính đang phối hợp và đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ các hành vi giả mạo văn bản, chữ ký, con dấu của lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Tài chính.
"Ém" nhiều tài liệu, FLC bị xử phạt
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.
Theo đó, doanh nghiệp này bị phạt tiền 92,5 triệu đồng do không công bố một loạt tài liệu như: Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020, năm 2022; báo cáo tài chính bán niên năm 2023 và các năm 2020, 2021, 2022.
Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020; tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu bán niên 2023 và 2022, báo cáo tài chính năm 2023 (đã được kiểm toán) cũng không được FLC công bố.
Ngoài ra, FLC công bố không đúng thời hạn với báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên năm 2022; tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện bán niên năm 2023.
Các báo cáo tài chính bán niên năm 2022; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên các năm 2022, 2023; nghị quyết số 66 về việc chấp thuận đề nghị thôi giữ chức vụ phó tổng giám đốc của bà Võ Thị Thùy Dương cũng không được FLC công bố đúng hạn.
Đề xuất thêm quy định đặc thù với sĩ quan, quân nhân quân đội
Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Quốc phòng đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết mức hưởng lương hưu đối với quân nhân hoạt động trong lĩnh vực đặc thù quân sự.
Bộ Quốc phòng nhấn mạnh hoạt động quân sự đặc thù, khắc nghiệt, tuyển dụng khó, yêu cầu khắt khe cả về tuổi đời, sức khỏe, nhất là nhóm đặc công, hải quân, hóa học, tăng thiết giáp, ra đa…
Có những lĩnh vực chỉ được sử dụng không quá 45 tuổi.
Ngoài ra, theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan cấp úy là 46 tuổi, cấp thiếu tá là 48 tuổi, cấp trung tá là 51 tuổi, cấp úy quân nhân chuyên nghiệp là 52 tuổi...
Khi hết tuổi phục vụ, nếu các nhóm trên không được bố trí, điều chỉnh nhiệm vụ hoặc không điều động, bổ nhiệm vị trí có trần quân hàm cao hơn thì phải nghỉ chế độ để tuyển chọn, bổ sung lực lượng mới.
Tuy nhiên, dự thảo quy định để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% thì nam giới phải đủ 35 năm công tác đóng bảo hiểm xã hội, nữ giới đủ 30 năm công tác đóng bảo hiểm xã hội.
Như vậy các nhóm quân nhân nêu trên sẽ có lương hưu thấp (không đạt tỉ lệ tối đa 75%) do thời gian đóng bảo hiểm xã hội không đủ 35 năm, 30 năm lần lượt ở nam và nữ, tác động đến tư tưởng, đời sống của người thụ hưởng và gia đình, làm giảm sức hút nhân lực và quân đội, ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng quân đội…
Bộ Quốc phòng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung quy định đặc thù về cách tính mức hưởng lương hưu hằng tháng để người hết tuổi công tác trong quân đội được hưởng lương hưu cao nhất.
UOB dự báo Việt Nam tăng trưởng 6% quý 2-2024
Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia của Ngân hàng UOB (Singapore) kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 2-2024 sẽ tăng lên 6% so với cùng kỳ, kéo dài mức tăng 5,66% trong quý 1.
Dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho cả năm 2024.
Kết quả này dựa trên dữ liệu được công bố cho đến nay.
Cụ thể, chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) cho lĩnh vực sản xuất đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 5-2024, trong khi xuất khẩu hàng hóa ghi nhận tháng thứ ba tăng trưởng hai con số, với mức tăng 15,8%.
Cùng với đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7,8% so với cùng kỳ lên 8,3 tỉ USD trong tháng 5 vừa qua.
UOB cũng đánh giá trong khi những rủi ro bên ngoài tiếp tục đè nặng lên triển vọng kinh tế thế giới thì triển vọng của Việt Nam được củng cố nhờ sự phục hồi của nhu cầu chip bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, cũng như những sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng đang diễn ra.
Hãng xe công nghệ đẩy mạnh đầu tư đón cao điểm du lịch hè
Tin tức từ Grab Việt Nam cho biết đang đẩy mạnh cải tiến công nghệ, nâng cao hoạt động vận hành và thúc đẩy các chương trình quảng bá thương hiệu để mang đến trải nghiệm dịch vụ tốt hơn nữa cho người dùng tại các sân bay, ga tàu, bến xe trên khắp cả nước.
Đây là những địa điểm được dự đoán sẽ cần ứng phó với nhu cầu di chuyển tăng đột biến trong mùa cao điểm du lịch hè 2024.
Trong năm 2023, Grab đã đầu tư hơn 50 tỉ đồng vào vận hành dịch vụ tại các sân bay, ga tàu, bến xe để nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho hành khách, gia tăng hiệu quả hoạt động cho đối tác tài xế.
Ước tính số chuyến xe Grab có điểm đón là hai sân bay quốc tế lớn nhất nước, Tân Sơn Nhất và Nội Bài, trong năm 2023 lần lượt tăng 134% và 178% so với năm 2022.
Trong khi tổng số chuyến xe GrabBike và GrabCar có điểm đến/điểm đón là sân bay, ga tàu, bến xe trên toàn quốc lần lượt tăng 36% và 68%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận