Ukraine cam kết chống tham nhũng
* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không dung thứ cho hành vi tham nhũng. Ngày 22-1, ông Zelensky khẳng định sẽ đưa ra các quyết định quan trọng để nhổ tận gốc vấn đề tham nhũng trong tuần này.
Ông Zelensky cam kết chống tham nhũng trong lúc xuất hiện một loạt báo cáo về các hoạt động đáng ngờ trong mua sắm thiết bị quân sự chống Nga.
Theo Hãng tin Reuters, Ukraine có lịch sử lâu dài về tham nhũng và quản lý yếu kém. Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng tham nhũng ở Ukraine ở vị trí 122/180 quốc gia, không tốt hơn nhiều so với Nga trong năm 2021.
Chống tham nhũng cũng là một trong những yêu cầu chính đối với tư cách thành viên EU khi Kiev trở thành ứng cử viên gia nhập vào năm ngoái.
* Đức không cản Ba Lan gửi xe tăng cho Ukraine. Ngoại trưởng Đức cho biết chính phủ nước này sẽ không cản Ba Lan gửi xe tăng Leopard 2 tới Ukraine.
Ngày 22-1, khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Ba Lan tiếp tục gửi xe tăng Leopard 2 mà không có sự đồng ý của Đức, bà Annalena Baerbock, ngoại trưởng Đức cho biết Đức sẽ không cản Ba Lan.
Cùng ngày, bộ trưởng quốc phòng Đức, ông Vladimir Pistorius, khẳng định Đức sẽ không quyết định vội vàng vì chính phủ nước này có nhiều yếu tố cần xem xét, bao gồm an ninh của người dân Đức.
Các quan chức Ukraine đã kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp xe tăng hiện đại do Đức sản xuất nhưng Berlin cho tới nay vẫn chưa gửi hoặc chưa cho phép các nước NATO làm theo lời kêu gọi của Kiev.
"Chúng tôi cần nhiều vũ khí hơn: xe tăng, máy bay, tên lửa tầm xa", ông Zelensky kêu gọi trong cuộc gặp với cựu thủ tướng Anh Boris Johnson ở Kiev, ngày 22-1.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông không loại trừ khả năng gửi xe tăng Leclerc tới Ukraine.
Ông Macron nhận định việc gửi xe tăng không được làm leo thang tình hình, phải tính đến thời gian huấn luyện binh sĩ Ukraine sao cho hiệu quả để không gây nguy hiểm cho nước Pháp.
Khác biệt trong công bố thương vong ở Ukraine
* Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy nói 180.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương ở Ukraine. Con số của Ukraine là 100.000 thương vong quân sự và 30.000 thường dân thiệt mạng.
"Tổng thất của Nga lên tới 180.000 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương", Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Eirik Kristoffersen nói trong cuộc phỏng vấn với Đài TV2.
Na Uy, quốc gia có chung biên giới với Nga, là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kể từ khi tổ chức này thành lập năm 1949.
"Tổn thất của Ukraine có lẽ là hơn 100.000 người chết hoặc bị thương. Ngoài ra Ukraine có khoảng 30.000 dân thường thiệt mạng", ông Kristoffersen nói.
Trong nhiều tháng nay, cả Nga và Ukraine đã không cung cấp số liệu về tổn thất.
Hồi tháng 11-2022, tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết quân đội Nga thiệt hại hơn 100.000 người và con số của Ukraine có thể "tương tự".
Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy khẳng định bất chấp những tổn thất nặng nề, Nga có thể tiếp tục cuộc chiến trong thời gian khá dài, nhờ vào khả năng huy động và sản xuất vũ khí.
* Cựu tổng thống Nga Medvedev dự đoán về sự hình thành của một liên minh quân sự mới chống Mỹ. Theo ông Medvedev, dòng viện trợ quân sự liên tục cho Kiev cho thấy rõ ràng rằng phương Tây đang tìm cách “làm suy yếu hoặc tốt nhất là tiêu diệt” Nga, nhưng nỗ lực này cuối cùng có thể phản tác dụng.
Bình luận trên được ông Medvedev, hiện giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, đưa ra trong một bài đăng trên mạng xã hội ngày 22-1 trong bối cảnh phương Tây vừa kết thúc cuộc họp về hỗ trợ Kiev tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Đức.
“Cuộc gặp ở Ramstein và việc phân bổ vũ khí hạng nặng cho Kiev cho thấy rõ ràng rằng kẻ thù của chúng ta sẽ cố gắng làm chúng ta kiệt sức trong một khoảng thời gian không xác định, hoặc tốt nhất là tiêu diệt chúng ta”, ông Medvedev nói.
Tuy nhiên, theo ông Medvedev, việc kéo dài tình trạng thù địch ở Ukraine cuối cùng có thể dẫn đến sự xuất hiện của một khối quân sự mới tập hợp các quốc gia đã “chán ngấy người Mỹ”.
Nga đã nhiều lần kêu gọi phương Tây ngừng “bơm” vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều đó sẽ chỉ kéo dài tình trạng thù địch hơn là thay đổi kết quả cuối cùng.
Mỹ sắp có chánh văn phòng Nhà Trắng mới
* Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ bổ nhiệm cựu điều phối viên chính sách COVID-19 Jeff Zients làm chánh văn phòng tiếp theo. Chánh văn phòng Nhà Trắng hiện tại là ông Ron Klain sẽ rời chức vụ trong vài tuần tới.
Thông tin này do Reuters công bố dựa trên nguồn tin riêng. Hiện Nhà Trắng chưa bình luận.
Ông Zients từng là điều phối viên COVID-19 của Nhà Trắng từ khi chính quyền của ông Biden bắt đầu vào năm 2021 cho tới tháng 4-2022.
Ông Zients cũng từng là cố vấn kinh tế cho chính quyền cựu tổng thống Barack Obama, khi đó ông Biden làm phó tổng thống.
Việc ông Zients trở lại Nhà Trắng diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với ông Biden, khi vị tổng thống 80 tuổi chuẩn bị tái tranh cử nhiệm kỳ 2 năm 2024. Ông Biden cũng đang bị công tố viên đặc biệt điều tra về cách xử lý các tài liệu mật.
Chánh văn phòng được coi là một trong những vị trí quan trọng nhất tại Nhà Trắng, là người đảm bảo tuyển dụng các nhân viên phù hợp và chịu trách nhiệm thúc đẩy chương trình nghị sự của tổng thống.
Đây là công việc có độ khó cao. Người tiền nhiệm của ông Biden là cựu tổng thống Donald Trump đã trải qua 4 đời chánh văn phòng trong 4 năm.
* Mỹ bắt giữ 2 thành viên Nhà nước Hồi giáo (IS). Đại tá Joe Buccino, người phát ngôn của Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ (CENTCOM), cho biết Mỹ thực hiện cuộc đột kích trên không và trên bộ ở miền đông Syria ngày 21-1 và bắt giữ thành công 2 thành viên IS.
Một thường dân đã bị thương nhẹ trong cuộc tấn công và được điều trị tại cơ sở y tế gần đó trước khi trở vể với gia đình.
Phía CENTCOM tiết lộ họ có sự hỗ trợ từ "lực lượng đối tác", ám chỉ Lực lượng Dân chủ Syria, nhóm vũ trang người Kurd đã giúp Mỹ và các đồng minh đánh bại IS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận