Xem xét bổ sung 6 dự luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
Theo chương trình phiên họp, hôm nay 11-12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị bổ sung 6 dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Gồm dự án Luật Phá sản (sửa đổi), dự Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), dự Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự Luật Báo chí (sửa đổi), dự Luật Luật sư (sửa đổi), dự thảo nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tổng kết kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Xem xét, thông qua chương trình công tác năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, thông qua pháp lệnh chi phí tố tụng. Cho ý kiến về dự thảo nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư…
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn có thể bị phạt tới 100 triệu đồng
Ngày 10-12, Chính phủ ban hành nghị định số 155/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn.
Theo nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Hình thức xử phạt bổ sung gồm: tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn từ 1 - 12 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện đã sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
Cụ thể, phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng nếu thực hiện không đúng phạm vi hoạt động dự báo, cảnh báo theo nội dung giấy phép; phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng nếu tự ý cho mượn, cho thuê giấy phép; phạt tiền từ 25 - 30 triệu đồng nếu hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn...
Truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không có nguồn gốc bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng; truyền, phát không đầy đủ nội dung bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng; truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn chậm so với thời gian quy định bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-2-2025.
Cảnh sát giao thông mở cao điểm kiểm tra vi phạm giao thông
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), từ ngày 15-12 tới đây, cảnh sát giao thông và công an các địa phương sẽ mở cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên các tuyến giao thông dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các lễ hội đầu xuân 2025.
Với đường bộ, lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt, dừng, đỗ sai quy định... Ngoài ra sẽ tập trung kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm luật giao thông, người giao xe cho các em học sinh điều khiển.
Trên đường thủy, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm về vận chuyển hàng hóa, hành khách; các bến, phương tiện không đảm bảo an toàn...
Đối với đường sắt sẽ kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm gây mất an toàn giao thông đường sắt, nhất là tại các đường ngang, lối đi tự mở; kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn chạy tàu của các nhân viên đường sắt, điều kiện lưu hành của các phương tiện giao thông đường sắt...
TP.HCM chỉ 51% lao động tham gia bảo hiểm xã hội, cảnh báo gánh nặng an sinh
Chiều 10-12, tại kỳ họp thứ 20, HĐND TP.HCM khóa X đã tiến hành giám sát chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2025.
Tại phiên giám sát, đại biểu Cao Thanh Bình - trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM - đã nêu ý kiến về việc TP.HCM có khoảng 4,9 triệu lao động nhưng chỉ có khoảng 51% người tham gia bảo hiểm xã hội. Trong đó số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 39.043, chỉ đạt 0,8-1%.
Ông Bình cho rằng cần có giải pháp tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội, nếu không đây sẽ là gánh nặng cho an sinh xã hội khi số lao động này về già.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, hiện nay mức đóng bảo hiểm xã hội cao nhưng các chế độ chưa có nhiều hấp dẫn. Tuy nhiên năm 2025 các chế độ chính sách có nhiều hấp dẫn hơn. Trong đó người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng chế độ thai sản, hưởng chế độ tai nạn nghề nghiệp, chế độ hưu trí…
Ca sởi tại TP.HCM tăng gần 50%
Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay tính từ ngày 2-12 đến 8-12 (tuần 49), TP ghi nhận 357 ca sởi, tăng 47,8% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 49 là 2.805 ca.
So sánh ca bệnh so với trung bình 4 tuần trước đó, có 19 quận huyện có số ca tăng gồm: quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Củ Chi, Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè, Phú Nhuận, Tân Phú và TP Thủ Đức.
Trong tuần 49 ghi nhận 659 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 6,6% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 49 là 14.193 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, TP Thủ Đức và quận 7.
Trong tuần 49, TP cũng ghi nhận 214 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 29,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 49 là 16.166 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.
Để phòng bệnh sởi, phụ huynh cần cho con tiêm ngừa đầy đủ theo lịch để tạo miễn dịch cho trẻ, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế để phòng tránh tay chân miệng và sốt xuất huyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận