Căng thẳng Mỹ - Đài Loan - Trung Quốc
* Mỹ kêu gọi Trung Quốc kiềm chế khi tập trận quanh Đài Loan. Washington nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng thực hiện các cam kết an ninh của mình ở châu Á.
"Các kênh liên lạc của chúng tôi với Trung Quốc vẫn mở và chúng tôi đã liên tục kêu gọi kiềm chế và không thay đổi hiện trạng", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
"Chúng tôi cảm thấy thoải mái và tự tin rằng chúng tôi có đủ nguồn lực và khả năng trong khu vực để đảm bảo hòa bình và ổn định, cũng như đáp ứng các cam kết an ninh quốc gia", người phát ngôn khẳng định, và cho biết thêm rằng Mỹ đang "theo dõi chặt chẽ các hành động của Bắc Kinh".
Trong thông báo ngày 8-4, Bộ tư lệnh chiến khu phương Nam của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết quân đội nước này tập trận quanh Đài Loan, kéo dài từ ngày 8 tới ngày 10-4.
Theo đó, quân đội Trung Quốc tiến hành tuần tra, tăng cường năng lực sẵn sàng tham chiến. Bên cạnh đó, các hoạt động diễn tập quân sự khác song song cũng sẽ diễn ra ở khu vực gần như bao trọn vùng biển và trên không quanh Đài Loan.
Theo Hãng tin Reuters, phía Đài Loan phát hiện 71 máy bay quân sự và 9 tàu chiến Trung Quốc xung quanh đảo Đài Loan trong ngày 8-4.
Thông tin tập trận của Trung Quốc được công bố ngay sau khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn có chuyến "quá cảnh" tại Mỹ và gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Đây được gọi là chuyến "quá cảnh" của bà Thái, nhưng bị phía Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ như một hành động "khiêu khích".
* Iran lắp camera công cộng để giám sát phụ nữ không che mặt. Nhà chức trách Iran đang lắp đặt camera ở những địa điểm công cộng và trên đường phố để xác định và xử phạt những người phụ nữ không che mặt.
Sau khi bị phát hiện, người vi phạm sẽ nhận được tin nhắn bằng văn bản "cảnh báo về hậu quả".
Hãng thông tấn Mizan của Iran cho biết động thái này nhằm mục đích "ngăn chặn việc phản đối Luật hijab". Hijab là chiếc khăn trùm đầu màu đen của phụ nữ Hồi giáo.
Ngày càng có nhiều phụ nữ Iran bỏ khăn che mặt kể từ sau cái chết của một thiếu nữ người Kurd 22 tuổi, khi bị cảnh sát đạo đức giam giữ vào tháng 9 năm ngoái.
Cô gái đó tên là Mahsa Amini, bị cáo buộc vi phạm quy tắc đeo khăn. Lực lượng an ninh Iran đã dùng bạo lực đáp lại các cuộc biểu tình sau cái chết của cô.
Ngày 30-3, Bộ Nội vụ Iran mô tả tấm khăn trùm đầu, che mặt là "một trong những nền tảng văn minh của Iran" và là "một trong những nguyên tắc thiết thực của Cộng hòa Hồi giáo".
Khô hạn ở Tunisia
Tấn công khủng bố ở châu Phi
* IS nhận trách nhiệm giết 20 người ở Congo. Ngày 8-4, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm vụ tấn công vào một ngôi làng ở Congo (châu Phi), khiến 20 người thiệt mạng.
Vụ tấn công diễn ra ngày 7-4 tại làng Musandaba. "Chúng tôi đếm được khoảng 20 người thiệt mạng tại làng Musandaba", quan chức quân sự địa phương cho biết.
Ông Anthony Mwalushay, người phát ngôn quân đội, cho biết những kẻ tấn công đã sử dụng dao rựa, để "tránh đối đầu với quân đội".
Vụ tấn công diễn ra tại một trong hai địa phương đang có xung đột, nơi Congo đã thay thế chính quyền dân sự bằng chính quyền quân sự hơn một năm trước trong nỗ lực ngăn chặn bạo lực.
* Tấn công khủng bố làm hơn 40 người thiệt mạng ở Burkina Faso. Cơ quan chức năng cho biết Ít nhất 44 dân thường đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của "các nhóm khủng bố có vũ trang" tại 2 ngôi làng ở đông bắc Burkina Faso, gần biên giới Niger.
Hãng tin AFP dẫn lời ông Rodolphe Sorgho, thống đốc vùng Sahel, cho biết cuộc tấn công diễn ra ngày 6-4 và nhắm vào các làng Kourakou và Tondobi ở phía đông bắc của quốc gia châu Phi này, đồng thời để ngỏ khả năng con số thương vong có thể còn cao hơn nữa.
Sau các nước láng giềng Mali và Niger, kể từ năm 2015, Burkina Faso cũng bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực do các nhóm thánh chiến có quan hệ với Al-Qaeda và “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng gây ra, khiến hơn 10.000 người thiệt mạng và khoảng 2 triệu người phải di tản trong nước.
* Ít nhất 80 người bị bắt cóc ở bang Zamfara, Nigeria. Ít nhất 80 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, ở bang Zamfara của Nigeria đã bị một nhóm tay súng bắt cóc.
Vụ bắt cóc mới nhất xảy ra ngày 7-4 ở làng Wanzamai thuộc khu vực Tsafe ở bang Zamfara. Những người bị bắt cóc chủ yếu là trẻ em và phụ nữ.
Bang Zamfara là điểm nóng về các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc do các nhóm vũ trang tiến hành nhằm vào các ngôi làng xa xôi, hẻo lánh.
Tình trạng mất an ninh ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, đang ngày càng trở nên phổ biến. Người dân địa phương cho biết các nhóm vũ trang đã tấn công hàng trăm cộng đồng dân cư trên khắp tây bắc Nigeria trong những năm gần đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận