19/10/2019 18:00 GMT+7

Tin tức cuối cùng khi Sulli còn sống

HUỲNH TRỌNG KHANG
HUỲNH TRỌNG KHANG

TTO - Thật khó xử khi đứng trước cái chết, nhất là cái chết của một người trẻ, nhất là người trẻ ấy lại cùng tuổi với mình, cùng tuổi mà đã sớm đứng trong ánh hào quang nhưng cũng không ít cay đắng.

Trên giấy tờ cô tên Choi Jin Ri, trên môi người thân, bạn bè, đơn giản là Jin Ri và dưới ánh đèn sân khấu cô là Sulli - một mảnh của nhóm nhạc f (x).

Cô ấy vừa qua đời ở tuổi 25. Tự vẫn. Cảnh sát đang tìm thư tuyệt mệnh. Đó là những tin tức đầu tiên người ta nói về cô gái ấy khi bạn thân phát hiện thi thể cô trong căn hộ.

Không ai nghĩ cô gái trẻ đó sẽ chọn lựa cái chết như vậy bởi trong mọi đoạn phim, mọi bức ảnh lưu lại, lúc nào cô cũng cười rất tươi, một nụ cười ngỡ tưởng chỉ đến được từ những người vô ưu.

Mà cô có gì để u buồn kia chứ? 25 tuổi. 14 năm trong làng giải trí. Được hàng triệu người trên thế giới biết đến và yêu mến. Chính vì không ai nghĩ đến điều đó, nên sự ra đi đột ngột của cô khiến nhiều người bàng hoàng. Rất trẻ. Có cả một cuộc đời.

Có lẽ chính vì nghĩ rằng cô đã quá đủ đầy, không có gì phải lo nghĩ trên cuộc đời. Có lẽ chính vì nghĩ rằng dù nụ cười ấy sẽ không bao giờ tắt, dù có chuyện gì đi nữa. Vì những cái "có lẽ" ấy mà người ta dễ dàng phán xét, từ cách ăn mặc, từ lối sống tự do, từ chuyện hẹn hò...

Dẫu biết người của công chúng thường chịu sự soi mói, nhưng cả ngay lúc nhân vật chính nhiều lần kêu rằng mình cô đơn, buồn bã, cái tiếng kêu đó cũng chìm khuất vì người ta bận "nhìn". Chúng ta đã sống một thế giới mà con người nhìn ngó nhau nhiều hơn, chứ ít chịu lắng nghe nhau.

Còn những tin tức cuối cùng khi cô ấy còn sống? Gần nhất, những ngày cuối tháng 9: "Sulli mém lộ vòng một khi livestream". Đó là điều cuối cùng truyền thông nói về cô ấy, đó là điều cuối cùng cô ấy nghe được từ mọi người, rằng mình đã "tồi tệ" như thế nào.

Tin tức cuối cùng khi Sulli còn sống - Ảnh 2.

Sulli là điển hình của một người trẻ trong xã hội Á Đông ngày nay, cố tồn tại trong những đô thị lớn, xa gia đình, bươn chải trước muôn vàn khó khăn. Những người trẻ không được phép khóc hay thậm chí là buồn. Bởi nỗi buồn thường bị gán cho sự ủy mị, "tỏ ra yếu đuối để được thương hại".

Chúng ta thiếu vắng niềm tin đến nỗi đã không còn có thể thông cảm cho nhau hay thông cảm cho chính chúng ta. Blog, Facebook, Instagram giúp con người hiện đại có thêm nhiều công cụ để trải lòng hơn.

Chúng ta livestream mọi lúc, mọi nơi vì ta có nhu cầu chia sẻ, vì ta sợ nếu sao nhãng một giây thôi thế giới sẽ lãng quên mình. Livestream sinh ra một lớp người "nhìn miệng", cái thói quen ông bà dạy là tối kỵ nhìn người khác ăn uống thì nay một người livestream lúc mình ăn, có vài triệu người "nhìn miệng".

Nhưng tôi biết có những người bạn đến bữa cơm đã bật những đoạn video đó lên như thể có người ăn cơm cùng mình.

Sulli đã bị lên án, chê cười trong lúc livestream như thế. Đó là tin tức cuối cùng khi cô gái ấy còn sống. Từ tin tức đó đến tin cô tự vẫn cách nhau nửa tháng.

Tin tức cuối cùng khi Sulli còn sống - Ảnh 3.

Chúng ta không biết cô nghĩ gì suốt quãng thời gian đó. Sulli không ngại bộc lộ mình, cả lúc vui lẫn những dấu hiệu trầm cảm nhưng mọi người đã bỏ qua, vì ta không nghĩ đến một ngày cô gái ấy lựa chọn kết thúc, trái tim nhẹ nhõm biết bao khi không đứng trước cái chết.

Tôi nhớ đến Naoko trong Rừng Na Uy - cuốn tiểu thuyết có những cái chết trẻ. Những cái chết của những người xinh đẹp, thông minh, gia cảnh tốt, những người mà khi tình cờ gặp họ trên đường ta cứ nghĩ họ là những kẻ có tất cả.

Naoko, trong một đêm tối trời, đi vào rừng và quyết định treo cổ ở đó. Một cái chết cô quạnh. Và tôi nhớ đến nhà thơ Carlos Drumond de Andrade nói với chính mình trong Đừng tự sát:

mi là cây cọ, mi là tiếng khóc

không ai nghe thấy trong rạp hát

và đèn tắt hết.

Công nghệ mở rộng mối quan hệ của ta hơn, nhưng không làm ta rộng lượng hơn. Chúng ta tằn tiện lời ngợi khen cho những hành động tốt, nhưng lại hào phóng ném ra những lời chê bôi, miệt thị khi ai đó mắc sai lầm.

"Cà khịa" trở thành một từ thịnh hành vì nó phản ánh thói quen của chúng ta hôm nay, "cà khịa" mọi người và mọi chuyện. "Biến căng" đối với chúng ta là những "biến cố" nghiêm trọng cần được "hóng" và "xin link".

Chúng ta chẳng khi nào nghĩ rằng rất có thể những lời "vô hại" của mình là giọt nước cuối cùng rót vào ly nước sắp tràn.


Tin tức cuối cùng khi Sulli còn sống - Ảnh 4.

Khi còn sống, Sulli đã thốt lên trong một chương trình: "Em nói với họ là em kiệt sức rồi, nhưng không một ai lắng nghe". Cô đã chống chọi trong một thời gian dài với trầm cảm và mặc cho những lời kêu cứu, dư luận vẫn ném vào cô những lời lẽ tiêu cực.

Cho đến cái buổi sáng sau ngày thiếu nữ Jin Ri qua đời, thế giới thức dậy và bắt đầu than khóc cho một con người mà họ từng miệt thị.

Jin Ri cũng giống như bao thiếu niên thiếu nữ bình thường khác, đã tự sát mỗi năm vì chứng trầm cảm, vì không chịu được áp lực xã hội, vì không thể nghe nổi những lời lẽ xúc phạm từ những người lạ trên mạng xã hội và nhất là không ai chịu chìa một bàn tay ra để đón nhận họ trong lúc khó khăn nhất.

"Buổi sáng sau ngày tôi tự sát, tôi quay về với thi thể trong nhà xác và cố gắng nói chuyện với cô gái ấy. Tôi nói về những trái bơ và những tảng đá bước bộ, tôi nói về dòng sông và ba mẹ cô ấy. Tôi nói về những buổi hoàng hôn, cô chó và bãi biển.

Buổi sáng sau ngày tôi tự sát, tôi cố gắng làm ngược lại, nhưng không thể cứu vãn những gì chính tôi đã bắt đầu".

Meggie Royer, thiếu nữ 25 tuổi khác, đã viết như thế trong một bài thơ của mình. Ở tuổi trẻ chênh vênh, có những khoảng thời gian mà nhiều người trẻ đã ước rằng giá như tất cả ác mộng của họ kết thúc, đêm nay khi nhắm mắt lại, họ sẽ không bao giờ nhìn thấy thế giới nữa.

Tôi cố hình dung giá buổi sáng sau ngày Jin Ri tự sát, cô có thể trở về và thấy mọi người yêu mến cô thế nào. Và giờ đây cô đã được lắng nghe, được thấu hiểu thế nào...

Sulli tự tử: Nạn nhân của bạo lực mạng chỉ vì sống thật? Sulli tự tử: Nạn nhân của bạo lực mạng chỉ vì sống thật?

TTO - Sulli là một ví dụ điển hình của nạn nhân bạo lực mạng. Nữ diễn viên thường xuyên nhận được nhiều bình luận tiêu cực trên mạng xã hội như "bệnh hoạn", "thác loạn", "ngu xuẩn", "vô học"…

HUỲNH TRỌNG KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên