Công đoàn dành ít nhất 1.000 tỉ đồng lo Tết cho người lao động
Theo ông Phan Văn Anh - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan này đã chỉ đạo các cấp công đoàn nắm bắt hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp để có báo cáo việc làm, thu nhập, thưởng Tết của người lao động cho Tổng liên đoàn cũng như các cấp ở địa phương.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có kế hoạch dành nguồn lực để tặng trên 19.000 phần quà cho công nhân, lao động trên cả nước. Quà gồm 1 triệu đồng, hiện vật tương đương 300.000 đồng. Công đoàn Việt Nam cũng dành trên 500 tỉ đồng hỗ trợ 1 triệu đoàn viên, lao động khó khăn với mức quà 500.000 đồng/người.
Chợ Tết Công đoàn 2024 tổ chức cả trực tiếp và online trên sàn thương mại điện tử. Sàn online dự kiến triển khai từ ngày 12 tháng chạp đến cận Tết.
Mỗi đơn vị được lựa chọn từ các cấp, các ngành sẽ có khoảng 2.000 - 4.000 lao động nhận voucher mua hàng. Tổng số voucher phát ra trên 200.000, trị giá 300.000 đồng/voucher.
Ngoài ra, theo ông Văn Anh, một ngân hàng cam kết tài trợ thêm 300.000 đồng cho đoàn viên sử dụng thẻ ngân hàng trong chương trình này. Như vậy, mỗi phần quà tại chợ Tết Công đoàn khoảng 300.000 - 600.000 đồng.
"Nguồn lực chăm lo Tết 2024 dự kiến lớn nhất từ trước đến nay. Riêng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chi khoảng 1.000 tỉ đồng chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động", ông Phan Văn Anh nói và nêu trước đó dịp Tết năm 2023, tổng nguồn lực của Công đoàn và xã hội hóa trên 6.000 tỉ đồng.
Về đi lại, ngoài các chuyến xe đưa công nhân về nhà, Công đoàn phối hợp với các bên tổ chức các chuyến tàu đưa người lao động từ miền Nam về quê ăn Tết với khoảng 2.000 người. Những "chuyến bay 0 đồng" đưa đoàn viên từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về Bắc ăn Tết cũng được triển khai.
"Ông lớn" bia rượu sắp chi hàng nghìn tỉ đồng trả cổ tức
Tuần đầu tiên của năm mới (ngày 2 đến 6-1-2024), một loạt doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt.
Trong đó, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) chốt ngày đăng ký cuối cùng nhận tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt 2023 là 5-1-2024. Tỉ lệ chi trả 15%, tương đương 1.500 đồng/cổ phiếu.
Sabeco có hơn 1,28 tỉ cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, ước tính doanh nghiệp cần hơn 1.900 tỉ đồng để thanh toán cổ tức lần này.
Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) cũng thông báo 4-1-2024 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng nhận quyền cổ tức. Tỉ lệ thực hiện chia cổ tức bằng tiền lần này tại SCS là 20%, tương ứng 1 cổ phiếu nhận 2.000 đồng.
Tuần tới còn có 4 doanh nghiệp sẽ trả cổ tức bằng tiền với tỉ lệ 15% (tức 1.500 đồng cho mỗi cổ phiếu sở hữu), bao gồm: DAD của CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng, PTB của CTCP Phú Tài và ICN của CTCP Đầu tư Xây dựng Dầu khí IDICO.
Cũng có một số doanh nghiệp sẽ chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu trong tuần tới. Cụ thể như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) sẽ trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỉ lệ 20%, tức là 100 cổ phiếu sẽ nhận 20 cổ phiếu mới.
Ngày đăng ký cuối cùng theo thông báo VHC là 5-1-2024. Còn ngày giao dịch không hưởng quyền trước đó 1 ngày, tức là 4-1-2024.
379 cơ sở nhà, đất bộ, cơ quan trung ương được phê duyệt phương án sắp xếp lại
Theo Bộ Tài chính, năm 2023 công tác quản lý tài sản công đã đạt được những kết quả quan trọng, dần đi vào nề nếp, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, huy động, khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công.
Năm 2023, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương thực hiện xử lý, sắp xếp nhà, đất của các bộ, ngành, tổng công ty và tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ thành lập.
Theo đó, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 379 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương.
Tổng hợp số liệu báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, hội đặc thù và các địa phương gửi về Bộ Tài chính, tổng số cơ sở nhà, đất (bao gồm cả nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước trên 50%) thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo nghị định 167/2017, nghị định 67/2021 là 268.274 cơ sở nhà, đất.
Trong đó, tổng số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 189.659 cơ sở; tổng số cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt là 78.615 cơ sở.
Quy hoạch sân bay chuyên dùng tại Mộc Châu
Theo quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ quy hoạch hai sân bay trong phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông.
Cụ thể định hướng nghiên cứu xây dựng sân bay Mộc Châu theo hướng là sân bay chuyên dùng.
Trong đó, sân bay Nà Sản sẽ thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sân bay Nà Sản là sân bay nội địa cấp 4C (theo ICAO) và là sân bay quân sự cấp I. Công suất đến năm 2030 dự kiến là 1 triệu hành khách/năm, đến năm 2050 là 2 triệu hành khách/năm.
Đáng chú ý, quy hoạch cũng định hướng nghiên cứu xây dựng sân bay Mộc Châu theo hướng là sân bay chuyên dùng khi có đủ điều kiện. Vị trí dự kiến của sân bay này ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu. Sân bay nhằm phục vụ mục tiêu phát triển du lịch.
Hỗ trợ các tiểu thương bị thiệt hại trong vụ cháy chợ đồ cũ ở An Giang
Chiều 31-12, đoàn công tác của tỉnh An Giang và thành phố Châu Đốc đã đến thăm, động viên và trao hỗ trợ bước đầu cho các hộ tiểu thương bị thiệt hại trong vụ cháy tại chợ đồ cũ Châu Long, thuộc phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc vào sáng 31-12.
Đoàn trao quà hỗ trợ bước đầu cho 110 hộ tiểu thương, mỗi hộ 6 triệu đồng (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang 3 triệu đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Châu Đốc 3 triệu đồng) nhằm chia sẻ một phần khó khăn với bà con.
Trước đó, khoảng 6 giờ sáng 31-12, tại chợ Châu Long - chuyên bán quần áo may sẵn, giày dép… đã qua sử dụng (thuộc phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc) đã xảy ra vụ cháy lớn, thiêu rụi toàn bộ 286 ki ốt của hơn 110 hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ Châu Long.
Ước tính tài sản thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng. Vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Được biết, chợ Châu Long có 286 ki ốt của 110 tiểu thương kinh doanh, đa số bán mặt hàng quần áo may sẵn, túi xách,… đã qua sử dụng. Khu lô sạp bán quần áo cũ được xây dựng vào năm 2000 đến thời điểm hiện nay các cơ sở vật chất tại đây đã xuống cấp.
Tết dương lịch, nhiều người chọn ở lại thành phố
Ngày 31-12, tòa nhà trụ sở HĐND và UBND TP.HCM tiếp tục mở cửa đón hơn 1.000 lượt khách tham quan.
Trong hai ngày cuối cùng của năm 2023, tour tham quan trụ sở HĐND và UBND TP đã mở cửa thông tầm không nghỉ trưa và tăng thêm 60 phút vào buổi chiều để phục vụ khoảng 2.500 khách tham quan.
Đây là số lượng khách tham quan nhiều nhất trong các chương trình tham quan kể từ khi nơi này mở cửa đón khách trong năm qua.
Sau khi thí điểm đón khách tham quan thành công vào dịp 30-4 và 1-5, du lịch TP.HCM đã mạnh dạn triển khai thành chương trình đón khách tham quan định kỳ như một sản phẩm du lịch nội đô độc đáo của thành phố. Và đến nay qua 8 đợt mở cửa, đã có gần 11.000 khách vào tham quan trụ sở.
Theo ghi nhận, kỳ nghỉ Tết dương lịch 2024 được nhiều người lựa chọn ở lại thành phố, khiến các quán ăn, địa điểm vui chơi, trung tâm mua sắm khá đông đúc khách.
Đại diện khách sạn Majestics cho biết hơn 300 vé xem màn bắn pháo hoa năm mới 2024 tại nhà hàng của khách sạn đã được mua sạch từ cả tháng trước gồm vé tiệc tối và thức uống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận