Xây dựng giải pháp điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá
Chính phủ vừa ban hành nghị quyết số 115 về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7-2023.
Về đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất với 7 nhóm chính sách.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của thành viên Chính phủ với các yêu cầu.
Trong đó, đối với chính sách hoàn thiện quy định về căn cứ tính thuế và thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỉ lệ % và mức thuế tuyệt đối) đối với rượu, bia theo chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Đồng thời, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế. Xây dựng giải pháp điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá ở mức thuế suất phù hợp, theo lộ trình.
Việc này trên cơ sở bảo đảm mục tiêu thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Cảnh báo giả danh cán bộ thuế yêu cầu cài phần mềm giả mạo chiếm đoạt tài sản
Tin tức từ Công an Hà Nội cho biết đã đưa ra cảnh báo về việc thời gian gần đây xuất hiện các đối tượng giả danh cán bộ thuế rồi yêu cầu người dân cài phần mềm giả mạo. Từ đó lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản. Đã có nạn nhân mắc lừa thủ đoạn này.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động, máy tính của người dùng từ xa để thực hiện các thao tác soạn, gửi tin nhắn SMS; mở khóa thiết bị di động; bật tắt mạng Internet, truy cập WiFi; đọc, ghi danh bạ...
Đọc, ghi lịch sử cuộc gọi, thực hiện cuộc gọi, tự thực hiện khôi phục mật khẩu tài khoản, tự đăng ký các dịch vụ Internet banking, smart banking, thay đổi hạn mức giao dịch của tài khoản, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại.
Đặc biệt, các tin nhắn xác thực mã OTP, việc truy cập, chuyển tiền đều bị phần mềm gián điệp ẩn (không hỗ trợ cho người dùng) chuyển cho các đối tượng lừa đảo mà chủ điện thoại không hề hay biết.
Công an Hà Nội đề nghị người dân tuyệt đối không tải hoặc cài đặt ứng dụng của cơ quan thuế qua các đường dẫn hoặc các hướng dẫn không chính thống, không phải do Tổng cục Thuế cung cấp.
Nếu người dùng cài đặt phần mềm giả mạo có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại.
Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.
Trường hợp nhận được các tin nhắn và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngành gỗ xúc tiến tìm khách hàng cho năm 2024
Ông Nguyễn Quốc Khanh - chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) - cho biết ngành chế biến gỗ và nội thất những tháng đầu năm 2023 đón nhận những con số không tích cực. Sáu tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nội thất và lâm sản đạt 6,5 tỉ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm trước.
Dù đã được dự báo từ cuối năm 2022 nhưng việc thiếu đơn hàng khiến các nhà máy của các doanh nghiệp nước ngoài phải giảm công suất, giảm lao động, thậm chí là làn sóng trả mặt bằng, nhà xưởng... vẫn khiến nhiều người bất ngờ.
Để định vị lại tầm nhìn phát triển cho ngành nội thất Việt Nam trong bối cảnh mới, ông Khanh cho biết HAWA sẽ phối hợp các bộ, ngành tổ chức Hội chợ xuất khẩu Đồ gỗ & Nội thất TP.HCM - HawaExpo 2024 vào tháng 3-2024.
Điều khác biệt là quy mô sẽ lớn nhất từ trước đến nay, mở rộng đến 3 địa điểm thuộc 2 thành phố gồm TP.HCM và Bình Dương. Hội chợ quy tụ 700 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ, nội thất, mỹ nghệ của Việt Nam, đặt mục tiêu đón 30.000 khách tham quan từ 200 quốc gia cùng chiến dịch quảng bá toàn cầu ấn tượng.
Kết quả khảo sát sơ bộ với các doanh nghiệp được HAWA thực hiện cho thấy đơn hàng ở các doanh nghiệp trong ngành giảm trung bình 30% trong thời gian qua. Tuy nhiên, từ tháng 7-2023, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới.
Mỗi tuần một lần TP.HCM sẽ nhắn tin kêu gọi phòng bệnh tay chân miệng
Ngày 31-7, tin tức từ UBND TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi Viễn thông TP.HCM, Công ty dịch vụ Viễn thông MobiFone khu vực 2… về việc nhắn tin kêu gọi người dân tham gia cùng chung tay phòng, chống dịch tay chân miệng.
UBND TP.HCM cho biết số ca mắc chân tay miệng bắt đầu tăng từ đầu tuần thứ 20 (từ ngày 13 đến ngày 19-5) và tăng từ tuần thứ 24 (ngày 12-6 đến ngày 18-6). Ngành y tế TP.HCM dự báo số ca mắc và số ca nặng sẽ tiếp tục tăng trong những tuần sắp tới.
Mặc dù chưa có ca tử vong nhưng đến nay đã có 6 trẻ tử vong tại các bệnh viện của TP.HCM đều có hộ khẩu từ tỉnh, thành khác.
Bên cạnh đó, Enterovirus (EV71) là tác nhân gây ra các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và năm 2018. Do đó UBND TP.HCM cho phép Sở Y tế phối hợp với các công ty viễn thông gửi tin nhắn đến từng người dân để kêu gọi phòng chống dịch tay chân miệng.
Cụ thể, tên tin nhắn: UBND TP.HCM, hình thức nhắn tin SMS (không tính phí), số lần nhắn tin 1 tuần/lần (bắt đầu từ ngày 1-8 đến hết tháng 8-2023).
Nội dung tin nhắn: "Để phòng bệnh tay chân miệng, người chăm sóc trẻ và trẻ em cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của trẻ, bàn ghế, sàn nhà… Nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh, hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận