Khai mạc phiên họp 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng nay 10-7, phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc. Phiên họp dự kiến diễn ra trong 1,5 ngày.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và 6-2024; cho ý kiến về chủ trương tổ chức Diễn đàn Quốc hội về hoạt động giám sát tối cao và công tác chuẩn bị.
Bên cạnh đó, xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về giải thể, thành lập, sáp nhập một số cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về việc kiện toàn tổ chức bộ máy, kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự các cấp. Xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương...
Đại gia bất động sản tăng vay nợ ngân hàng
Trong báo cáo về thị trường bất động sản nhà ở vừa công bố, Visrating cho biết tỉ lệ đòn bẩy của các chủ đầu tư sẽ duy trì ở mức cao khi các công ty này tăng cường sử dụng nợ vay để phát triển các dự án mới.
Trong quý 1-2024, tỉ lệ đòn bẩy của các chủ đầu tư niêm yết có xu hướng tăng, thể hiện bằng chỉ số nợ vay/EBITDA (hiệu quả kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp trước lãi suất và thuế) tăng lên mức 3.4x từ mức nhỏ hơn 2x trong giai đoạn trước năm 2022.
Visrating kỳ vọng dư nợ ngân hàng cho vay kinh doanh bất động sản tại Việt Nam sẽ tăng 16-18% trong năm 2024. Đồng thời, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới của các chủ đầu tư bất động sản ghi nhận sự phục hồi trong 5 tháng đầu năm 2024, và sẽ hưởng lợi từ tâm lý thị trường cải thiện.
Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết công bố kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu trong các kỳ đại hội cổ đông gần đây. Visrating ước tính khoảng 26.000 tỉ đồng vốn chủ sở hữu mới sẽ được huy động cho phát triển dự án hoặc để trả nợ đáo hạn.
Khẩn trương xử lý bất cập tại công trường hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ
Sở Giao thông vận tải TP.HCM mới đây đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM khẩn trương khắc phục bất cập tồn tại ở khu vực thi công hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7).
Theo đó, các đơn vị khắc phục ngay tình trạng hư hỏng mặt đường Nguyễn Văn Linh tại khu vực thi công dự án (kể cả phạm vi bên ngoài rào chắn). Đồng thời phải sơn trắng đỏ và tăng cường phản quang đầu dải phân cách; bổ sung đèn đếm lùi tại điểm quay đầu xe trước Vivo City; nghiên cứu giải pháp bảo đảm toàn tuyệt đối cho lực lượng cán bộ, công nhân khi lưu thông vào phần đường cấm xe hai bánh để vào công trường làm việc...
"Nếu đơn vị nào không đảm bảo tiến độ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ không xem xét giải quyết các hồ sơ đề nghị cấp phép thi công, hồ sơ phương án tổ chức phân luồng giao thông phục vụ thi công", sở này nêu.
Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ có tổng mức đầu tư 830 tỉ đồng. Dự án được khởi công tháng 4-2020, đến nay đạt khoảng 75% tổng khối lượng.
Vướng quy hoạch khoáng sản, Lâm Đồng phải dừng nhiều dự án
UBND TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) cho biết đã tạm dừng thực hiện một số dự án do chồng lấn quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản (quyết định 866/QĐ-TTg, gọi tắt quyết định 866 - PV).
Trong đó, các dự án: Nâng cấp đường Nguyễn Viết Xuân; nâng cấp, mở rộng đường Trần Tế Xương đều do UBND xã Đam B'ri làm chủ đầu tư buộc tạm dừng thực hiện cho đến khi Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận cho triển khai dự án.
Đối với dự án xây dựng nhà vệ sinh 7 trường học trên địa bàn, UBND TP Bảo Lộc cũng yêu cầu chủ đầu tư tách hạng mục xây lắp thành 2 gói thầu theo quy định. Trong đó, gói thầu xây dựng nhà vệ sinh Trường tiểu học Lý Tự Trọng (xã Đam B'ri) phải tạm dừng thực hiện do đang chồng lấn với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quyết định 866/QĐ-TTg.
TP Bảo Lộc có hơn 4.284ha thuộc quy hoạch theo quyết định 866 về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Diện tích quy hoạch này nằm trên các phường Lộc Phát, phường 2, Lộc Tiến và 2 xã Đam B'ri, Lộc Châu.
Việc chồng lấn quy hoạch đã ảnh hưởng đến nhiều dự án, công trình trọng điểm của địa phương được phê duyệt từ trước, như dự án xây dựng Nhà máy cấp nước Bảo Lộc; dự án cải tạo, nâng cấp đường số 52 thuộc hẻm 2 Tản Đà (xã Đam B'ri); các dự án cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Viết Xuân, Trần Tế Xương (xã Đam B'ri) và dự án nâng cấp trụ sở UBND xã Đam B'ri…
Nhiều dịch bệnh vào giai đoạn cao điểm, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát
Tin tức từ Bộ Y tế, hiện nước ta đang trong giai đoạn thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều, đồng thời cũng đang trong dịp cao điểm du lịch hè, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao. Nhất là với bệnh sởi, một số bệnh dự phòng bằng vắc xin và sốt xuất huyết đã bắt đầu vào giai đoạn cao điểm.
Để chủ động phòng, chống, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng.
Các địa phương thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét, vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch; tăng cường truyền thông đến người dân về các biện pháp phòng chống dịch...
TP.HCM sẽ công bố cơ sở tiêm chủng không đảm bảo an toàn
Sở Y tế TP.HCM vừa có công văn gửi các phòng y tế quận, huyện và TP Thủ Đức, yêu cầu báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá hoạt động tiêm chủng 6 tháng đầu năm 2024.
Theo Sở Y tế, mặc dù sở đã có công văn yêu cầu các địa phương kiểm tra, đánh giá và báo cáo tiến độ định kỳ mỗi tháng, nhưng đến nay một số phòng y tế vẫn chưa có báo cáo định kỳ.
Tính đến ngày 3-7, tại TP.HCM có tổng cộng 683 cơ sở công bố đủ điều kiện tiêm chủng. Trong 4 tháng đầu năm 2024, ngành y tế TP đã rút tên 5 cơ sở do không đủ các điều kiện đảm bảo an toàn. Danh sách các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn tiêm chủng sẽ được công bố trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận