Thủ tướng Anh Boris Johnson bước ra khỏi dinh thủ tướng ở London hồi đầu tuần trước - Ảnh: REUTERS
* Thỉnh nguyện thư tại Ukraine kêu gọi mời thủ tướng Anh làm thủ tướng Ukraine. Hàng ngàn người Ukraine đã kêu gọi ban quốc tịch cho Thủ tướng Anh Boris Johnson và mời ông làm thủ tướng mới của Ukraine. Lời kêu gọi được thể hiện dưới hình thức một thỉnh nguyện thư được đăng tải trên trang web của Chính phủ Ukraine.
Chỉ trong vài tiếng sau khi đăng tải ngày 26-7, đã có hơn 2.500 người vào ký tên. Về lý thuyết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ xem các thư kiến nghị của người dân nếu có trên 25.000 chữ ký. Ông Johnson sắp rời chức thủ tướng Anh và tại Kiev, ông được nhiều người dân Ukraine yêu thích vì các chính sách ủng hộ Ukraine mạnh mẽ.
* "Thượng đỉnh về vắc xin tương lai" ở Mỹ. Vắc xin COVID-19 tương lai nên là vắc xin dạng xịt mũi, tiến sĩ Anthony Fauci - cố vấn khoa học chính của Tổng thống Joe Biden - nêu đề xuất trong cuộc họp bàn về tương lai của vắc xin COVID-19 ngày 26-7.
Sự kiện do Nhà Trắng tổ chức còn được mô tả là "thượng đỉnh về vắc xin tương lai", với sự tham gia của lãnh đạo các hãng dược phẩm hàng đầu Mỹ.
"Chúng ta cần vắc xin có độ bền cao, có phạm vi tác động rộng hơn và bảo vệ lâu dài hơn. Chúng ta cần các loại vắc xin có khả năng bảo vệ con người trước nhiều biến thể và cuối cùng là loại vắc xin có thể bảo vệ chúng ta bất kể mẹ thiên nhiên có tạo ra thêm loại biến chủng nào", tiến sĩ Ashish Jha, người đứng đầu nhóm chuyên trách COVID-19 của chính quyền Biden, nêu quan điểm.
* Mỹ dự định xả thêm ít nhất 20 triệu thùng dầu. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cấp cao tiết lộ ngày 26-7. Hình thức xả kho sẽ là bán đấu giá, tức doanh nghiệp Mỹ nào trả cao hơn sẽ được mua.
Trước đó, Mỹ đã bán 125 triệu thùng dầu thô từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) với 70 triệu thùng trong số này đã được giao. Nhà Trắng kỳ vọng động thái sẽ hạ nhiệt giá dầu và lạm phát do cuộc xung đột Ukraine.
* Nga rút khỏi Trạm không gian quốc tế (ISS), Mỹ nói chưa nghe thấy. Nhà Trắng và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đều nói chưa nhận thông báo chính thức từ Matxcơva. Tuy nhiên, cả người đứng đầu NASA Bill Nelson và phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đều khẳng định Washington đang nghiên cứu các phương án để "giảm thiểu tác động tiềm tàng với ISS nếu Nga rút vào năm 2024".
Trước đó, ngày 26-7, truyền thông Nga loan tin Tổng thống Vladimir Putin đã đồng ý trước đề xuất rút khỏi ISS của giám đốc Cơ quan vũ trụ Roscosmos để tự phát triển một trạm vũ trụ riêng.
Lính cứu hỏa Pháp ở Gironde ngày 23-7. Cháy rừng vẫn đang hoành hành ở Pháp, thiêu rụi hàng ngàn hecta rừng - Ảnh: REUTERS
* 90 trong số 96 tỉnh của Pháp đang hạn chế sử dụng nước nghiêm ngặt. Quyết định chưa từng có này là do hạn hán đang diễn ra vì nắng nóng và lượng mưa thấp. Chỉ có một số tỉnh ở nước này, trong đó có vùng thủ đô Paris, là không bị áp đặt hạn chế sử dụng nước.
Những biện pháp hạn chế sử dụng nước nghiêm ngặt nhất, trong đó có cấm sử dụng nước tưới tiêu cho nông nghiệp, đang có hiệu lực ở khu vực phía tây bắc lưu vực sông Loire cũng như ở khu vực phía đông nam sông Rhone.
* Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến điện đàm. Nhà Trắng thông báo cuộc nói chuyện sẽ diễn ra trong tuần này. Căng thẳng quanh vấn đề Đài Loan và cuộc xung đột Nga - Ukraine dự kiến là hai chủ đề sẽ được đề cập trong cuộc gọi.
Đây sẽ là cuộc điện đàm thứ năm giữa hai nhà lãnh đạo. Nó diễn ra khi Trung Quốc đưa ra những cảnh báo cao độ tới chính quyền Biden trước khả năng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan.
* Ý tuyên bố không cần khí đốt Nga. Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Roberto Cingolani khẳng định ngay trong đầu mùa đông năm nay, người dân Ý sẽ không còn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga.
Chính quyền Rome cam kết sẽ cắt giảm 7% lượng tiêu thụ khí đốt. Nhờ vào kho dự trữ đã vượt quá 70% vào thời điểm hiện tại, Ý tin những tháng đầu của mùa đông sẽ không cần khí đốt Nga.
Giá dầu Mỹ đã giảm nhẹ trước thông tin chính quyền nước này chuẩn bị xả thêm 20 triệu thùng dầu thô từ Kho dự trữ chiến lược. Trên thị trường chứng khoán, không có các biến động đáng kể sau khi Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Biden vẫn chưa quyết định dỡ bỏ thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc có từ thời người tiền nhiệm.
Cũng liên quan ông Biden, nhà lãnh đạo Mỹ đã hết lời ca ngợi Tập đoàn SK và Hàn Quốc vì quyết định đầu tư 22 tỉ USD vào ngành công nghệ cao của Mỹ. Ông tuyên bố đây là bằng chứng cho thấy Mỹ cùng đồng minh Hàn Quốc và các nước khác sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh công nghệ của thế kỷ 21.
Các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ đã có bức tranh kinh doanh trái ngược trong quý 2 vừa qua. Theo công bố của Alphabet, công ty mẹ của Google và YouTube, tập đoàn này kiếm được 69,69 tỉ USD trong quý 2 vừa qua, cao hơn mức 61,88 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái. Tại Microsoft, việc đồng đôla Mỹ mạnh hơn khiến tập đoàn này phải hạ mức dự báo tăng trưởng doanh thu năm nay. Hiện Microsoft chưa công bố doanh thu quý vừa qua.
Cảnh sát Congo giải tán người biểu tình phản đối LHQ bằng hơi cay ngày 26-7 - Ảnh: REUTERS
* Biểu tình chống Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Cộng hòa Dân chủ Congo (châu Phi) tiếp diễn. Ít nhất 3 binh sĩ LHQ và 12 thường dân đã thiệt mạng trong ngày 26-7, ngày biểu tình thứ hai liên tiếp.
Theo Reuters, đợt biểu tình bị thúc đẩy bởi những cáo buộc cho rằng lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ không bảo vệ được thường dân trước các toán dân quân vũ trang. Lực lượng bảo vệ các tòa nhà LHQ được cho là đã đáp trả khi người biểu tình ném đá, bom xăng vào các nơi này.
* Google được yêu cầu tham gia chống phá thai. 17 tổng chưởng lý bang Cộng hòa của Mỹ đã yêu cầu Google hiển thị các trung tâm chống phá thai trên công cụ tìm kiếm cùng tên. Lá thư được công bố ngày 26-7 nhằm đáp lại lời kêu gọi của phe Dân chủ hồi tháng 6, trong đó kêu gọi Google không hiển thị các trung tâm chống phá thai.
Các trung tâm chống phá thai tồn tại dưới nhiều hình thức trong nhiều năm và bị cáo buộc đưa ra các thông tin sai lệch nhằm khiến việc phá thai của phụ nữ trở nên khó khăn hơn.
Tôn vinh môn thể thao trí tuệ
Cây cầu Napier ở thành phố Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu của Ấn Độ đã được tô điểm bằng các ô vuông đen, trắng quen thuộc của bàn cờ vua. Nơi đây sẽ diễn ra Giải Olympiad cờ vua 2022 từ ngày 28-7 đến 10-8 với hơn 100 quốc gia tham dự. (AFP)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận