16/11/2022 05:43 GMT+7

Tin thế giới 16-11: Nghi tên lửa Nga rơi vào Ba Lan; Mỹ sợ có khủng bố trong nước

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Tổng thống Ukraine cảnh báo Nga sẽ tiếp tục tấn công; Lạm phát của Mỹ đang lên đến đỉnh điểm; FBI cảnh báo nguy cơ IS và al-Qaeda tấn công khủng bố trên lãnh thổ Mỹ... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 16-11.

Tin thế giới 16-11: Nghi tên lửa Nga rơi vào Ba Lan; Mỹ sợ có khủng bố trong nước - Ảnh 1.

Khói bốc lên từ khu vực thuộc Ba Lan gần biên giới với Ukraine vào ngày 15-11 - Ảnh: REUTERS

* Tổng thống Ukraine cảnh báo Nga sẽ tiếp tục tấn công rộng khắp. Ngày 15-11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo người Ukraine có thể phải đối mặt với nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga sau một loạt cuộc tấn công mới nhất, nhưng khẳng định đất nước vẫn sẽ tồn tại.

"Tôi biết rằng các cuộc tấn công (tên lửa) đã làm nhiều nơi mất năng lượng. Chúng tôi đang làm việc, chúng tôi sẽ khôi phục mọi thứ, chúng ta sẽ sống sót", ông nói trong một video được đăng trực tuyến.

Bên cạnh đó, ông Zelensky cho biết Nga chỉ đánh trúng 10 mục tiêu, trong số hàng chục vụ tấn công vào đất nước của ông vào ngày 15-11.

"Hôm nay các hệ thống phòng không NASAMS của chúng tôi đã hoạt động tốt. Trong số hàng chục lần tấn công (của Nga), có 10 lần trúng mục tiêu. Có hơn 70 tên lửa và 10 máy bay không người lái tấn công đã bị bắn hạ", ông Zelensky cho biết.

* Các nước xem xét thông tin tên lửa Nga đánh trúng Ba Lan. Một nguồn tin an ninh của Reuters cho biết tên lửa Nga đã đánh trúng Przewodow, một ngôi làng ở miền đông Ba Lan, cách biên giới với Ukraine khoảng 6km, và khiến hai người thiệt mạng. Song phía Nga đã bác bỏ cáo buộc này.

Ngay sau đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố các tên lửa của Nga đã tấn công Ba Lan, một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Zelensky gọi đây là "sự leo thang đáng kể" của cuộc xung đột hiện nay, song không cung cấp bằng chứng về các cuộc tấn công.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda về vụ nổ ở miền đông nước này vào cuối ngày 15-11. Ông Stoltenberg cho biết "NATO đang theo dõi tình hình và các đồng minh đang tham khảo ý kiến ​​chặt chẽ" với Ba Lan.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đang tìm hiểu để xác định những gì đã xảy ra và đang làm việc với Chính phủ Ba Lan.

Chứng khoán tăng và đồng USD giảm trong ngày 15-11 sau khi các dữ liệu mới cho thấy lạm phát của Mỹ đang lên đến đỉnh điểm. Song các thị trường đã bị xáo trộn bởi thông tin chưa được chứng thực về việc tên lửa của Nga đánh trúng Ba Lan.

Chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI tăng 1,03%, trong khi chỉ số thị trường mới nổi MSCIEF tăng 2,22%.

Tại Phố Wall, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 0,17% sau khi chao đảo trước thông tin về Ba Lan. S&P 500 tăng 0,87% và Nasdaq Composite tăng 1,45%.

Đồng euro tăng 0,22% lên 1,0348 USD đổi 1 euro, sau một thời gian ngắn trượt dốc theo thông tin về Ba Lan. Đồng yen tăng 0,50% so với đồng USD ở mức 139,18.

Dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao sau tăng 1,05 USD lên 86,92 USD/thùng, trong khi dầu Brent giao sau tăng 72 cent lên 93,86 USD/thùng.

* Nga lo ngại một số quốc gia viện cớ địa chính trị để biện minh việc rút khỏi các cam kết khí hậu. Tại Hội nghị thượng đỉnh COP27 ở Ai Cập ngày 15-11, đặc phái viên về khí hậu của Nga Ruslan Edelgeriev cho biết Matxcơva quan ngại một số nước có thể sử dụng "tình hình địa chính trị khó khăn" để biện minh cho việc rút lui khỏi các cam kết về khí hậu.

"Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về kế hoạch của một số quốc gia và hiệp hội khu vực nhằm sửa đổi các cam kết trước đây với lý do tình hình địa chính trị khó khăn", ông Edelgeriev nói.

* Đức ủng hộ lập vùng an ninh xung quanh nhà máy điện hạt nhân Ukraine. Sau cuộc hội đàm với người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết Berlin ủng hộ việc thiết lập một khu vực an ninh xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine.

Ông Grossi cho biết cơ sở điện lực Zaporizhzhia do Nga kiểm soát nằm ngay tại tiền tuyến và gần như không thể tạo ra một khu vực an ninh ở đó. "Nhưng chúng tôi không bỏ cuộc", ông nói.

Tin thế giới 16-11: Nghi tên lửa Nga rơi vào Ba Lan; Mỹ sợ có khủng bố trong nước - Ảnh 5.

Người dân địa phương sạc thiết bị di động và sạc dự phòng sau khi Nga rút khỏi thành phố Kherson, Ukraine ngày 15-11 - Ảnh: REUTERS

* FBI cảnh báo nguy cơ IS và al-Qaeda tấn công khủng bố trên lãnh thổ Mỹ. Trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ ngày 15-11, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray bày tỏ quan ngại trước nguy cơ hai tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda có thể trực tiếp thực hiện hoặc kích động những cuộc tấn công quy mô lớn trên lãnh thổ Mỹ.

Phát biểu trước Ủy ban An ninh nội địa thuộc Hạ viện Mỹ, ông Wray nêu rõ: "FBI vẫn quan ngại về việc Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan và ý đồ của các tổ chức khủng bố nước ngoài như IS và al-Qaeda cùng các nhóm chân rết của chúng thực hiện hoặc kích động những cuộc tấn công quy mô lớn tại Mỹ".

* Liên Hiệp Quốc, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Ngày 15-11, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề nhân đạo kiêm điều phối viên cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths bày tỏ lạc quan về triển vọng tiếp tục duy trì Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sau khi gặp gỡ các phái đoàn Nga và Ukraine tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau những cuộc gặp để lắng nghe quan điểm của hai bên về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen trước thời điểm gia hạn vào ngày 19-11, ông Griffiths viết trên Twitter: "Tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ tiếp tục cùng nhau cải thiện công việc quan trọng này".

Tin thế giới 16-11: Nghi tên lửa Nga rơi vào Ba Lan; Mỹ sợ có khủng bố trong nước - Ảnh 6.

Người di cư Venezuela trong một khu trại tị nạn bên bờ sông Rio Bravo, ở Ciudad Juarez, Mexico - Ảnh: REUTERS

* Thẩm phán Mỹ bác bỏ lệnh trục xuất người di cư đến Mexico trong dịch. Một thẩm phán Mỹ phán quyết lệnh trục xuất hàng trăm ngàn người di cư đến Mexico trong thời kỳ đại dịch COVID-19 là bất hợp pháp. Phán quyết này có thể có tác động lớn đối với việc quản lý biên giới của Mỹ.

Trong phán quyết ​​​​dài 49 trang, thẩm phán Tòa án quận Mỹ Emmit Sullivan cho biết chính sách này là "tùy tiện và thất thường" và vi phạm luật quản lý liên bang.

* Hàn Quốc tham gia dự án mở rộng hệ thống tàu điện ngầm Jakarta. Chính quyền thành phố Jakarta của Indonesia và Hàn Quốc đã nhất trí hợp tác phát triển giai đoạn 4 của dự án tàu điện ngầm (MRT) Jakarta, cụ thể là tuyến Fatmawati - Kampung Rambutan.

Trong một tuyên bố bằng văn bản ngày 15-11, quyền thống đốc Jakarta Heru Budi Hartono nhấn mạnh dự án có thể trở thành một giải pháp xử lý tình trạng tắc nghẽn giao thông hiện nay.

Thỏa thuận trên là kết quả của những cuộc thảo luận được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 28 tại Bali trong 2 ngày 16 và 17-10 vừa qua.

Giới chức phương Tây: Nga chuyển sang giai đoạn phòng ngự ở Ukraine Giới chức phương Tây: Nga chuyển sang giai đoạn phòng ngự ở Ukraine

TTO - Thủ đô Kiev trúng tên lửa và nhiều khu vực của Ukraine phát báo động bị tấn công ngày 15-11, sau khi một số quan chức cho rằng Nga đã chuyển sang giai đoạn phòng ngự ở Ukraine. Tại Kherson, có tin Nga tiếp tục rút lui.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên